Hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý mật mã dân sự nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý mật mã dân sự, góp phần triển khai chính phủ điện tử.
Hội thảo cũng là dịp trao đổi về việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mật mã dân sự, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm bảo mật tiên tiến đã, đang và sẽ được triển khai ở Việt Nam và trên thế giới; trên cơ sở đó thống nhất định hướng phát triển nền công nghiệp an toàn thông tin của Việt Nam, chú trọng nghiên cứu phát triển các sản phẩm mật mã dân sự ứng dụng trong cải cách hành chính, phục vụ chính phủ điện tử...
Trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai chính phủ điện tử luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng, xác định là xu thế tất yếu, nâng cao tính minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Trong đó, vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật cho các hệ thống hạ tầng CNTT là một khâu then chốt.
Nhà nước thực hiện quản lý mật mã dân sự nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự. Đặc biệt, mật mã dân sự đóng vai trò vô cùng quan trọng trong triển khai chính phủ điện tử.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết, các giao dịch điện tử trong nền kinh tế số ngày càng nhiều và nhu cầu cần được bảo đảm an toàn ngày càng lớn, do đó dự báo nhu cầu phát triển, sử dụng các sản phẩm - dịch vụ mật mã dân sự, an toàn thông tin ngày càng tăng về quy mô, số lượng, loại hình, chủng loại. Sản phẩm - dịch vụ mật mã không chỉ sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước mà được dùng rộng rãi trong bảo vệ thông tin trong chính phủ điện tử và giao dịch điện tử.
"Cần phát huy hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Ban Cơ yếu Chính phủ, các đơn vị liên quan trong thời gian tới, không chỉ trong các nghiệp vụ quản lý, cấp phép sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự mà mở rộng thiết lập nền tảng hạ tầng an toàn, tin cậy để triển khai chính phủ điện tử, của các cơ quan từ trung ương đến địa phương", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đề nghị.
Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Lê Xuân Trường cho biết, là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về công tác cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ được Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng về triển khai chính phủ điện tử.
Trong đó, công tác quản lý mật mã dân sự thời gian qua đã đi vào khuôn khổ pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc ứng dụng mật mã dân sự sẽ tiếp tục góp phần đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trên các hệ thống công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Lê Xuân Trường khẳng định: Vấn đề bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin là nội dung xuyên suốt, là điều kiện bảo đảm triển khai thành công chính phủ điện tử.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung giới thiệu và thảo luận về: Công tác quản lý mật mã dân sự và vai trò của mật mã dân sự trong đảm bảo an toàn bảo mật thông tin phục vụ chính phủ điện tử; triển khai chính phủ điện tử và nhu cầu đảm bảo an toàn bảo mật thông tin thuộc hệ thống cơ quan nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký điện tử phục vụ cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước tại địa phương; giới thiệu các giải pháp công nghệ, các sản phẩm mật mã dân sự trong bảo đảm bí mật, an toàn thông tin phục vụ chính phủ điện tử.