- Mối duyên nào đã đưa đến sự hợp tác giữa anh và chị Hồng Nhung trong nhiều sản phẩm âm nhạc suốt thời gian qua?
- Tôi có cơ hội cộng tác với chị Nhung qua lời giới thiệu của nhạc sĩ Quốc Trung. Anh Trung là một người luôn tạo cơ hội để các nhạc sĩ trẻ thử nghiệm những điều mới. Cách đây lâu rồi, lúc đó tôi có viết “Nghịch nắng” và “Trở về” cho chị Nhung. Tôi rất quý chị ở giọng hát truyền cảm, cách làm việc nghiêm túc và một tình yêu lớn dành cho Hà Nội. Bởi vậy các ca khúc về Hà Nội chị đều hát rất hay.
Mối lương duyên trong nhiều lần hợp tác âm nhạc đã khiến nhạc sỹ Lưu Hà An sáng tác ca khúc Phố à, phố ơi và được ca sỹ Hồng Nhung chọn làm ca khúc chủ đề trong CD sắp phát hành
- Quá trình từ thai nghén đến hoàn thiện ca khúc “Phố à phố ơi” hẳn có rất nhiều câu chuyện lý thú, anh có thể chia sẻ một chút được không?
- Phố Điện Biên Phủ là nơi có ngôi nhà cũ của gia đình chị Nhung. Với riêng tôi, con phố này cũng lưu giữ nhiều kỷ niệm. Lúc nhỏ khi còn học ở trường nghệ thuật Hà Nội (khi đó trường nằm ở phố Nguyễn Thái Học), ngày nào tôi cũng qua nhà ông bà tôi ở 32A Điện Biên Phủ để tập đàn piano. Rảnh lại chạy chơi với các anh chị, theo họ đi nhặt búp đa, nhặt hoa hoàng lan, vặt ổi, hái dâu. Nói chung là nghịch lắm! Nên khi đặt bút viết “Phố à phố ơi”, tôi nghĩ đến con phố này với kỷ niệm thời thơ ấu.
Bài hát cũng vì thế mà có câu “Nhớ bao mái nhà, nhớ tuổi thơ tôi. Cành đa đỏ búp, hoàng lan vàng lá, ấy là phố tôi”. Lời bài hát có lẽ hơi buồn, nó gợi cho tôi nghĩ đến nhiều điều.
- “Phố ơi phố à” là tiếng gọi thân thương của người con Hà Nội gửi tới nơi chôn rau cắt rốn, hay là tiếng à ơi ru phố, ru một Hà Nội của thời đã qua?
- Đó là lời của người đi xa nay trở về, lưu luyến rồi vẫn phải đi xa. Ký ức về tình yêu, về căn nhà cũ, con phố cũ, những người bạn cũ luôn làm ta khắc khoải. Với câu hỏi này, tôi nghĩ là cả hai.
CD mới của ca sỹ Hồng Nhung sắp phát hành tới đây sẽ có nhiều ca khúc gắn với kỷ niệm tuổi thơ Hà Nội của nhiều người thế hệ 7X
- Một sáng tác nữa của anh cũng góp mặt trong CD mới của chị Hồng Nhung là “Cây bàng của cha”. Những ký ức được viết lại thành lời ca đó là của anh hay của chị Nhung?
- Nếu sống và lớn lên ở Hà Nội, ai cũng sẽ thấy lời bài hát này kể lại những câu chuyện rất thân quen. Tuổi thơ 7X của bọn tôi giống nhau mà! Chơi khăng chơi quay, bày những trò vui trưa hè đầu đội nắng, tung tăng quần đùi chân đất, í ới gọi nhau. Giờ đôi khi gặp lại những người bạn cũ cùng khu, chúng tôi lại hàn huyên ký ức ấy. Vừa vui, vừa buồn!
- Giai điệu và ca từ của “Cây bàng của cha” lẫn “Phố à phố ơi” đều đượm buồn và nuối tiếc, tại sao anh lại chọn cung bậc cảm xúc này? Có phải anh vẫn yêu Hà Nội của ngày xưa hơn bây giờ?
- Hà Nội giờ ồn ào hơn, đông hơn, bụi hơn. Dù vậy tôi vẫn yêu Hà Nội. Đúng là người yêu nhạc sẽ cảm nhận được nét buồn và tiếc nuối trong 2 nhạc phẩm này. Nhưng cái tiếc đó là tiếc tuổi trẻ dần đi qua. Tôi thích được quay trở lại thời học sinh của mình, với các bạn học trường nghệ thuật Hà Nội. Tôi nhớ lắm...
- Anh nghĩ “Phố à phố ơi” nói riêng và cả CD cùng tên nói chung sẽ được đối tượng khán giả nào đón nhận nồng nhiệt nhất?
- Âm nhạc luôn khó đoán, mỗi người sẽ tìm được trong mỗi bài hát một quãng thời gian, một cái tên, một kỷ niệm cũ. Hay với những người chưa có dịp đến Hà Nội, CD này cũng sẽ là một bức tranh nhỏ bằng âm thanh để có ngày họ đến nơi đây, sẽ cảm nhận được nét thân thuộc từ những giai điệu đã nghe trước đó. Và họ cũng sẽ yêu Hà Nội như trong CD “Phố à phố ơi” - nơi chúng tôi gửi gắm tình yêu của mình.
- Xin cảm ơn anh!