“Nếu có phương pháp tiếp cận đúng, có chiến lược phát triển đồng bộ cùng với quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, những thách thức trong phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có lời giải với hiệu quả cao”.
Với tinh thần đó, việc Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số 2018 lựa chọn chủ đề "Sâm Ngọc Linh – Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số" thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu để Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp cùng các đối tác phát triển tiếp tục nghiên cứu, thực hiện, cùng chung tay, đồng hành, sát cánh vì mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới.
Đó là, tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là mô hình có thể triển khai ở những địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, gắn với các tiêu chí giảm nghèo đa chiều khác… Đặc biệt, là mô hình tạo ra chuỗi giá trị phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ cây sâm Ngọc Linh đã có những thành công rất ấn tượng có thể di thực, thí điểm, nhân rộng ra ở những địa phương có điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu, độ che phủ của rừng…
Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, ở Việt Nam còn nhiều cây dược liệu quý, đặc hữu khác, giá trị cao ở cả đồng bằng và miền núi trên nhiều độ cao và khí hậu khác nhau, nếu được định hướng nghiên cứu đầu tư đúng mức và áp dụng mô hình phát triển như sâm Ngọc Linh sẽ tạo ra chuỗi giá trị góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển khá giả, làm giàu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, có chính sách huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng KTXH như điện, đường, trường, trạm, đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn; huy động sức mạnh tổng lực của Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp chung tay liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, hướng dẫn để người dân nắm chắc kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, phát triển giống, công nghiệp chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; có giải pháp chống hàng giả, đăng ký chỉ dẫn thương hiệu, phát triển thị trường trong và ngoài nước, phát triển vùng chuyên canh gắn với du lịch... Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và cam kết mạnh mẽ cho phát triển, thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng các loại hình trang trại, hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ gia đình với các quy mô khác nhau, chống hàng giả.
Xác định chiến lược phát triển sâm Việt Nam mà nòng cốt là sâm Ngọc Linh là bước đi đúng đắn. Đồng thời, các địa phương khác cũng nghiên cứu vận dụng theo mô hình này đối với những sản phẩm có thế mạnh đặc hữu khác để xây dựng các chiến lược, kế hoạch, lộ trình triển khai.
Theo Phó Thủ tướng, để xây dựng hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh KTXH giai đoạn sau 2020, các bộ ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, phát huy những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp, chính sách đột phá hơn nữa cho thời gian tới, nhất là huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển KTXH vùng dân tộc miền núi.
Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế - đặc sản của địa phương mình; khuyến khích vươn lên làm giàu từ những chuỗi giá trị; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tới câu chuyện phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ trên vùng dân tộc thiểu số và miền núi. “Chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số những người sinh ra và lớn lên cùng với rừng, gắn bó với rừng mới là những người bảo vệ rừng tốt nhất, hiệu quả nhất. Rừng là một nguồn tài nguyên quý giá, là mái nhà chung, che chở cho người dân nơi đây và vùng hạ du. Vì vậy chúng ta phải có những chính sách hữu hiệu để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tham gia vào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu quả, người dân nơi đây yên tâm sống với rừng, làm giàu từ rừng, viết nên những câu chuyện huyền thoại, truyền cảm hứng làm giàu của những tỷ phú sâm Việt Nam trên rừng đại ngàn Ngọc Linh”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương chủ động tìm kiếm những cơ hội, ngay từ chính diễn đàn ngày hôm nay, từ những bài học kinh nghiệm trong việc phát triển KTXH của các địa phương khác để năng động, sáng tạo tìm ra hướng đi riêng phù hợp để phát triển nhanh, bền vững KTXH của địa phương mình.
“Nếu có thể, hãy nghiên cứu những đề xuất về di thực và phát triển cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu quý, các lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập. Tôi cũng khuyến khích Quảng Nam và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với một loại dược liệu quý đã được công nhận là sản phẩm quốc gia”, Phó Thủ tướng nói./.