NSND Trần Quốc Chiêm tái đắc cử Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 - Ảnh: Đặng Đình An
Sáng 27/7/2022, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã được khai mạc trọng thểtại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, bà Bùi Huyền Mai – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; nhạc sĩ, NSND Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cùng đại diễn các sở, ban ngành vàgần 700đại biểu đại diện cho hơn 4000 văn nghệ sĩ Thủ đô đã tới dự Đại hội (phiên chính thức).
Đại hội đã vinh dự đượcThành ủy Hà Nội tặng bức chướng thêu dòng chữ: “Đoàn kết – Sáng tạo – Đổi mới – Phát triển” và lẵng hoa tươi thắm.
Thành ủy Hà Nội tặng Đại hội bức trướng thêu dòng chữ: “Đoàn kết – Sáng tạo – Đổi mới – Phát triển” - Ảnh: Quang Tấn
Đến dự Đại hội, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã trân trọng ghi nhận: Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thủ đô là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong quá trình phát triển của Hội; là dịp để Hội đánh giá hoạt động văn học nghệ thuật sau một nhiệm kỳ, rút ra các kinh nghiệm để từ đó đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trong 5 năm qua, Hội đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các mặt hoạt động, thông qua việc tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, các cuộc triển lãm, những cuộc thi, liên hoan, hội thảo, tọa đàm… đã tạo mở cho sáng tạo, khơi dậy tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ…
Dù gặp nhiều khó khăn, nhất là do đại dịch Covid-19, Hội đã nỗ lực thay đổi các phương thức hoạt động bằng hình thức online trong việc trưng bày, quảng bá các tác phẩm gắn kết hơn với các hội viên, thực sự trở thành mái nhà chung tập hợp, động viên văn nghệ sĩ trong lao động sáng tác văn học nghệ thuật và khẳng định được vai trò vị thế của mình trong nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng tin tưởng rằng văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục đạt được thành tựu to lớn hơn nữa và toàn diện hơn nữa để luôn xứng đáng với sự tin yêu và tình cảm của thành phố của nhân dân Thủ đô và cả nước trong sáng tạo.
Bên cạnh đó cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động của Hội còn một số điểm chưa tương xứng với tiềm năng của tổ chức và của đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, giàu trí tuệ, tâm huyết, trước những yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
“Để Hội ngày càng phát triển, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa về trí tuệ, công sức cùng đảng bộ chính quyền và nhân dân xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển, tôi mong muốn thời gian tới đây Hội cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là tiếp tục quán triệt sâu sắc những nội dung mới về văn hóa, văn nghệ của Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội; của Hội nghị văn hóa toàn quốc, các chương trình nghị quyết của Thành ủy về văn hóa, văn học nghệ thuật, trong đó có Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa; tiếp tục thực hiện chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh; Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đức, có tài sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung tư tưởng sâu sắc, phong phú, hấp dẫn.
Hai là đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô nỗ lực, tiếp tục phát huy tính sáng tạo, sự tâm huyết để cống hiến cho nền văn học nghệ thuật Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung những tác phẩm có chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị cao quý, những truyền thống tốt đẹp của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh để văn hóa Hà nội thực sự là động lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Ba là Hội tiếp tục khẳng định là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, là mái nhà chung của giới văn nghệ sĩ luôn thực sự đoàn kết, thống nhất và vững mạnh; hoạt động hiệu quả, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, công bố phổ biến tác phẩm, giao lưu quốc tế chú trọng quan tâm đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ, thường xuyên mở các trại sáng tác, các buổi thảo luận chuyên đề… nhằm thu hút, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ sinh hoạt và sáng tác. Hỗ trợ các câu lạc bộ văn học nghệ thuật về chất lượng sáng tác và tổ chức sinh hoạt nhằm từng bước bồi dưỡng và phát triển lực lượng; quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng nhằm tôn vinh tuyên dương văn nghệ sĩ có đóng góp vào sự phát triển văn học nghệ thuật của Thủ đô có tác dụng động viên văn nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm công dân tham gia tích cực công tác xã hội.
Bốn là tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật về văn học nghệ thuật, nghiên cứu đẩy mạnh công tác xã hội thóa, thu hút vận động các nguồn lực tài trợ cho hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật.
Năm là về mô hình tổ chức Hội cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và hoạt động hiệu lực hiệu quả, trong đó quy định chặt chẽ về việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội thành viên, thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản và tuân thủ pháp luật” – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đến dự và phát biểu chào mừng, chỉ đạo Đại hội - Ảnh: Quang Tấn
Phát biểu chào mừng Đại hội, nhạc sĩ, NSND Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, với vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của Thủ đô, các tác phẩm văn học nghệ thuật đã góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn nhân cách, khí phách của biết bao thế hệ người Hà Nội... “Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội là nơi tập trung đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng của Thủ đô. Thời gian qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung với những tác phẩm chất lượng về mặt nội dung, tư tưởng nghệ thuật qua đó khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và xây dựng Thủ đô thực sự trở thành trái tim thân yêu của cả nước, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo” - nhạc sĩ, NSND Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Thay mặt Hội Liên hiệp và Đại hội, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã trân trọng cảm ơn bài phát biểu chào mừng và chỉ đạo Đại hội của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng. Các bài phát biểu đã động viên, khích lệ và định hướng cho phương hướng, nhiệm vụ của Hội Liên hiệp trong thời gian tới.
Cùng với đó, NSND Trần Quốc Chiêm còn bày tỏ niềm vui mừng khi Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực sự là một Đại hội thành công và hành động theo tinh thần: “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, hứa hẹn những đổi mới và phát triển của văn học nghệ thuật Thủ đô. “Thành công của Đại hội là công sức đóng góp của hơn 4000 hội viên; là thành công chung của ngành văn học nghệ thuật Thủ đô; là ý chí, nguyện vọng của tất cả các hội viên. Thành công của Đại hội là một sức mạnh mới để văn nghệ sĩ Thủ đô tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức đưa Nghị quyết Đại hội sớm đi vào những công trình sáng tạo văn học nghệ thuật; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động xây dựng tổ chức Hội, từng bước nâng cao vị thế của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô xanh, văn hiến, thông minh và hiện đại”, NSND Trần Quốc Chiêm nói.
Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 ra mắt Đại hội - Ảnh: Quang Tấn