Phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình, Hà Nội

12/06/2018 09:01

Phố Phó Đức Chính bắt đầu từ đường Thanh Niên đến đường Yên Phụ (chỗ giáp phố Hàng Bún). Riêng đoạn giữa phố - từ ngã tư Cửa Bắc đến ngã tư Yên Ninh - thì mới nhập vào Nhà máy điện Yên Phụ, cho nên hiện nay phố Phó Đức Chính gồm hai đoạn cách xa nhau.

Phố Phó Đức Chính dài 714m, rộng 7m.

Phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình, Hà Nội.

Từ trước thế kỷ XIX, đây là đất phường Yên Hoa. Tới đầu thế kỷ XIX, phường Yên Hoa chia ra một số thôn nhỏ: Yên Phụ, Yên Canh, Yên Định, Yên Ninh, Trúc Bạch... Phố Phó Đức Chính tính từ phía bắc xuống gồm đất của các thôn sau: Trúc Bạch, Yên Canh (hai thôn này sau nhập lại thành thôn Trúc Yên), Yên Định và Yên Thuận cũ. Dấu vết các thôn này nay là các đình miếu cổ: đình Trúc Yên ở số nhà 62, đình An Trí trên đất Yên Canh cũ ở số nhà 66, đình Yên Định ở số nhà 100, đình Yên Ninh ở số nhà 150. Chỗ tận cùng của phố này, tức số nhà 216, là đền Đức Vua thì đã sang đất thôn Thạch Khối (xem thêm mục Hàng Than). Đình An Trí là một di tích có giá trị lịch sử. Thần tích kể rằng: Uy Đô là con của vua Trần Thánh Tông và ba hoàng hậu Minh Đức. Chàng là hậu thân của Uy Linh Lang (tên gọi chung trăm người con của Lạc Long Quân). Khi quân Nguyễn sang xâm lược, Uy Đô mộ nghĩa binh đi đánh giặc. Khi giặc tan, chàng được phong làm Dâm Đàm đại vương. Năm ấy chàng 36 tuổi. Nhưng tới năm sau Uy Đô qua đời ở ngay nhà riêng tại xóm Bình Thọ. Nhân dân vùng này lập đền thờ chàng ở chỗ bảy cây gạo nơi chàng “hiển linh” tức này là đình Nhật Tân; lại lập một đền nữa ở trên chính nền nhà cũ (ở xóm Binh Thọ) tức là đình An Trí ngày nay. Vì lúc này vẫn còn thuộc phường Yên Hoa nên đình này cũng gọi là đình Yên Hoa (và như thế bên cạnh thánh Linh Lang đời Lý được thờ chính tại đền Voi Phục Thủ Lệ, còn có thánh Linh Lang đời Trần mà nơi thờ chính là đình An Trí). Ngoài hai nơi thờ trên ra, Uy Linh Lang còn được thờ tại đền Voi Phục ở làng Thụy Khuê và một số nơi khác trong kinh thành Thăng Long. Và nếu tước bỏ phần hoang đường đi thì Uy Linh Lang có thẻ là một chàng trai gốc gác ở phường Yên Hoa (tức Yên Phụ), có công đánh giặc Nguyên nên được vua Trần nhận làm con. Sau này, khi phường Yên Hoa bị chia nhỏ ra thì đình An Trí lại thuộc về thôn Yên Canh, cho nên thôn Yên Phụ (mới) lập đền riêng để thờ. (Tới giữa thế kỷ XIX, đền này ở sát đê, bị lở, nên dân làng mới đem bài vị bát hương vào đặt ở chùa Trấn Quốc trong hồ Tây vì chùa này cũng thuộc đất làng Yên Phụ). Khi thực dân Pháp đặt xong ách cai trị ở Hà Nội, chúng đã xây một trường đào tạo thông ngôn (người phiên dịch) bên cạnh đình An Trí. Sau trường này giải tán nhường chỗ cho học trò tiểu học và dân chúng quen gọi là Trường Yên Phụ, tuy trường này không nằm trên đất làng Yên Phụ.

Thời Pháp thuộc, đây là phố Lôcốt Bắc (rue Blockhaud Nord). Đối với lịch sử cách mạng Thủ đô, phố này có một địa điểm đáng nhớ. Đó là nhà số 19, một trụ sở bí mật của Đảng Cộng sản Đông Dương trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939) mà các đồng chí Trường Chinh, Lương Khánh Thiện đã từng làm việc tại đấy.

Sau cách mạng, đặt tên là phố Nguyễn Thái Học. Thời tạm chiếm đổi ra tên hiện nay.

Nay thuộc hai phường Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình.

Phó Đức Chính (1908-1930) người làng Đa Ngưu, nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là sinh viên Cao đẳng Công chính, đã tham gia sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng. Ông đã cùng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa do Việt Nam quốc dân đảng tổ chức hồi tháng 2/1930. Ông được phân công chỉ huy việc đánh đồn Thông (ở Sơn Tây cũ) với sự phối hợp của các lực lượng từ Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao kéo về (khi đã thành công ở những nơi này). Nhưng trong thực tế thì việc đánh chiếm ba nơi trên không thành, nên kế hoạch đánh đồn Thông cũng thất bại, ít ngày sau Phó Đức Chính bị giặc Pháp bắt, đưa ra hội đồng đề hình án tử hình.

Ngày 17/6/1930, hồi 5 giờ rưỡi sáng, ông bị đưa lên máy chém ở thị xã Yên Bái cùng với thủ lĩnh Nguyễn Thái Học và 11 người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình, Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO