Phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

07/08/2017 09:49

Phố Hàng Đào dài 260m, rộng 8m. Phố đi từ phố Hàng ngang đến đầu phố Hàng Gia- Cầu Gỗ.

Phố Hàng Đào dài 260m, rộng 8m.



Phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Phố đi từ phố Hàng ngang đến đầu phố Hàng Gia- Cầu Gỗ.

Đây là đất phường Thái Cực đời Lê, sau thuộc đất hai phường Đồng Lạc, Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Phố Hàng Đào có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là rue de la Soie (phố Tơ Lụa), năm 1945 lấy lại tên cổ là phố Hàng Đào, các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên phố Hàng Đào.

Nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã ghi tên phố này vào sách Dư địa chí của ông: “Phường Hoàng Đào nhuộm điều”. Thế nghĩa là dân phường này, ở thời đó, đã có nghề nhuộm và chuyên về nhuộm màu đỏ, màu hồng, màu hoa đào… Nhưng tới thế kỷ XVIII thì phố này nhận nhuộm thêm nhiều màu khác, còn nhận cả “chuội” tơ lụa cho trắng nõn nà. Sách Thượng kinh phong vật chí còn ghi: “Phường Hàng Đào làm nghề nhuộm màu. Màu trắng trắng như tuyết. Màu đỏ đỏ như tiết. Màu đen như nhuộm mực… Màu vàng là màu chính. Màu tạp thì có màu huyền, thiên thanh, hoa đào, cánh chả, quan lục, không màu nào giống màu nào…”.

Phố Hàng Đào nguyên là phần đất của hai phường Đồng Lạc (phía giáp Hàng Ngang) và Đại Lợi (phía giáp Bờ Hồ), thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Phường Đại Lợi vào đời Lê gọi là Thái Cực. Cho nên, ở đằng sau dãy nhà số lẻ, xưa có một cái hồ rộng, ăn lan tới gần phố Hàng Bè và thông ra hồ Gươm, gọi tên là hồ Thái Cực hoặc hồ Hàng Đào mà Phạm Đình Hổ có nhắc tới trong tập Vũ trung tùy bút. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, hồ ấy bị lấp đi để lấy chỗ xây nhà cửa.

Ngày nay di tích của hai phường cũ đó là những đình miếu còn sót lại: miếu Đồng Lạc số nhà 31 (chưa rõ thờ ai), đình Đồng Lạc ở số nhà 38 (thờ Bạch Mã, Linh Lang, Cao Sơn – xem các mục Hàng Buồm,Cầu Giấy và Kim Liên). Đền Đại Lợi còn có tên là đền Bạch Bố (vải trắng) ở nhà số 47, thờ Bạch Mã. CÒn đình Đại Lợi thì vốn ở vào cuối phố, giáp Hàng Gai, do mở đường nên dời vào chỗ bây giờ là 50 phố Gia Ngư, cũng thờ ba vị thần Bạch Mã, Linh Lang và Cao Sơn.

Ngoài ra, cũng ở phố Hàng Đào, tại số nhà 90A là đình Hoa Lộc do dân làng Đan Loan ở huyện Bình Giang (nay thuộc tỉnh Hải Hưng) lên đây cư trú lập ra. Vì dân Đan Loan làm nghề nhuộm màu và buôn bán tơ lụa nên ở đình này thờ tổ nghề nhuộm và là thành hoàng làng Đan Loan là Triệu Xương và vợ là Phương Dung tục truyền là những người đã mở trường học đầu tiên tại Đan Loan.

Cho tới trước thời Pháp thuộc, phố Hàng Đào là nơi tập trung bán tơ lụa. Hai bên phố là những cửa hàng bán đủ loại mặt hàng dệt bằng tơ tằm: the, lĩnh, lụa, lượt, là, cấp, nái, kỳ cầu, nhiễu, gấm, vóc, sa, xuyến… Cũng tại nơi đây mỗi tháng có họp sáu phiên chợ ngay trên đường phố vào các ngày 1 và ngày 6, gọi là chợ Hàng Tơ. Người các làng La Khê, La Cả ra bán the. Người làng Mỗ ra bán cấp, đũi. Người Vạn Phúc, Kẻ Bưởi đem lĩnh tới… Trừ gấm vóc là dệt bằng tơ đã nhuộm, còn các thứ khác thì để mộc. Dân Hàng Đào mua về đem nhuộm điều, nhuộm đỏ, hoặc giao cho người ở chợ Dầu Đình Bảng, ở làng Tây Hồ, ở Hàng Thợ Nhuộm đem nhuộm thâm, hoặc nhờ bên Cầu Gỗ chuội trắng… Ngày ấy ở Hàng Đào cũng có vài hiệu bán vải nhưng thứ hàng này đã có một phố riêng là phố Hàng Vải.

Tới đầu thế kỷ XX, một số người Ấn Độ tới mở hiệu bán các thứ vải vóc len dạ nhập từ phương Tây. Cũng vào thời kỳ này, mọc lên một số hiệu tạp hóa, vàng bạc, làm mũ… nhưng chủ yếu Hàng Đào vẫn là phố tơ lụa. Đối với lịch sử cách mạng cận đại, phố này có một ngôi nhà đáng lưu ý: nhà số 10 trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1907 là trường Đông Kinh nghĩa thục (xem thêm mục này).

Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), một mũi của đại quân ta từ bên Gia Lâm qua cầu Long Biên tiến vào thành phố, qua phố Hàng Đào giữa một rừng cờ hoa của dân chúng đón mừng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Phở bò Việt Nam là một trong 20 món súp ngon nhất thế giới
    Phở bò được nhiều khách quốc tế biết đến nhất trong ẩm thực Việt Nam, nằm trong top 20 món soup ngon hàng đầu thế giới do CNN chọn.
  • Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê tại đê Hữu Đáy, huyện Quốc Oai
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái đê hữu Đáy trên địa bàn huyện Quốc Oai và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở mái đê.
Đừng bỏ lỡ
Phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO