Ảnh minh họa
Theo đó, dự án 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines (A320/321 hoặc B737 MAX8/9/10) giai đoạn 2021-2025 với mục đích thay thế tàu bay cũ trên 10 năm tuổi và bổ sung nhu cầu phát triển đội tàu bay đến 135 chiếc vào năm 2025. Tổng vốn đầu tư dự án là 88.131 tỷ đồng.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị Sở KH&ĐT Hà Nội chỉ đạo Vietnam Airlines hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo 2 kịch bản vận tải hàng không đến năm 2025, Vietnam Airlines chọn kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng đạt 5,3%/năm, tổng khách vận chuyển đạt 39,5 triệu khách và số lượng tàu bay 135 chiếc, trong đó nhu cầu tàu bay thân hẹp là 90 tàu bay.
Nhu cầu này nhằm đáp ứng mục tiêu của hãng hàng là cổ phần khách nội địa của Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco) là 55%. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng đội tàu bay thân hẹp theo kịch bản thấp, Vietnam Airlines mua 50 tàu bay thân hẹp, trong đó 26 tàu bay sẽ thay thế cho tàu bay cũ do thanh lý và hết hạn hợp đồng thuê và bổ sung 24 tàu bay.
Dự kiến 24 tàu bay của hãng sẽ được nhận theo từng năm, trung bình mỗi năm nhận 5 tàu bay, với chủng loại dự kiến là A320/A321 hoặc B737 MAX8/9/10 là loại tàu bay đáp ứng quy định pháp luật về chủng loại khai thác.
Việc này Bộ GTVT cho rằng, sẽ không gây áp lực lớn, đột ngột lên hệ thống hạ tầng cảng hàng không, năng lực quản lý của Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam. Bộ GTVT cũng đánh giá, dự án của Vietnam Airlines phù hợp với quy hoạch cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng đưa ra một số khuyến cáo.
Cụ thể, dự án của Vietnam Airlines chưa nêu chi tiết kế hoạch phát triển mạng đường bay cụ thể theo từng năm nên chưa có đủ cơ sở để đánh giá sự phù hợp của mạng đường bay với nhu cầu thị trường, phù hợp với hạ tầng hàng không và phù hợp với chính sách phát triển mạng lưới đường bay.
“Để có cơ sở đánh giá khả thi của dự án, Bộ GTVT đề nghị Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay dự kiến. Kế hoạch này phải phù hợp với hiện trạng kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt lưu ý đến kế hoạch mở rộng, xây mới các cảng hàng không như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Long Thành…”, Bộ GTVT nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Vietnam Airlines bổ sung kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo khai thác đội tàu bay đến năm 2025.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng khuyến cáo, chủng loại tàu bay Vietnam Airlines dự kiến đầu là A320/321 NEO hoặc B737 MAX8/9/10 là chủng loại tàu bay đáp ứng quy định pháp luật. Tuy nhiên, chủng loại tàu bay B737 MAX 8 đang bị đình chỉ khai thác. Cục Hàng không Việt Nam và các nhà chức trách hàng không các nước cho rằng khả năng khai thác trở lại loại tàu bay này trong thời gian tới cũng chưa rõ ràng.
Còn với các dòng tàu bay A320/321 NEO, Vietnam Airlines cần lưu ý việc lựa chọn động cơ cho phù hợp, đặc biệt khi đánh giá loại động cơ Pratt Whitney đã xảy ra một số sự cố trong hoại động khai thác thời gian qua.
Mặt khác, dự án tăng 50 tàu bay thân hẹp cũng là dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines nghiên cứu, rà soát các quy định để triển khai thực hiện.
“Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam quản lý chặt chẽ kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2025 của Vietnam Airlines nói riêng và các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đảm bảo số lượng tàu bay khai thác của các hãng phù hợp với thị trường vận tải hàng không, hạ tầng hàng không, năng lực giám sát hàng không, đáp ứng các yêu cầu về an toàn, an ninh, chât lượng dịch vụ”, Bộ GTVT cho biết.
https://vietnamhoinhap.vn/article/quan-ly-so-luong-tau-bay-khai-thac-phu-hop-voi-thi-truong-van-tai---n-24742