"Quái kiệt" Hoàng Dũng trong vai "Người phán xử"

Theo NLD| 03/07/2017 08:49

"Người phán xử" - NSND Hoàng Dũng nói ông thích những vai gai góc, diễn biến tâm lý phức tạp như Phan Quân nhưng trong đời thường ông luôn tâm niệm muốn được yêu quý cần phải yêu quý người khác trước

Rất lâu rồi, khán giả mới tìm lại được nhân vật "linh hồn" của phim truyền hình - NSND Hoàng Dũng - với vai ông trùm xã hội đen Phan Quân trong "Người phán xử", đang phát sóng những tập cuối trên VTV3.


NSND Hoàng Dũng vai Phan Quân trong phim “ Người phán xử”.

Ám ảnh bởi ánh mắt và giọng nói

"Người phán xử", bộ phim về tâm lý tội phạm của bộ 3 đạo diễn Mai Hiền - Danh Dũng - Khải Anh, đang làm mưa làm gió trên sóng truyền hình Việt Nam cũng như các diễn đàn mạng. Đã lâu lắm rồi, phim Việt Nam mới lại khiến khán giả xôn xao, chờ đón từng ngày như thế.

Không chỉ kịch bản hay, sức hút của "Người phán xử" còn đến từ dàn diễn viên chuyên nghiệp, tài năng như Hoàng Dũng, Trung Anh, Việt Anh, Hồng Đăng... Ánh mắt của NSND Hoàng Dũng khi đóng nhân vật trong "Người phán xử" suốt mấy tháng qua luôn ám ảnh người xem. Đó là ánh mắt của con dao sắc lẹm, vừa thể hiện được sự tinh tường, mưu mô, thủ đoạn vừa chứng tỏ được bản lĩnh nhìn người, nhìn đời. Đạo diễn Khải Anh bảo anh không tìm đâu ra một người chuyên nghiệp như thế; còn Hồng Đăng, Việt Anh thì quả quyết rằng NSND Hoàng Dũng là một người thầy. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng thừa nhận bộ phim đã may mắn có sự cộng tác của nhiều nghệ sĩ tài năng, có người đang ở độ chín về nghề, có người mà tài năng đã được khán giả ghi nhận nhưng vẫn cho thấy sự đam mê và tận tâm với từng vai diễn, dù ngắn hay dài.

Hoàng Dũng tâm sự rằng ông thích những vai gai góc, diễn biến tâm lý phức tạp thay vì những vai đơn giản. Đọc kịch bản "Người phán xử", NSND Hoàng Dũng đồng ý nhận vai ngay mà không cần ai phải thuyết phục, dù trước đó ông đã hạn chế nhận lời mời làm phim. Thích Phan Quân bởi đây là nhân vật có nhiều cung bậc cảm xúc, một ông trùm xã hội đen nhưng cũng rất con người, Hoàng Dũng đã cho khán giả thấy một ông trùm Phan Quân lạnh lùng, quyết đoán nhưng khi khóc vẫn sẽ lấy được sự đồng cảm của khán giả. Nam diễn viên gạo cội này nói ông chủ ý xây dựng Phan Quân là một nhân vật nhiều màu sắc, khi buồn cũng mang nhiều màu sắc mà khi nóng giận cũng vậy. Ông cũng không dùng nhiều đến kỹ thuật diễn xuất, để làm ra một Phan Quân chỉ tập trung vào hai thứ: ánh mắt và tiếng nói.

"Say" sân khấu

Không phải đến "Người phán xử", NSND Hoàng Dũng mới nổi tiếng. Trên Sân khấu Kịch Hà Nội, ông còn được mệnh danh là một trong những "quái kiệt". Ngay từ khi còn đang học ở Trường Cao đẳng Sân khấu Hà Nội, Hoàng Dũng đã là anh chàng "say" sân khấu. Những người bạn cùng thời của ông còn nhớ, có những hôm không có vé nhưng khi nghe tin ở Nhà hát Lớn ra mắt vở mới là ông phải tới xem cho bằng được. Có lần xin vào xem không được, Hoàng Dũng bèn tìm cách trèo lên xe cứu hỏa nhảy qua lan can để vào rạp. Sau này là diễn viên chính thức của Đoàn kịch Hà Nội năm 1978, Hoàng Dũng vẫn hằng đêm đi xem bạn diễn, xem đi xem lại không hề chán. Chính sự đam mê và học hỏi không ngừng ở từng vai diễn của các đồng nghiệp, Hoàng Dũng sau này đã có những khám phá sáng tạo độc đáo cho nhân vật của mình.

Ông nổi lên ngay từ nhân vật phó giám đốc Chính trong vở "Tôi và chúng ta" năm 1985 của Đoàn kịch Hà Nội. Sau đó, ông góp mặt trong nhiều vở kịch như "Cát bụi" (vai Cả Khoa), "Bình minh đó trái tim anh" (vai bác sĩ), "Thầy khóa làng tôi" (vai thầy khóa), "Hà Nội đêm trở gió" (vai Lãm), "Ăn mày dĩ vãng" (vai Hai Hùng),... và đều mang về cho mình những thành công nhất định. Nhiều khán giả hẳn khó có thể quên nhân vật Hai Hùng của Hoàng Dũng trong vở "Ăn mày dĩ vãng". Đó được coi là sự phân thân đầy uyển chuyển khi ông đóng vai Hai Hùng ở 2 thời kỳ già, trẻ đan xen. Cảnh trước là một Hai Hùng mãnh liệt, làm kẻ thù hoảng hốt run sợ vì tài xuất quỷ nhập thần của mình trong chiến đấu; đến cảnh sau đó là một Hai Hùng già nua ngơ ngác đi tìm lại quá khứ, với những hơi thở hổn hển của thời gian. Những cảnh đối chọi và chuyển đổi liên tục xuất hiện làm cho người xem phải thán phục trước diễn xuất đầy tài năng của Hoàng Dũng.

