Những cành hoa giấy, hoa mẫu đơn, hoa mai vạn phúc đa sắc màu ngày ngày nở rộ dọc đường làng níu kéo bước chân người, xua tan bao âu lo, mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. Diện mạo làng quê được điểm tô, tạo nên bức tranh tươi mới, đầy sức sống là nhờ một phần không nhỏ của chị trưởng thôn mà dân tôi quen gọi với cái tên vừa hài hước vừa yêu mến là Quềnh Quàng.
Quang cảnh buổi tối nhân dân tham gia trồng hoa trước cổng tam quan
Chị tên là Tạ Thị Như Quỳnh, năm nay 32 tuổi. Chị là người Song Phượng, về làm dâu làng Phương Ngoại (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đến nay tròn 10 năm. Ngay khi chuyển sinh hoạt Đảng về chi bộ 10, chị đã có những đóng góp ý kiến giúp chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt như: Quy định họp chi bộ thường kỳ vào tối mùng 5 hàng tháng, xây dựng quỹ tình cảm để thăm hỏi đảng viên trong chi bộ khi gia đình có việc, phân công cụ thể trách nhiệm từng đảng viên, nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình… Đến nay chị đã 7 năm làm Phó bí thư chi bộ, 3 năm làm trưởng thôn, là đại biểu hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ở xã, chị là Phó chủ tịch UB MTTQ, trưởng ban thanh tra nhân dân. Ở vị trí công tác nào chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tôi còn nhớ như in, ngày cuối tháng 6 năm 2016, lúc đó chị bị tai nạn xe máy chân chưa khỏi hẳn phải chống nạng lên trước hội nghị nhận nhiệm vụ đảng cử dân bầu, gánh vác trọng trách mà người ta hay gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Hội nghị bầu trưởng thôn lúc ấy có nhiều cụ cao niên trong làng dự và băn khoăn, không biết liệu người mới về làm dâu như chị có gánh vác được trọng trách không?
Chị tâm sự, những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ trưởng thôn, nỗi lo lớn nhất của chị là nghe tiếng công nông vào làng. Đường làng Phương Ngoại được xây từ năm 1997, đường gạch rộng 3m dọc theo ao làng. Đường cạnh ao lại không được kè mà chỉ xếp gạch nên qua nhiều mùa mưa bão, đường đã bị xuống cấp có nguy cơ bị vỡ đường. Vì thế 20 năm nay làng có lệ cấm công nông, ô tô không được đi vào đường làng. Ngay khi nhận nhiệm vụ, chị đã báo cáo xin ý kiến chi bộ về việc dỡ bỏ baribe để cho công nông, xe ô tô trọng tải 1,5 tấn trở xuống được lưu thông vào làng. Qua 2 kỳ họp chi bộ, 4 kỳ họp thôn, 4 cuộc họp các xóm sau khi phân tích các phương án, những thuận lợi khó khăn và quan trọng nhất là tình đoàn kết nhân dân trong thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, giao thông thuận lợi. Vẫn còn một số ý kiến người dân chưa đồng tình hẳn nhưng khi biểu quyết đa phần nhân dân đồng ý cho xe công nông, xe tải vào làng.
Đoạn đường nở hoa làng Phương Ngoại
Chị là Phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nên việc tiếp thu thực hiện nghị quyết chi bộ được tập trung, thống nhất cao. Trong quá trình thực hiện, có những nhiệm vụ thuận lợi, có những nhiệm vụ khó khăn. Đối với những nhiệm vụ khó khăn, chị hội ý cấp ủy chi bộ, tham khảo ý kiến các cụ cao tuổi nguyên là lãnh đạo qua các thời kỳ. Trước khi tổ chức họp nhân dân để triển khai nhiệm vụ, chị luôn thống nhất với ban công tác mặt trận để tập trung phân tích cũng như tư vấn phương pháp giải quyết vấn đề, thống nhất nội dung và và tranh thủ ý kiến của người có uy tín để đưa ra hội nghị. Công tác thu, chi tài chính, xã hội hóa các khoản đều được công khai minh bạch, rõ ràng qua các cuộc họp và qua hệ thống loa truyền thanh của thôn nên nhân dân yên tâm, tin tưởng tuyệt đối mỗi khi đóng góp thuế phí hay ủng hộ các loại quỹ.
Thực hiện kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 28/3/2017 của UBND xã Trung Châu về việc đặt tên đường, gắn biển số nhà, làm đường có hoa, sau khi họp chi bộ, thống nhất ban công tác mặt trận chị đã đưa ra họp thôn triển khai tới nhân dân để thực hiện. Kế hoạch làm đường có hoa nhân dân chưa đồng tình ủng hộ cao. Nhân dân đưa ra nhiều ý kiến: đường làng đã xuống cấp lại hẹp không có chỗ trồng hoa, trồng xong không chăm sóc được gà bới, hoa trồng trong làng thì các hộ ngoài trại không đóng góp vì không được ngắm, đề nghị làm đường sang nhà văn hóa trước…Chị tham khảo cách làm của một số thôn, đưa ra nhiều phương án, dự toán kinh phí, tham khảo giá. Loài hoa dự kiến trồng là những loại hay ra hoa, dễ trồng, dễ chăm sóc: hoa giấy, hoa mẫu đơn, hoa mai vạn phúc, trồng xen ở dưới là hoa mười giờ. Trong quá trình vận động xã hội hóa, nhân dân phân biệt trong làng, ngoài trại nên một số hộ ở khu vực ngoài trại không ủng hộ. Ban công tác mặt trận chia tổ theo ngõ xóm đi vận động một lượt, chị tổng hợp danh sách thông báo trên loa của thôn và vận động các hộ ủng hộ chậu, cây hoa, kinh phí… còn các hộ chưa ủng hộ chị cùng đại diện của tổ đó đến trao đổi, lắng nghe ý kiến.
