PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương: Hà Nội là thành phố tiên phong trong chuyển hóa tài nguyên văn hóa

HNMCT| 02/01/2022 09:26

Sở hữu một nguồn lực văn hóa dồi dào là chưa đủ mà phải làm sao để có được một cơ chế chuyển hóa nguồn lực này thành sức mạnh mềm văn hóa bồi đắp nội lực đi tới cho Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có những phân tích và gợi mở cụ thể về chủ đề này trong cuộc trò chuyện dưới đây.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương: Hà Nội là thành phố tiên phong trong chuyển hóa tài nguyên văn hóa

- Dưới góc độ khoa học, bà có nhận định gì khác về tiềm năng văn hóa lớn của Hà Nội ngoài những yếu tố “thuận lợi, phong phú, đa dạng” đã được chỉ ra?

- Là nơi gặp gỡ đông - tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng các tài nguyên văn hóa. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học, chính sự phong phú đa dạng này lại là một “khó khăn” cho Hà Nội trong việc chọn lựa điểm đột phá, mũi nhọn để phát huy nguồn lực văn hóa của mình, vận hành hiệu quả cơ chế chuyển hóa đưa Hà Nội về phía trước với những bước đi rõ rệt, mạnh mẽ.

- Vậy có thể hình dung một cách khoa học về tài nguyên mềm văn hóa mà Thủ đô đang sở hữu như thế nào cũng như cơ chế giúp Hà Nội chuyển hóa hiệu quả nguồn lực này thành sức mạnh mềm văn hóa là gì?

- Trước hết, cần hình dung tài nguyên mềm văn hóa của Hà Nội dưới 8 trụ cột sau. Đó là Di sản văn hóa vật thể với gần 6.000 di tích; Di sản văn hóa phi vật thể với 1.793 di sản; Di sản thiên nhiên (18 di sản); Các cơ sở vật chất và không gian văn hóa (20 nhà hát, 18 bảo tàng, 2 thư viện công, 5 thư viện trực thuộc Đại sứ quán và hàng trăm thư viện trực thuộc các trường đại học, cao đẳng...); Các giá trị, bản sắc và danh nhân văn hóa; Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; Các tổ chức văn hóa, làng nghề, nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo (1.350 làng nghề và làng có nghề cùng 203 nghệ nhân được phong tặng); Lễ hội và sự kiện (1.175 lễ hội).

Trong những thập niên gần đây, công nghiệp văn hóa được xem là một trong những hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, địa phương, đặc biệt là các đô thị và trở thành một kênh truyền dẫn quan trọng sức mạnh mềm văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Là thành phố tiên phong trong lĩnh vực đổi mới chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đã từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật từ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn..., đặc biệt là trong việc Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế.

Tuy nhiên, hiện nay công nghiệp văn hóa đang là mắt xích yếu trong chuỗi các giải pháp nhằm phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của thành phố.

- Một cách cụ thể hơn, những rào cản nào khiến công nghiệp văn hóa Hà Nội vẫn là mắt xích yếu, thưa bà?

- Có thể nói, trước hết, rào cản về chính sách khiến công nghiệp văn hóa chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các nguồn lực văn hóa.

Hà Nội là một thị trường tiêu thụ tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa, có cơ cấu dân số vàng và có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thế nhưng, các khảo sát thực tế cho thấy, ngoài sự khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn nghiêng về hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”. Đến nay, môi trường thể chế chưa tạo được sự đột phá có khả năng giải phóng được sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên, các thành tố văn hóa với khoa học công nghệ. Và rõ ràng, thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Đổi mới thể chế cũng chưa quyết liệt trong việc mở cửa cho việc đầu tư mạnh vào khu vực tư nhân cũng như phá vỡ các rào cản nhằm hướng tới sự kết hợp công tư trong khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng phong phú giàu bản sắc và hơn 115 không gian sáng tạo đa dạng các biểu đạt (không gian văn hóa, nghệ thuật; không gian thiết kế, thương mại điện tử, ứng dụng phần mềm).

Mặt khác, công nghiệp văn hóa trong nhận thức của nhiều người vẫn còn tương đối mới, và việc coi đây là một ngành kinh tế xanh vẫn vấp phải định kiến. Đánh giá của phần lớn những người nước ngoài về mức độ phát huy giá trị của những cơ sở vật chất và không gian văn hóa của Hà Nội đều dừng ở mức trung bình. Chỉ có vài điểm như Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được đánh giá tốt với mức điểm trung bình là  4,1 (trong thang điểm từ 1 đến 5).

Bên cạnh đó, Hà Nội chưa tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ hiệu quả trong phát triển công nghiệp văn hóa. Việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa thông qua công nghiệp văn hóa vẫn còn là một chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể của thành phố.
Một thách thức bao trùm lên các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội là hệ thống quản lý phân tách khó mang lại một phương thức tiếp cận tổng thể có thể phát huy hiệu quả cho tất cả các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự kết nối giữa sáng tạo và công nghệ.

- Từ chính những hạn chế này, bà có gợi mở những chính sách nào nhằm giúp thành phố sớm bứt phá trong phát triển công nghiệp văn hóa?

- Tôi nghĩ, trước hết cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ cho sự đi lên của các ngành công nghiệp văn hóa.

Thêm đó là tạo cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo. Cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa của Hà Nội đang gặp phải vấn đề tương tự như các địa phương khác, nghĩa là chỉ chú trọng tới đầu tư của Nhà nước mà xem nhẹ vấn đề thu hút vốn. Đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa, thực chất bao gồm hai khái niệm là “đầu tư” và “thu hút vốn”. Nếu không có sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội và đầu tư tập trung vào lĩnh vực trọng điểm nào đó thì không thể có sản phẩm đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước.

Ngoài ra, phải tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Các sản phẩm văn hóa phải vừa đảm bảo tính mới, tính kế thừa, vừa gần gũi với các giá trị chung thì mới có thể tạo nên sức thu hút với đông đảo quần chúng.

Cuối cùng là triển khai quyết liệt chương trình hành động của Hà Nội đã cam kết với Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO mà chúng ta đều đã biết.

- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của bà!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Hơn 2.000 cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình năm 2024
    31 đơn vị, doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động quận Ba Đình năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động 2.140 chỉ tiêu (trong đó có 2.040 chỉ tiêu tuyển dụng, xuất khẩu lao động và 100 chỉ tiêu tuyển sinh).
  • Công bố giá vé, khát vọng “Rạng rỡ ngàn sau” với Tuần lễ Festival Huế 2024
    Ban tổ Festival Huế 2024 công bố giá vé các chương trình tại Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương: Hà Nội là thành phố tiên phong trong chuyển hóa tài nguyên văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO