Diễn ra từ 13 giờ 30 phút ngày 08/01, Chương trình sẽ giới thiệu đến người dân Thủ đô và du khách tham quan một số hoạt động đáng chú ý gồm phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như: Đoàn rước dâng lễ cửa Đình, Lễ Cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề, Lễ dựng cây Nêu…
Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ phối hợp với các tỉnh, thành thực hiện chương trình biểu diễn nghệ thuật “Giao lưu diễn xướng âm nhạc truyền thống các vùng miền” với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, Hải Phòng, Phú Thọ…
Tại 44 phố Hàng Bạc, đình Kim Ngân, khách tham quan sẽ được thưởng lãm không gian Tết cũng như: Giới thiệu con giáp của năm Quý Mão, dựng cây Nêu, ông đồ viết thư pháp, giới thiệu các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ…
Tại 87 phố Mã Mây, ngôi Nhà di sản trưng bày không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa như: Tổ chức gói bánh chưng, các hoạt động chuẩn bị cho ngày lễ cúng ông Công, ông Táo và ngày Tất niên; giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa Thủy Tiên…
Ngày 07/01, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, nhóm các họa sĩ Hà Nội cho ra mắt triển lãm tranh chủ đề “Mèo”: Giới thiệu nghệ thuật Đờn ca Tài tử Bạc Liêu; cũng như giới thiệu Di sản âm nhạc Bắc bộ “Chuyện nhạc đồng Bằng” của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc.
Từ ngày 06/01/2023 đến 20/01/2023, tại phố Phùng Hưng, các nghệ nhân và thợ thủ công đến từ các làng nghề Việt Nam sẽ giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống như tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he, các sản phẩm mặt hàng phục vụ ngày Tết và trình diễn giao lưu một số các loại hình âm nhạc truyền thống vùng miền gồm hát Xẩm, múa xòe Thái, đờn ca tài tử…
“Tết Việt – Tết Phố 2023” sẽ mở rộng sự tham gia của cộng đồng hơn nữa, tạo cơ hội để người Việt khắp đất nước cũng như kiều bào ở xa Tổ quốc cùng hướng về cội nguồn, gắn kết với nhau, cùng chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền và chung tay tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.