Nhưng nói như vậy không phải Hoàng Dũng chưa từng thất bại. Ngược lại, có những kỷ niệm luôn đau nhói như kim đâm mỗi khi ông nghĩ đến, đó là lần ông bị đạo diễn đánh trượt vai trong vở "Bình minh đó trái tim anh". Lúc đó, Hoàng Dũng và Trần Vân được phân tập chung (một kíp diễn) vai một bác sĩ trẻ sắp ra trường, phải đối diện với những sự kiện quan trọng trong nghề nghiệp. Khi diễn thử, Hoàng Dũng bị loại vì diễn không ra được hồn cốt nhân vật. Cảm giác hụt hẫng như bị rơi xuống hố, Hoàng Dũng vào phòng tối ôm mặt khóc một mình, để rồi sau đó, ông quyết tâm sửa sai bằng cách hằng đêm ngồi dưới hàng ghế khán giả để xem Trần Vân diễn. Lúc ấy, trong đầu Hoàng Dũng vang lên câu hỏi, với câu thoại này mình sẽ thể hiện ra sao và hành động của nhân vật mình sẽ xử lý thế nào. Ông âm thầm tập luyện và suy nghĩ về hình tượng nhân vật mà mình đã gặp thất bại. Một ngày, Trần Vân bị khàn giọng không thể diễn, Hoàng Dũng phải lên sân khấu. Một mình ôm kịch bản tự tập, Hoàng Dũng tưởng tượng cảnh giao lưu với những nhân vật của vở diễn và những lời thoại của từng người. Và đêm đó, Hoàng Dũng đã làm nên sự khác lạ đến tuyệt vời, ông chính thức được diễn chung vai với Trần Vân. Bản lĩnh của một nghệ sĩ biết đứng lên từ thất bại chính là nền tảng giúp Hoàng Dũng có được những thành công vượt bậc trong hàng loạt vở sau này.

Gương mặt đắt giá của truyền hình

Từ khi phim truyền hình mới manh nha phôi thai, ông cùng với Hoàng Cúc đã là cặp đôi vàng của màn ảnh nhỏ. Từ những năm 1990 đến nay, cùng với những vai diễn chắt lọc, NSND Hoàng Dũng đã trở thành một trong những gương mặt đắt giá bậc nhất của màn ảnh phía Bắc. Ông đóng không quá nhiều phim truyền hình nhưng mỗi lần xuất hiện, ông đều để lại những ấn tượng sâu đậm. Năm 2010, Hoàng Dũng đảm nhận vai Thái, một trùm ma túy trong phim "Cuồng phong". Sự hai mặt của một "ông trùm" ma túy đa nghi sống trong vỏ bọc một doanh nhân có trách nhiệm với xã hội đã được Hoàng Dũng thể hiện xuất sắc. Sau này, khi vào vai chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ân trong phim "Đàn trời", cũng là một dạng "ông trùm" khác, Hoàng Dũng cũng diễn cho ra chất một chủ tịch tỉnh có bề ngoài đạo mạo nhưng nội tâm thâm hiểm, sẵn sàng đạt được những thứ mình muốn bằng mọi thủ đoạn...

Sống mở lòng để nhận yêu thương

Gần 40 năm đứng trên sân khấu, 10 năm đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, năm 2007, Hoàng Dũng được nhà nước phong danh hiệu NSND để ghi nhận những thành tựu nghệ thuật của mình. Nhắc đến Hoàng Dũng, nhiều nghệ sĩ Hà Nội luôn dành cho ông sự trân trọng, biết ơn. NSƯT Công Lý từng nói Hoàng Dũng là người đã giúp anh có được sự đa dạng trên sân khấu kịch, thay vì chỉ diễn hài. Hoàng Dũng kể khi dựng vở "Điện thoại di động" năm 2005, nhiều người hỏi tại sao ông phân vai chính cho Công Lý bởi hình thức diễn viên không hợp lắm. Câu trả lời của Hoàng Dũng là ông tin vào khả năng của diễn viên này. Ông tin qua những vai chính kịch, những vai kịch mang diễn biến tâm lý phức tạp, mọi người thấy một Công Lý khác đa diện hơn chứ không đơn thuần là một diễn viên hài. Quả thực, cả 3 vở Hoàng Dũng dựng, Công Lý đều nhận vai chính, đều giành huy chương vàng khi tham gia các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Chia sẻ về quan điểm sống, Hoàng Dũng cho hay ông luôn tâm niệm muốn được yêu quý cần phải yêu quý người khác trước. Cuộc sống cứ mở lòng ra, yêu mến người thân và những người xung quanh thật tử tế thì bạn nhận được cũng là sự tử tế và yêu thương. 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
  • Hơn 2.000 người dân Thủ đô được khám chữa bệnh miễn phí
    Hơn 2.000 người dân Thủ đô được các thầy thuốc trẻ của các bệnh viện tuyến Trung ương và Hà Nội khám tầm soát miễn phí các bệnh ung thư, phổi, tim mạch, thận... Những trường hợp nghi ngờ được chuyển khám chuyên sâu, nhằm phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Đừng bỏ lỡ
"Quái kiệt" Hoàng Dũng trong vai "Người phán xử"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO