Quận Cầu Giấy tập trung rà soát, khắc phục về PCCC theo Nghị quyết 05 của HĐND Thành phố Hà Nội
Thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND thành phố, các địa phương, đơn vị đã tập trung rà soát, kiểm tra, khắc phục về PCCC tại nhiều công trình, cơ sở xây dựng.
Chiều 3/10, UBND quận Cầu Giấy phối hợp cùng Công an quận tổ chức hội nghị triển khai công tác khắc phục về PCCC đối với công trình thuộc diện điều chỉnh Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND TP Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Ngô Ngọc Phương, Chủ tịch UBND của 8 phường trên địa bàn quận, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan thuộc UBND quận. Lãnh đạo Công an quận, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH và lãnh đạo của các cơ sở thuộc diện thực hiện của Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tá Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy thông tin kết quả triển khai Nghị quyết 05 thời gian qua trên địa bàn; những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, đề xuất phân công nhiệm vụ của Công an quận.
Theo đó, toàn quận Cầu Giấy hiện có 206 cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05. Đây là các cơ sở hoạt động trước khi Luật PCCC có hiệu lực.Vì vậy, Nghị quyết 05 nhằm đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục các tồn tại, bất cập về công tác PCCC.
Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND còn gặp một số khó khăn như việc xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với công trình, hạng mục công trình thuộc diện điều chỉnh theo quy định tại điều 63a của Luật PCCC đang gặp khó khăn vướng mắc do đặc thù các cơ sở đã tồn tại và đưa vào hoạt động từ trước khi Luật PCCC, thông tư, nghị định của Bộ Công an ban hành; đồng thời, liên quan đến thời hiệu, thời hạn xử lý vi phạm hành chính cũng như quy định việc tàm đình chỉ, đình chỉ hoạt động với đối tượng này là chưa bảo đảm căn cứ về mặt pháp lý để thực hiện.
Tại hội nghị, thay mặt Công an quận, đồng chí Trương Tuấn Vinh, Đội phó phụ trách PCCC quận đã trực tiếp giải đáp các kiến nghị của đại diện các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp có công trình thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo đã chia sẻ khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng và cải tạo trụ sở Trung tâm theo Nghị quyết 05. Trong khi đó, đây là công trình đã được HĐND TP phê duyệt chủ trương ngày 4/7/2023 và hiện hồ sơ đang “nằm” ở cơ quan chức năng.
Còn đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu khó khăn và mong có hướng dẫn cụ thể để báo cáo lên Bộ, lập kế hoạch trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy đúng quy định. Bởi công trình nhà hiệu bộ được xây dựng từ năm 1980 nằm trong diện điều chỉnh của Nghị quyết 05.
Trực tiếp giải đáp thắc mắc và gợi mở phương án, đồng chí Trương Tuấn Vinh, đội phó phụ trách, PCCC Công an quận Cầu Giấy cho biết, tất cả các đơn vị đều phải có lộ trình cụ thể, phải nghiên cứu kỹ, vẽ bức tranh đầy đủ công tác PCCC, xem công trình của đơn vị hay doanh nghiệp của mình thuộc phạm vi điều chỉnh nào của Nghị quyết 05; từ đó mời đơn vị tư vấn thiết kế chuẩn xác, xin ý kiến lực lượng chức năng Công an TP…
Tại hội nghị, Đại tá Thành Kiên Trung, Trưởng Công an quận Cầu Giấy cũng nhấn mạnh về việc hậu quả về cháy nổ không ai mong muốn. Tuy nhiên, Đại tá Trung khẳng định, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây thiệt hại về người và tài sản. Với chức năng của cơ quan công an, nếu có sự cố về cháy nổ thì sẽ tuỳ tình hình thực tế, điều tra về 2 tội danh: Thiếu tinh thần trách nhiệm; vi phạm các quy định về PCCC.
Vì vậy, theo Đại tá Trung, nếu mỗi đơn vị, doanh nghiệp không làm hết trách nhiệm của chủ cơ sở thì nguy cơ chính trị, nguy cơ phạm tội hình sự sẽ rất gần; cần phải có lộ trình cụ thể và coi việc phòng ngừa là trách nhiệm buộc phải thực hiện.
“Hiểu biết và được tuyên truyền rất kỹ, song vẫn cần phải có sự quyết tâm của các cơ sở, nếu không sẽ là một “gánh nặng” cho công tác PCCC. Quan điểm là “dân phòng, quân chữa”. Phòng tốt thì chưa chắc đã phải chữa, hoặc có chữa cũng không gây thiệt hại gì lớn”, Đại tá Thành Kiên Trung nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ghi nhận và chia sẻ khó khăn với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đang vướng mắc và thuộc diện điều chỉnh theo Nghị quyết 05.
Nêu những đặc thù của quận về dân cư, mật độ dân số, các đơn vị, tập đoàn lớn trên địa bàn, các đại sứ quán…, đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận nhận định, công tác PCCC sẽ còn khó khăn với tình hình cháy nổ ở Hà Nội nói chung, Cầu Giấy nói riêng còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, quan điểm khi thực hiện Nghị quyết 05 trên địa bàn quận là “bàn làm, không bàn lùi”, đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thì các đồng chí quan tâm rồi, quan tâm hơn nữa.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cũng giao cụ thể nhiệm vụ cho Công an quận, các phòng ban thuộc quận, UBND 8 phường, 206 cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05 phải bắt tay ngay thực hiện đúng chức trách, hoàn thành nhiệm vụ, bám sát vào các giải pháp được Nghị quyết đưa ra, áp dụng vào đặc điểm cụ thể của từng cơ sở đảm bảo phù hợp, hiệu quả và đạt được mục tiêu chung mà Thành phố đề ra./.