Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm: Mùa xuân reo vui
Hơn 7 năm qua, các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm - “trái tim của Hà Nội”, được thiết kế thành không gian đi bộ phục vụ người dân và du khách đến tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí... dịp cuối tuần. Phố đi bộ tại trung tâm Thành phố góp phần phát triển du lịch Hà Nội, đưa Hồ Gươm thành điểm đến hàng đầu của người dân trong và ngoài nước...
1. Không phải ngẫu nhiên Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản thông báo thống nhất chủ trương về việc sửa đổi “Quy chế quản lý hoạt động tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm”. Trước đó, ngày 17/5/2022, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND về việc “Ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận”.
Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND đã đưa ra những Chương, Điều thể hiện quy định, nguyên tắc, nội dung quản lý không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận nhằm phát huy vai trò, giá trị không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung.
Thực tế không thể phủ nhận những giá trị không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm tạo ra trong những năm qua. Phố đi bộ này chính là một sản phẩm của Hà Nội để tiến tới gia nhập các “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO năm 2019. Từ khi đi vào hoạt động, phố đi bộ tạo được điểm nhấn cho khu vực trung tâm Thủ đô ngàn năm văn hiến, hình thành thói quen đi bộ, nếp sống mới cho người dân Hà Nội. Đặc biệt, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng là địa điểm vui chơi của cộng đồng dân cư, điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm, giao lưu văn hóa.
Với cảnh quan mang đậm giá trị lịch sử, di sản văn hóa, di tích tại không gian phố đi bộ kết nối với khu phố cổ bên cạnh, đã góp phần quảng bá hình ảnh của Hà Nội đến bạn bè quốc tế, không những kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung.
Không tính hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, mỗi năm, tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm diễn ra hàng trăm hoạt động, sự kiện văn hóa - du lịch tầm cỡ quốc tế và quốc gia, cấp Thành phố. Thông qua đó, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là thỏi nam châm hút khách du lịch với hàng trăm nghìn lượt người đã đặt chân đến nơi này.
Nhưng bên cạnh những mặt tích cực, một “tảng băng chìm” hiện hữu ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm thời gian qua, đó là nhiều sự kiện diễn ra không đúng với yếu tố “văn hóa”, chưa tương xứng với vị trí của Hồ Gươm – “trái tim” của Thủ đô Hà Nội. Điều này đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trong Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố diễn ra cuối tháng 11/2023: khu vực hồ Hoàn Kiếm đan xen các hoạt động văn hóa còn có nhiều sự kiện diễn ra lộn xộn, mất mỹ quan, chưa phù hợp.
2. Trải qua thời gian và thực tiễn triển khai, rõ ràng đã có những tình huống, hoạt động phát sinh vượt ngoài khuôn khổ Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 17/5/2022. Nhận thấy điều đó, chính quyền Thành phố đã giao các sở, ngành liên quan tiến hành cập nhật, bổ sung, sửa đổi “Quy chế quản lý hoạt động tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm”.
Đây là một chủ trương đúng và “trúng” nhiều đích, đặc biệt giúp chính quyền, các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội phá được các “tảng băng chìm” đã án ngữ một thời gian dài tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm làm người dân bức xúc, đồng thời ngăn chặn được những hoạt động có thể xâm hại không gian đi bộ.
Tin chắc tới đây, việc sửa đổi và ban hành “Quy chế quản lý hoạt động tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm” của Thành phố Hà Nội, sẽ giúp phố đi bộ lan tỏa thông điệp sáng tạo, tạo nên thương hiệu thành phố đáng sống, trung tâm văn hóa của Thủ đô đối với cả nước. Khi đó, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm sẽ khoác tấm áo mới, trở thành không gian văn hóa nghệ thuật đích thực để các nghệ sĩ và những người dân, du khách giao lưu. Các nghệ sĩ có thêm không gian để quảng bá, giới thiệu tác phẩm của mình, giúp tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ văn hóa trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của công chúng về nghệ thuật truyền thống của Thủ đô và cả nước.
Cũng tin chắc rằng, khi sửa đổi Quy chế quản lý, người dân và du khách đến với các tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận gồm Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Ngang, Hàng Đào... sẽ thưởng thức các chương trình xẩm đường phố, quan họ, ca trù... trong tâm trạng vui tươi, thoải mái hơn. Gặp nhau trên phố đi bộ, không kể màu da, sắc tộc, người dân và du khách có thể kết tình bằng hữu, hòa vào các trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan, cờ vua, cờ tướng...
Quãng thời gian hơn 7 năm có lẽ đã đủ để phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm chứng minh được sự cần thiết, giá trị và ý nghĩa. Vừa là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn, khi hòa vào phố đi bộ giữa trung tâm thành phố, mỗi người thỏa sức tìm hiểu, khám phá và cảm nhận được nhiều hơn những nét đẹp của Hà Nội ngày nay, cùng những trầm tích văn hóa - lịch sử của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Mùa xuân đã về. Năm mới Giáp Thìn 2024 sắp gõ cửa nhà nhà. Có lẽ, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng đang reo vui cùng mùa xuân mới./.