Sau 7 ngày, 100% hộ dân trong thôn đã tham gia ủng hộ kinh phí để mua chậu, cây hoa. Vào ngày chủ nhật, thôn kêu gọi toàn dân ra tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, dọn dẹp và tổ chức vận chuyển đất, chậu cây và trồng hoa lên chậu. Mỗi người một phần việc, gọi nhau í ới rộn rã dọc đường làng. Chị phân cho mỗi xóm một đoạn cắt cử người trong xóm trông nom, tưới nước mỗi buổi chiều. Từ đó, “Đoạn đường nở hoa” đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về việc bảo vệ môi trường xung quanh nơi ở, tình làng xóm được gắn kết hơn. Trong đó, một số hộ dân trước đây thường xuyên xả rác ra lề đường, nay đã bỏ rác đúng nơi quy định; hộ thả gà ra đường nay đã nhốt lại, dọn vệ sinh, chăm sóc hoa đoạn trước nhà, làm cho môi trường sạch, đẹp hơn.
Còn đoạn ven hai bên đê trước cổng tam quan chùa cỏ mọc um tùm, nhiều vỏ lon, rác vứt ở trong gây mất cảnh quan và còn có bọ gậy. Chị lại vận động nhà chùa xã hội hóa cây hoa giống, còn thôn đảm nhận kêu gọi nhân dân ra dọn dẹp, san đất và trồng hoa. Chỉ trong hai buổi tối, nhân dân và nhà chùa đã trồng xong toàn bộ hoa ngũ sắc hai bên vệ đê phía trước cổng tam quan. Khách thập phương về vãn cảnh chùa ai cũng trầm trồ khen thảm hoa rực rỡ sắc màu.
Trong năm 2017, nhân dân thôn 10 đã xã hội hóa đóng góp làm tuyến đường có hoa dài hơn 400m, toàn bộ hai bên cổng tam quan nhà chùa, tổng giá trị hơn 40 triệu đồng và nhiều công lao động. Chị đã vận động xã hội hóa nguồn kinh phí của nhân dân để mua sắm trang thiết bị nội thất, sửa chữa loa, bắn mái tôn, làm hàng rào xung quanh, lắp điều hòa, tổng kinh phí xã hội hóa hơn 100 triệu... đảm bảo cho việc sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong thôn. Chị cùng UBND xã vận động gia đình ông Thiều Văn Dung hiến 300m2 đất làm đường cho dân Vạn Vỹ lên bờ.
Ngày 21/10/2018, chị được nhân dân tín nhiệm tái cử trưởng thôn nhiệm kỳ 2018 – 2020. Cầm trên tay quyển Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (sửa theo kết quả thẩm định số 753/QLĐT ngày 28/10/2017 của phòng QLĐT huyện Đan Phượng) công trình đường giao thông thôn 10 đi thôn 11 xã Trung Châu tôi thấy chị đầy tâm trạng. Vậy là nguyện vọng của nhân dân và cán bộ hai thôn 10, 11 đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư làm đường dân sinh đảm bảo nhân dân đi lại an toàn giao thông. Nhưng còn nhiều công trình cần huy động nhân dân xã hội hóa: cổng làng, ao môi trường, giếng làng, đường sang nhà văn hóa…
Bản thân là bí thư chi bộ 10 nhưng tôi còn thiếu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo chỉ đạo. May mắn được chị giúp đỡ và động viên rất nhiều nên tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi khâm phục chị vì bố chồng chị là liệt sĩ hy sinh năm 1981 trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chị về làm dâu chăm sóc bà nội chồng (già yếu mất tháng Giêng năm 2018, chị vận động gia đình thực hiện đám tang văn minh bằng việc đi hỏa táng), mẹ chồng chị tuổi cao sức yếu, chồng chị việc làm không ổn định, hai con nhỏ đi học. Vậy mà chị luôn lo chu toàn công việc gia đình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ địa phương cũng như mọi nhiệm vụ cấp trên giao, được nhân dân tin yêu quý mến.
Tôi luôn cố gắng học tập tấm gương của chị, tôi sẽ cùng với chị gắn bó, đoàn kết để cùng nhau làm tốt công tác dân vận, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cấp trên và nhân dân giao; luôn là tấm gương sáng để nhân dân làm theo, góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc đổi mới của Đảng, chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần xây dựng quê hương Trung Châu ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh.