Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội: Xây dựng một cộng đồng sáng tạo

Hoàng Anh| 25/08/2021 17:20

Có nguồn lực dồi dào và đã được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo (lĩnh vực thiết kế) từ năm 2019, thế nhưng các chuyên gia cho rằng đến nay Hà Nội vẫn thiếu những creative hub - không gian sáng tạo đúng nghĩa. Sự khuyết thiếu này đang gây khó cho việc xây dựng một cộng đồng sáng tạo để có thể cộng hưởng và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội: Xây dựng một cộng đồng sáng tạo
Một trưng bày đa phương tiện tại Heritage Space.
Những nỗ lực… đơn lẻ

Khi bàn đến câu chuyện về không gian sáng tạo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã mở ngoặc rằng, nếu đánh giá ở Hà Nội chưa có không gian sáng tạo thì e rằng thiếu công bằng cho nỗ lực tạo dựng những điểm hẹn gặp gỡ giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong suốt mấy năm qua của một số tổ chức, cá nhân như: Heritage Space, Ơ kìa Hà Nội, Vicas Art Studio, Hanoi Creative City, The vuon, Toong Co- working Space, HanoiHub Co-Working Space, AgoHub, Tổ chim xanh, Ra riêng, Hanoi Design Center… Họ đã cố gắng hò hẹn với nghệ sĩ và công chúng khi ở khu vườn nhỏ còn sót lại trong nội ô, khi ở dãy nhà máy, khu tập thể cũ để hoang, hoặc ở tầng 1 chưa được cho thuê của tòa chung cư vừa mới xây dựng xong... Với mong muốn trở thành “bà đỡ” cho nghệ thuật đương đại hướng đến hòa nhập quốc tế và công chúng trẻ, mỗi điểm hẹn sáng tạo này đều lựa chọn cho mình cách thức hoạt động riêng, có những điểm chuyên về nghệ thuật điện ảnh như Ơ Kìa Hà Nội, hoặc âm nhạc như Hanoi Rock City; có những điểm chuyên về nghệ thuật tạo hình như Heritage Space, VICAS Art Studio, hoặc chuyên nghề thủ công ghép vải như Vụn Art… 

Trong đó, có thể kể đến Heritage Space - một trong những điểm hẹn sáng tạo do một nhóm nghệ sĩ trong nước và quốc tế điều phối hoạt động đầy gắng gỏi, bền bỉ. Bắt đầu khởi động từ năm 2014, trong gần 10 năm qua, điểm hẹn sáng tạo đặt trong tòa nhà Dolphin Plaza trên phố Trần Bình (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) này vào những dịp cuối tuần đã thu hút công chúng yêu nghệ thuật đến xem triển lãm, trải nghiệm chương trình âm nhạc, trình diễn nghệ thuật… hoặc tham dự một buổi trò chuyện về một lĩnh vực nào đó đang được cộng đồng quan tâm. Có thể là những triển lãm cá nhân của Tuấn Mami, Quỳnh Trần hay triển lãm sắp đặt đa phương tiện của nghệ sĩ thị giác Tùng Monkey… Có thể là những buổi chiếu phim và thảo luận về các công trình của các kiến trúc sư dành cho học tập và nghiên cứu; là những buổi trò chuyện của Trong Gia Nguyen, Pablo Mercado (Tây Ban Nha), Vũ Huy Thông; là chuyển động cùng L2D laser, đêm nhạc Âm của mộc… Có thể là chuỗi hoạt động trong Tháng kiến trúc - Kiến trúc hiện đại với triển lãm “Kiến trúc hiện đại Việt Nam và ASEAN”, mở cửa thư viện kiến trúc -xây dựng Ashui Academy, chiếu phim, tọa đàm về di sản kiến trúc hiện đại… 

Đặc biệt, từ năm 2015 cho đến nay, Heritage Space đã duy trì thành công dự án tháng thực hành nghệ thuật (MAP) như: Hữu hạn và vô hạn, Vùng không tưởng, Dự án xanh (trực tuyến)… MAP được khởi xướng bởi nghệ sĩ Trần Trọng Vũ, với mục đích tạo dựng một không gian nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển của nghệ thuật đương đại dựa trên sự hợp tác, trao đổi tri thức, kinh nghiệm thực hành nghệ thuật trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, điểm hẹn sáng tạo “trẻ tuổi” hơn cả có lẽ phải kể đến Ơ kìa Hà Nội với tổ hợp góc café, phòng thư viện, Okia cinema, căn bếp “úi chà” được “tọa lạc” ở hai địa chỉ: Hoàng Hoa Thám và Đê La Thành. Mới đi vào hoạt động được hơn 3 năm thì có đến gần 2 năm gặp phải dịch Covid-19, song Ơ kìa Hà Nội vẫn kịp gây thương nhớ với một không gian nghệ thuật gần gũi với thiên nhiên vừa để tìm kiếm những ký ức sống động vừa để cập nhật những câu chuyện của âm nhạc, kiến trúc, thi ca, điện ảnh năm xưa và hôm nay. Cũng chính bởi thế mà mỗi buổi ra mắt sách, chiếu phim hay triển lãm, diễn xướng văn hóa dân gian… của Ơ kìa Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, trong đó có cả khán giả trẻ thích trải nghiệm và cả bao người thích hoài cổ. Đó có thể là sự kiện công chúng cùng “se sẽ chứ” không “kẻo cánh buồm bay mất” trong suốt cả tuần thơ nhạc tưởng nhớ vợ chồng thi sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Đó có thể là những tối cuối tuần rạp Okia Cinema bấm máy chiếu cả seris phim như: One day (Một ngày để yêu), Across the Universe (Băng qua Ngân hà), La vie en rose (Huyền thoại âm nhạc), When Harry met Sally (Khi Harry gặp Sally), Hàng xóm của tôi là Totoro, Thị Mai… Đó có thể là những đêm đông giá buốt, khán giả trẻ được trải nghiệm cảm giác ngồi xem chiếu bóng ngoài trời với phim Song lang (Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21) ở Ơ kìa Hà Nội Mỹ thuật công nghiệp, 360 Đê La Thành. Và có rất nhiều buổi giao lưu, chuyện trò, gặp gỡ ấm cúng, thân tình mà sâu lắng với giới văn nghệ sĩ nổi tiếng như: các đạo diễn Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy, Xuân Sơn, Thanh Vân - Nhuệ Giang; các diễn viên: Thanh Tú, Hồng Ánh, Kiều Trinh…; các họa sĩ như Hoàng Phượng Vỹ, Lê Đình Nguyên, Phạm Hà Hải, Lê Thiết Cương, Đặng Xuân Hòa…

Hoạt động khá mới mẻ, sôi động và hấp dẫn là vậy nhưng Heritage Space hay Ơ kìa Hà Nội và cả những Vicas Art Studio, Hanoi Creative City, Toong Co- working Space, HanoiHub Co-Working Space, AgoHub, Tổ chim xanh… đều mới dừng lại ở sự nỗ lực đơn lẻ. 
Cần xây dựng một đời sống sáng tạo

Quan sát thực tế về sự xuất hiện và hoạt động của những điểm hẹn sáng tạo quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào một hoặc một vài ngành dọc nhất định, theo chuyên ngành mà người sáng lập tâm huyết tập trung xây dựng nên trong gần 10 năm qua ở Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng kiến nghị rằng những nỗ lực này cần được thành phố khích lệ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những nỗ lực của một cá nhân hay tổ chức thì e rằng sẽ dẫn đến quá sức trong cả chặng đường dài. Họ làm sao có thể “gánh” được những chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ cũng như không có được sự ổn định - vừa mới kịp quen chỗ thì đã phải dời đi. Cùng với đó, giữa các điểm hẹn sáng tạo còn ít sự kết nối, đôi khi hoạt động có phần đơn lẻ, tự phát, mạnh ai nấy làm nên có chăng mới chỉ dành cho một nhóm người chứ chưa thể lan tỏa rộng rãi trong cả cộng đồng, khiến người ta khó nhận diện được một đời sống sáng tạo mãnh liệt. Bởi vậy, Hà Nội rất cần xây dựng một đời sống sáng tạo, nghĩa là làm thế nào để ai và ở bất kỳ đâu cũng hoạt động sáng tạo văn hóa, coi đó là công việc hàng ngày.

Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội: Xây dựng một cộng đồng sáng tạo
Hòa nhạc hè phố Luala Concert đem nhạc cổ điển đến với công chúng vào mỗi dịp cuối tuần.

Theo ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch Le Group of Companies, chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo (VCE Club), các không gian sáng tạo là nơi tập hợp các doanh nghiệp kinh doanh trong 13 (hoặc hơn) ngành nghề công nghiệp văn hóa, là nơi giao lưu, học hỏi, và làm việc của tầng lớp lao động sáng tạo (creative class - theo ngôn ngữ của Richard Florida). Đó cũng là nơi giới thiệu các sản phẩm sáng tạo, và là nguồn sáng tạo phát triển các sản phẩm mới. Các creative hub chính là nơi để công chúng trải nghiệm môi trường văn hóa sáng tạo, là nơi khơi gợi cảm hứng và động lực phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, là nơi nuôi dưỡng thị trường cho công nghiệp sáng tạo. 

Với quan điểm, việc trải nghiệm sáng tạo là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo, ông Vinh còn cho rằng, bên cạnh các không gian sáng tạo, Hà Nội cần nhiều những hoạt động sáng tạo, bao gồm các buổi trình diễn, đến giao lưu, trao đổi văn hoá, triển lãm, hội chợ sáng tạo.  “Các không gian công cộng dành cho trình diễn và triển lãm sáng tạo, cũng như các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng là những trải nghiệm cần có để nhận diện sức sống văn hóa ở một thành phố sáng tạo. Tôi vẫn nhớ những ngày thấy dàn nhạc Luala trình diễn ở góc phố Lý Thái Tổ - Lý Đạo Thành. Đó là một trong những chương trình hòa nhạc đường phố hiếm hoi cho đến ngày hôm nay… Nếu Hà Nội chọn “thiết kế” là định hướng phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo, thì nhân dân, những người sống và yêu Hà Nội, những người khách từ bên ngoài phải được trải nghiệm cái chất thiết kế lan tỏa, thấm đẫm và được tôn trọng trong mọi hoạt động kinh tế và văn hóa, trong mọi ngành nghề, cho dù đó là du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang, hay là thủ công mỹ nghệ” - Ông Lê Quốc Vinh nhấn  mạnh.

Trong khi đó, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cũng bày tỏ trăn trở rằng Hà Nội chưa thực sự xây dựng được đời sống sáng tạo để làm bệ phóng cho công nghiệp văn hóa phát triển. Vì vậy, ông mong muốn thành phố sớm quan tâm đến việc này, có  thể từ việc xây “tổ” - những cái “tổ” đủ kích cỡ tập trung đủ các nhà sáng tạo, các ngành nghề để tạo nên cộng đồng sáng tạo. “Việc xây “tổ” giống như gieo con dấm, xây dựng tế bào cộng đồng để tạo môi trường sáng tạo. Cái “tổ” ấy cần được xây ngay để từ nhỏ sẽ lan dần, lớn dần thành cộng đồng sáng tạo”, KTS Đoàn Kỳ Thanh tâm huyết ví von.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với bối cảnh mới
    Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung, ưu tiên nhiều nguồn lực cho phát triển văn hoá, góp phần “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương cũng như của Thành phố.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội: Xây dựng một cộng đồng sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO