Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Phát huy giá trị hương ước trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh

Khánh Thư 06:08 22/11/2023

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nhiệm vụ đã được cụ thể hóa vào chương trình công tác lớn riêng trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, được xác định là khâu đột phá của Chương trình số 06-CTr/TU. Để thực hiện nhiệm vụ này, thì việc phát huy hiệu quả của những quy ước, hương ước là hết sức cần thiết.

Từ hương ước xưa

Hương ước được gọi bằng những tên khác nhau: hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, điều ước, lệ định, lệ tục… Theo sách “Đại từ điển tiếng Việt” (Nxb Đại học TP.Hồ Chí Minh, 2007), hương ước là “văn bản có tính chất pháp lý do làng xã dưới chế độ cũ đặt ra, mọi người trong làng phải làm theo. Trong lời giới thiệu cuốn “Hương ước cổ Hà Tây”, TS. Nguyễn Tá Nhí viết: “Hương ước là những quy ước điều lệ của một cộng đồng người chung sống trong cùng một khu vực để điều hòa quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, hoặc giữa tập thể này với tập thể khác”.

huong-uoc.jpg
Cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội).

Phần lớn các văn bản hương ước xưa được viết bằng chữ Hán, một số bằng chữ Nôm. Đến thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân buộc các làng phải viết hương ước bằng chữ quốc ngữ. Nội dung của hương ước đề cập tới các vấn đề về thiết chế chính trị làng xã, sản xuất, ruộng đất, thi cử, học hành, ứng xử, phong tục, lễ hội của làng...

Tìm hiểu, nghiên cứu hương ước của làng xã Hà Nội xưa, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể hình dung được các mặt sinh hoạt lúc bấy giờ, hay nói cách khác là thói đất nết người rất đa dạng của Hà Nội xưa, đồng thời hiểu thêm về những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của cha ông ta.

Ví như bản khoán ước của làng Dương Liễu (Hoài Đức) lập năm Cảnh Hưng thứ X gồm 28 điều là những điều ước quy định việc bảo vệ sản xuất, canh giữ hoa màu. Hoặc bản hương ước của làng La Khê (Hà Đông) gồm 4 mục: Hình phạt, Hộ dân, Chính trị, Phong tục đề cập đầy đủ các mặt sinh hoạt của làng quê hồi đó.

Đáng chú ý, nhiều bản hương ước đã đề ra những quy định rất tỉ mỉ từ việc canh phòng làng xóm, lễ lạt, cưới hỏi, các việc gian tham trộm cắp đồ vật của người khác hay dâm bôn loạn luân… Nhiều hương ước đã hàm chứa những nội dung rất tiến bộ, qua đó có thể thấy nét thanh lịch, những thuần phong mỹ tục của người Hà Nội. Ví như điều XIII trong tục lệ của làng Tuy Lai (Mỹ Đức) rất coi trọng việc học hành, làng chú trọng khuyến học, để dân thôn có được thêm nhân tài làm rạng rỡ quê hương.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Hảo - nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội “nếu loại đi tất cả những hủ tục như khao vọng, chè chén, sự bất bình đẳng về ngôi thứ, sự khắc nghiệt với phụ nữ của người xưa, chắc rằng những điều mục trong tục lệ, hương ước đã góp phần không nhỏ tạo nên nét thanh lịch, những thuần phong mỹ tục của người Hà Nội”.

… đến xây dựng đời sống người Hà Nội hôm nay

Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đặt nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm. Để triển khai nhiệm vụ này, thành phố đã thống kê, đánh giá thực trạng quy ước, hương ước trên địa bàn; tổ chức tọa đàm đánh giá vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội; đồng thời tham mưu kế hoạch phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước.

Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn của thành phố việc kế thừa, phát huy giá trị hương ước, quy ước được chính quyền địa phương hết sức coi trọng và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Điều này thể hiện ở việc thường xuyên cập nhật nội dung quy tắc ứng xử vào hương ước, quy ước của làng và tổ dân phố; đan cài, lồng ghép các giá trị của hương ước gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn, trật tự văn minh đô thị; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; xây dựng nếp sống văn hóa…

Đơn cử như ở quận Thanh Xuân, công tác việc rà soát, kiểm tra thực hiện quy ước, hương ước thường xuyên được thực hiện tại từng tổ dân phố; các cơ quan quản lý Nhà nước từ quận tới phường chủ động hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và bãi bỏ nếu phát hiện thấy sai phạm trong việc thực hiện hương ước, quy ước. Đến nay, quận đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và thực hiện quy ước, đã có 231/232 tổ dân phố/11 phường (đạt 99,6%) được công nhận quy ước, sớm trước 2 năm so với Kế hoạch số 116/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội đề ra.

Hay như tại huyện Mỹ Đức, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn đưa nội dung đánh giá về xây dựng hương ước, quy ước trong công nhận danh hiệu Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa; hướng dẫn các địa phương bổ sung nội dung thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống tác hại của thuốc lá… vào hương ước, quy ước. Ngoài ra, huyện còn tổ chức rà soát, kiểm tra quy trình bổ sung, chỉnh sửa, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn.

Phát huy hiệu quả quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, UBND huyện Thường Tín thường xuyên chỉ đạo rà soát các hương ước, quy ước không phù hợp nội dung tiến hành chỉnh sửa bổ sung; tăng cường tuyên truyền nội dung hương ước, quy ước của các thôn, làng, khu dân cư đã được công nhận tới cộng đồng dân cư trên địa bàn biết và thực hiện. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng, ban hành và thực hiện có hiệu quả các nội dung của hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư.

Có thể nói việc triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nội dung của hương ước, quy ước không chỉ phát huy vai trò tự quản tại cộng đồng dân cư; góp phần hỗ trợ pháp luật trong việc điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ của cộng đồng dân cư mà còn góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Để phát huy những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện hương ước, quy ước cần nâng cao hơn nữa nhận thức của chính quyền và nhân dân về vai trò của hương ước, quy ước; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác xây dựng thực hiện hương ước… “Hương ước trước đây thường quy định những điều hết sức cụ thể. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu, những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hôm nay mà chúng ta có cách vận dụng, điều chỉnh bổ sung sao cho phù hợp với thực tế của cuộc sống, của mỗi địa phương. Người xây dựng, soạn thảo nội dung quy ước, hương ước cần có cả trình độ trách nhiệm và sự tâm huyết”, PGS.TS Bùi Xuân Đính, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội nhấn mạnh./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Góp phần xây dựng thành công chuẩn mực con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới
    Sáng 13/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm về triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
  • Xây dựng chuẩn mực văn hoá, con người Hà Nội mang tính đại diện vị thế Thủ đô trong thời kỷ nguyên mới
    “Với vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc mà còn là biểu tượng đại diện cho bản sắc, hình ảnh và sức mạnh mềm của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, xây dựng và phát huy hình ảnh con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, thân thiện, văn minh, hòa bình và sáng tạo đã luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và toàn bộ hệ thống chính trị Thành phố”, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết.
  • Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thực hiện Chương trình số 06
    Những năm qua, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy (Chương trình số 06) và Kế hoạch 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025" quyết liệt, hiệu quả, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng.
  • Nhân rộng và lan toả những mô hình di tích kiểu mẫu trong giai đoạn mới
    Việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng nếp sống văn minh tại di tích, nơi thờ tự, trong đó có hoạt động xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên địa bàn Thủ đô nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hoá Thủ đô, người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Tăng cường trao đổi, kết nối về văn hoá giữa Hà Nội và Thái Nguyên
    Sáng 28/11, Đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong đẩy mạnh các giải pháp thực hiện, tuyên truyền triển khai về các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục có buổi làm việc hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên.
  • Xây dựng hệ giá trị văn hóa Thủ đô trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    “Chương trình khảo sát trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới giữa các địa phương nhằm tăng cường hiệu quả triển khai thực tiễn, đồng thời bổ sung và hoàn thiện tiến tới xây dựng khung hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam nói chung cũng như hệ giá trị văn hóa đặc thù riêng của Thủ đô phù hợp trong kỷ nguyên vươn mình củ
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị hương ước trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO