Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hiện đại
Ngày 8/5, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức diễn đàn doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025 với chủ đề: “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông”.

Phát biểu tại sự kiện, ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chia sẻ: “Nông nghiệp luôn giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân, là trụ đỡ vững chắc trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên đất - nước, yêu cầu cao về chất lượng nông sản và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế”.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhận định, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho nông dân, bảo vệ môi trường và giữ gìn tài nguyên cho thế hệ tương lai.
TS Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, ngành nông nghiệp ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu nhưng nông nghiệp là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng.
Số liệu thống kê cho thấy, sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm 50% nếu không sử dụng phân bón, trong khi đó, khoảng 2,5% - 10% (tùy theo quốc gia) tổng lượng phát thải khí nhà kinh liên quan đến phân bón.
Vì vậy, một số công ty phân bón đã bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”, bao gồm cung cấp năng lượng cho quy trình Haber-Bosch bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu khác tập trung vào việc tìm kiếm các phương pháp tổng hợp amoniac thay thế.
Nhiều công ty sản xuất phân đạm ure tại Việt Nam đã triển khai thu hồi CO2 từ khí thải trong quá trính sản xuất để giảm phát thải như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) mỗi năm thu hồi được 40 nghìn tấn CO2.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực giảm phát thải trong sản xuất, việc sử dụng phân bón cũng đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính như triệt để áp dụng “sáng kiến 4 đúng”( đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách) cũng như tăng cường sử dụng các loại phân bón hiệu quả cao (EEF) như phân đạm giải phóng chậm, có kiểm soát, phân nitơ ổn định hoặc phân dúi sâu (UDP) để tránh thất thoát nitơ, giảm phát sinh khí N2O.
“Ngoài ra, song hành với việc sử dụng phân bón hợp lý, việc nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới, vừa đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp xanh, vừa giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, cũng như giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải chính là một hướng tiếp cận cần được tăng cường phát triển”- TS Phùng Hà nhấn mạnh.