Nhiếp ảnh

Phóng viên ảnh đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam

NSNA Chu Chí Thành 15:35 20/06/2024

Trong giới nhiếp ảnh, không mấy ai được may mắn như Nguyễn Bá Khoản, sớm giác ngộ cách mạng lại có cơ hội chụp ảnh cho báo Tin tức - Cơ quan Mặt trận Dân chủ từ những năm 1937 - 1938, tiếp đó ông làm việc cho báo Cứu quốc (1942 - 1946).

chinh-phu-dau-tien-cua-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-ra-mat-quoc-hoi-tai-nha-hat-lon-ha-noi-ngay-3_11_1946-..jpg
Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt Quốc hội tại Nhà hát Lớn, Hà Nội (ngày 3/11/1946). Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ông là phóng viên ảnh của Nha Tổng Giám đốc Thông tin tuyên truyền (1945 - 1946).
Với chiếc máy ảnh được cha ông, cụ Nguyễn Bá Cầu sắm cho, lại được Mặt trận Dân chủ trao nhiệm vụ, ông đã chụp được nhiều ảnh về cuộc mít tinh công khai đầu tiên của Việt Minh nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938 tại Nhà Đấu xảo Hà Nội. Những bức ảnh về cuộc mít tinh này và ảnh “Hội nghị Báo giới Bắc kỳ”, ảnh “Các đại biểu dự Hội nghị Nghiệp đoàn ngành in” là khúc dạo đầu của chương 1 - “Cao trào Cách mạng 1936 - 1939”, nằm trong cuốn sách ảnh “Những khoảnh khắc lịch sử qua ống kính Nguyễn Bá Khoản” xuất bản năm 1997. Đây là cuốn nhật ký ảnh chính trị, ngoại giao và quân sự của nước ta diễn ra trong vòng hơn một năm (từ ngày 17/8/1945 đến ngày 19/12/1946). Đó là thời điểm vàng, đồng thời là thời điểm “đất nước nghìn cân treo sợi tóc!” Giữa tình thế hiểm nguy đó, người được tin cậy ra vào Phủ Chủ tịch, được theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để chụp ảnh, chính là Nguyễn Bá Khoản. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng cũng là vinh hạnh lớn hiếm có trong cuộc đời nhà nhiếp ảnh.

Những bức ảnh“Nhân dân Hà Nội mít tinh trước Nhà hát Lớn (17/8/1945)”, “Quần chúng Cách mạng tràn vào chiếm Phủ Khâm sai Bắc kỳ (Bắc Bộ Phủ) ngày 19/8/1945”, “Mít tinh trên Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 31/8/1945”, “Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) ở quảng trường Ba Đình Hà Nội”… đều là ảnh về các sự kiện diễn ra công khai giữa Thủ đô, cũng được các nhà nhiếp ảnh khác chụp. Nhưng các hoạt động của Chính phủ, của Hồ Chủ tịch trong phạm vi hẹp lại chỉ có trong ống kính Nguyễn Bá Khoản. Ví dụ như các ảnh: “Đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị Giải phóng quân tại Hà Nội (tháng 8/1945)”, “Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945”, “Sáu đại biểu Hà Nội trúng cử Quốc hội khóa I ra mắt đồng bào Thủ đô tại khu Việt Nam học xá (Bạch Mai) tháng 1/ 1946”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phái đoàn Chính phủ Pháp và đại diện Đồng minh trong ngày ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946”, “Hồ Chủ tịch giải thích với đồng bào cả nước về Tạm ước 14/9/1946 qua Đài Tiếng nói Việt Nam (22/10/1946)”, “Hồ Chủ tịch chủ tọa lễ khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I tại Hà Nội (28/10/1946)” và “Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt Quốc hội tại Nhà hát Lớn, Hà Nội (3/11/1946)”… Đó là những ảnh “độc quyền” của Nha Tổng giám đốc Thông tin tuyên truyền do Tổng Giám đốc Nguyễn Tấn Gi Trọng phụ trách, mà ông Khoản là phóng viên thực hiện.

dai-doi-phao-dai-lang-ha-noi-nhan-nhiem-vu-ban-phao-lenh-mo-dau-ngay-toan-quoc-khang-chien-19_12_1946.jpg
Đại đội Pháo đài Láng Hà Nội nhận nhiệm vụ bắn pháo lệnh mở đầu ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Trong cuốn sách “Ký ức về những ngày độc lập đầu tiên 1945 - 1946” của NXB Thời đại, tạp chí Xưa & Nay in năm 2010 (sau sách của ông 3 năm), gần hết số ảnh kể trên của Nguyễn Bá Khoản xuất hiện trong sách, nhưng không ghi tên tác giả. Vì nó là tập ảnh rời do Bộ trưởng Trần Huy Liệu chỉ đạo Bộ Tuyên truyền biên soạn, được Chính phủ tặng cho Cao ủy Pháp ở Hà Nội, mà Đại úy Salon, một nhân viên Cao ủy Pháp có trong tay.

nguyen_ba_khoan.jpg
NSNA Nguyễn Bá Khoản

Sau này về Pháp, ông Salon tặng cho bạn mình, nhà sử học Pháp - Giáo sư Philppe Deviller, từng có mặt ở Hà Nội thời gian đó. Cuối cùng ông Philppe Deviller lại tặng bộ ảnh này cho Giáo sư sử học, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê, và nó trở thành bộ sử liệu nhiếp ảnh đặc biệt của quốc gia. Đúng là “Châu về Hợp Phố”!

“Phong trào Nam tiến”, và “Toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội” là hai tập ảnh quân sự gần 100 ảnh. Đó là những nốt dạo đầu của bản anh hùng ca chiến tranh nhân dân. “Đoàn quân Nam tiến vào ga Tuy Hòa” là bức ảnh được nhiều báo chí và các bảo tàng trong nước sử dụng. Ảnh cho thấy sự hiện diện của những người lính đội mũ chào mào hoặc mũ cối, vai đeo ba lô và súng đạn, quân phục không đồng nhất, đứng chật sân ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Họ tự động xếp hàng, nối nhau thành nhiều tốp kéo dài hết sân ga. Một chiến sĩ cầm cờ đỏ sao vàng đứng đầu ở chính giữa hàng quân làm chuẩn. Những người lính xuống tàu sau lần lượt nối tiếp thành đội ngũ chỉnh tề với khí thế sẵn sàng chiến đấu.

Bức ảnh này là một trong 5 ảnh thuộc cụm tác phẩm “Toàn quốc kháng chiến năm 1946” đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (lĩnh vực Nhiếp ảnh) đợt I, năm 1996. Bốn ảnh còn lại gồm: “Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối quân Anh - Pháp chiếm đóng Nam bộ”; “Trung đội Quyết tử quân trong lễ tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại Hà Nội” (1946); “Quân ta ở Pháo đài Láng chuẩn bị bắn vào cột cờ Hà Nội - nơi quân Pháp chiếm đóng” (1946); “Vật chướng ngại trên đường Huyền Trân Công chúa” (1947).

Bộ phóng sự ảnh được giải thưởng Hồ Chí Minh và tất cả ảnh của Nguyễn Bá Khoản giai đoạn 1937 - 1946 là những tài liệu lịch sử chân thật, sinh động, quý hiếm, trong đó có nhiều ảnh là bản gốc duy nhất, không có người thứ hai chụp. Tập sử thi độc đáo này không chỉ là những bằng chứng hùng hồn về bước ngoặt lịch sử dân tộc, mà còn là tượng đài văn hóa nhiếp ảnh đầu tiên của một nước tiên phong chống thực dân ở châu Á giành được độc lập, tự do như Việt Nam.

ngay-11_1_1946-chu-tich-ho-chi-minh-den-nam-dinh-gap-go-cac-vi-than-bao-thuong-gia-o-thanh-nam.jpg
Ngày 11/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nam Định gặp gỡ các vị thân bào, thương gia ở Thành Nam (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản)

Xét trong khung cảnh báo chí thế giới những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai, toàn bộ ảnh của Nguyễn Bá Khoản thuộc lĩnh vực ảnh thời sự báo chí có tầm vóc ngang với ảnh của các hãng thông tấn phương Tây như AFP (Pháp), AP (Mỹ), Reuter (Anh), hay Tass (Liên Xô). Nhưng điều đáng kính nể hơn là khi đó tại Việt Nam, kể cả chế độ cũ lẫn chế độ mới đều chưa có hãng Thông tấn nhiếp ảnh quốc gia, cũng như hãng thông tấn nhiếp ảnh tư nhân. Ngay Việt Nam Thông tấn xã thành lập ngày 15/9/1945, ban đầu chỉ có bộ phận Tin, chưa có Ảnh. Để đạt được số lượng, và chất lượng thông tin như vậy chứng tỏ rằng, từ lúc còn trong bóng tối, đến buổi bình minh của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tổ chức Việt Minh Hà Nội đã đi trước một bước, dìu dắt một thanh niên vào nghề ảnh báo chí đúng lúc lịch sử đất nước đang cần.

Mỗi khi đài phát thanh phát bài hát “Nam bộ kháng chiến” (23/9/1945) của Tạ Thanh Sơn thì Nguyễn Bá Khoản lại rạo rực nhớ tới buổi lên tàu hỏa từ Hà Nội vào Nam ngay đầu tháng 10/1945. Ông đi cùng chi đội trưởng Nam Long chỉ huy một chi đội Nam Tiến. Và ngày ấy ông ra trận tác nghiệp đúng với vị thế phóng viên ảnh quân sự của một hãng thông tấn.

Bức ảnh “Đoàn quân Nam Tiến vào ga Tuy Hòa” nằm trong hàng trăm bức ảnh về các cuộc chiến đấu của quân và dân Sài Gòn, Gia Định, Ninh Hòa, Nha Trang, Buôn Ma Thuột… Ngay năm ấy, báo Cứu quốc đã triển lãm gần 500 ảnh chiến sự Nam bộ của Nguyễn Bá Khoản ở nhà Khai trí Tiến Đức Hà Nôi. Sau đó ông lại trưng bày 200 ảnh về quân và dân Nam Trung bộ và Tây Nguyên đánh Pháp.
Thế hệ trẻ nhiếp ảnh Thông tấn xã Việt Nam ngày nay biết ông là bậc tiền bối của mình (nhưng ông khiêm tốn, chưa một lần tự nhận như vậy). Nhưng chúng tôi thấy, chẳng những nội dung các bức ảnh do ông chụp về Bác Hồ, về Nam bộ và Trung bộ đánh Pháp đã nói lên điều đó, mà giấy giới thiệu ông vào Mặt trận phương Nam do Tổng Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền - Nguyễn Tấn Gi Trọng ký là bằng chứng xác nhận cương vị này. Nha Tổng Giám đốc Thông tin Tuyên truyền khi ấy gồm Việt Nam Thông tấn xã và Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam). Như vậy, Nguyễn Bá Khoản là phóng viên ảnh thời sự chính trị, ngoại giao, và quân sự đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã và đồng thời là nhà báo nhiếp ảnh đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, công chúng khâm phục ông đã chụp được những bức ảnh lịch sử quý giá, và nể trọng ông vì ông và gia đình đã tự bảo quản số tài liệu này an toàn trong nhiều năm gian khổ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Phim, ảnh được ông gói cẩn thận để trong chum sành lót lá chuối khô, thêm vài cục vôi đá nhỏ ở đáy chống ẩm. Việc bảo quản phim, ảnh có công sức của vợ ông, bà Cao Thị Thu, từng là nữ cứu thương Trung đoàn Thủ đô. Bà bí mật cất giấu chum phim, ảnh trong nhà, và mang theo đi tản cư từ Hà Nội vào Ninh Bình hồi chống Pháp. Sau 50 năm, mở chum ra, thật ngạc nhiên, phim, ảnh đều khô ráo, chất lượng còn tốt và nguyên vẹn. Bà Thu biết đó là những tấm ảnh quý giá, nhưng không nghĩ nó lại là di sản Văn hóa quốc gia quí hơn vàng, vì vàng không thể là chứng nhân lịch sử thay thế cho ảnh. Chính vì thế, cuối đời, ông bà đã hiến tặng cả kho báu gần 2.000 ảnh cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, và nhiều phim ảnh quan trọng được lưu hành tại Thông tấn xã Việt Nam.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phóng viên ảnh đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO