Dấu vết các thôn cổ này là các đình miếu còn sót lại tới nay: số nhà 5 là đền Lạc Chính, thờ Nguyễn Minh Không, ông tổ nghề đúc đồng (xem mục Ngũ Xã). Đình làng Châu Long ở số nhà 4 ngõ Châu Long đã bị phá từ 1947. Chùa Châu Long ở đằng sau chợ Châu Long tương truyền có từ đời Trần và con gái vua Trần Nhân Tông (1279-1293) đã tu hành ở đây. Hiện trong chùa còn có bia ghi việc sửa chùa khắc vào năm 1808. Ngoài ra còn có am Châu Long ở số nhà 68 phố Cửa Bắc. Đó là những dấu vết của làng Châu Long cũ. Còn làng Yên Canh thì đình và đền nay có mặt chính quay về phía Cửa Bắc song vốn có lối sau thông ra phố Châu Long (xem mục Cửa Bắc).
Thời Pháp thuộc dãy phố này gồm hai phố khác nhau: đường số 93 (voie N093) năm 1928 được đặt tên là phố Ăng-toan Bon-nê (rue Antoine Bonnet) ở phía bắc, năm 1949 được gộp thêm phố Nguyễn Công Trứ ở phía Nam (là đường số 96 được đặt tên từ năm 1931), đến năm 1951 được gộp thêm một đoạn của đường số 96 (voie N096) mới được xây dựng để hình thành phố Châu Long ngày nay.
Nay thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.
Ngoài ra tên Châu Long còn được đặt cho một ngõ đi từ phố Cửa Bắc, qua phố Châu Long tới phố Đặng Dung. Ngõ này thời Pháp thuộc cũng gọi là ngõ Châu Long (ruelle Châu Long).