Mầm xanh gia đình
Mầm xanh đầu tiên mà NSND Hoàng Dũng gửi lại ấy là mầm xanh tình yêu gia đình. Mới nghỉ công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội 5 năm qua vậy mà ông đã kịp góp mặt trong 6 bộ phim truyền hình dài tập: “Người phán xử”, “Sinh tử”, “Về nhà đi con”, “Những ngày không quên”, “Hồ sơ cá sấu” và “Trở về giữa yêu thương”. Ở mỗi bộ phim, ông luôn hóa thân vào những ông bố không thôi quyến rũ các thế hệ khán giả truyền hình bằng tình yêu gia đình rất đời, rất sâu lắng, dù có là một ông trùm giang hồ, một ông chủ tịch tỉnh, một doanh nhân thành đạt hay ông giám đốc nhà xuất bản vừa nghỉ hưu…
Và có lẽ, ông bố mà NSND Hoàng Dũng hóa thân đặc biệt thành công là Phan Quân trong bộ phim “Người phán xử”. Với xã hội, Phan Quân có thể là một “bố già” núp bóng doanh nhân thành đạt, hiểm ác khét tiếng, sòng phẳng ân oán, thế nhưng, với gia đình, ông trùm luôn mở lòng giãi bày với người vợ tào khàng chứ không bao giờ trịch thượng, nặng lời. Hay cả với con dâu, ông cũng luôn ân cần lắng nghe cùng không ít sẻ chia. Còn với riêng những đứa con của mình, ông luôn hết mực yêu thương, dốc lòng dạy bảo không chỉ là những “ngón nghề” mà cả những đạo lý ở đời. Nhất là với cậu con trai bốc đồng, ngỗ ngược như Phan Hải, ẩn sau những bực dọc, thất vọng thậm chí đôi lúc có phần tàn nhẫn… là một sự gắng gỏi của người cha không thôi gửi gắm niềm tin, hy vọng sẽ có thể thức tỉnh con mình. Với Phan Quân – Hoàng Dũng, “gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Tất cả những cái khác, có hay không, không quan trọng”; và ông dạy con mình rằng: “Tiền chỉ là ảo ảnh thôi. Dù con có là tỷ phú thì con vẫn sẽ không được tôn trọng nếu không biết tôn trọng cha mình”.
Đến bộ phim “Sinh tử”, NSND Hoàng Dũng thủ vai chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa quyền cao chức trọng. Ông Trần Nghĩa lúc nào cũng nóng lòng, sốt sắng trong công việc và không tránh khỏi những quyết sách sai lầm cũng như có không ít mánh khóe ngầm trong công việc. Thế nhưng khi trở về bên gia đình ông lại rất đỗi giản dị, ấm áp cưng chiều con cháu, kể cả với đứa con nghịch tử Trần Thanh Bạt - một cậu ấm bất tài, nhưng luôn cậy là con quan mà trở thành công cụ của bọn tội phạm, có lối sống buông thả, lừa dối mẹ cha, vợ con. Còn ở bộ phim “Về nhà đi con” thì - NSND Hoàng Dũng lại là một ông bố (ông Luật) thấu hiểu cái tính lông bông, lăng nhăng của con trai mình (Vũ) hơn ai hết. Dù rằng bề ngoài ông liên tục quát mắng thế nhưng trong những câu quát mắng ấy khán giả lại cảm nhận được ông Luật là người yêu con nhất, mong muốn con thành công nhất. Giữa lúc Vũ rơi vào bi kịch, ông đã luôn bình tĩnh và lấy sự tôn trọng, niềm tin yêu để dạy con… không chê vào đâu được. Cùng với đó, ông Luật còn luôn chia sẻ, cảm thông và đồng hành , bảo vệ cô con dâu “hợp đồng” (Thư)...
Những tháng ngày cuối năm 2020, NSND Hoàng Dũng tham gia bộ phim “Trở về giữa yêu thương”, nhưng rồi vừa mới bước sang xuân Tân Sửu 2021 ông đột ngột đi xa khiến vai diễn ông Phương - một giám đốc nhà xuất bản mới nghỉ hưu trở về với gia đình bị dang dở... Dẫu vậy, NSND Hoàng Dũng đã khiến khán giả không ngừng xót xa khi nhắc nhớ về một ông Phương rất đỗi yêu thương con cái – yêu thương đến nỗi tạo thành áp lực để rồi chính ông cũng bị bao vây, xô đẩy giữa các mối quan hệ gia đình.
Có thể thấy, trong suốt 5 năm qua, NSND Hoàng Dũng đã miệt mài với phim trường để không ngừng gieo mầm tình yêu gia đình tới khán giả qua những hình mẫu ông bố đa diện, có cả nụ cười lẫn nước mắt. Cũng bởi, mỗi ông bố được Hoàng Dũng sáng tạo luôn thuyết phục và chạm vào trái tim mỗi người bằng những cử chỉ, lời nói, việc làm... trong biết bao gần gũi, dung dị cứ như thể đang hiển hiện giữa đời thường. Những ông bố ấy vừa sẻ chia, cảm thông với các bậc làm cha làm mẹ về trách nhiệm, về những nỗi suốt đời bận lòng lo cho con cái, gia đình, vừa không thôi truyền cảm hứng, thậm chí thức tỉnh không ít người cùng hiểu được rằng “gia đình là thứ tồn tại duy nhất”. Giá trị này càng cần thiết hơn bao giờ hết khi trong đời sống hiện đại hôm nay càng ngày các mối quan hệ trong gia đình càng lỏng lẻo, thậm chí còn bị xem nhẹ. Đấy cũng là nỗi đau đáu mà người nghệ sĩ thấu cảm sau những lặng thầm quan sát đời sống để dành cả tâm huyết, tài năng của mình chắt chiu gửi gắm, truyền tải vào mỗi nhân vật , kể cả những nhân vật phụ mà vẫn khiến khán giả xiêu lòng, tự ngẫm cho mình, cho đời.
NSND Hoàng Dũng vai Bu-ri-đan trong vở kịch “Tháp đoạn hồn”
“Với tôi, không có vai diễn nào là phụ, bởi vậy mỗi vai diễn luôn có một sứ mệnh của riêng mình. Đấy cũng là thách thức thôi thúc tôi phải nghiên cứu nhân vật, hóa thân vào nhân vật sao cho chân thực nhất có thể, khiến khán giả thấy quen lắm, như đã gặp ở đâu đó trong cuộc sống. Và, mỗi nhân vật phải đưa ra một nét, một mẫu nhân vật, làm sao phản ánh được một loại người, mẫu người trong xã hội. Khi thể hiện quát mắng, kể cả lúc chửi bới tôi đều xuất phát từ tình yêu của người cha đối với con, từ cái khao khát con mình tiến bộ, phát triển đúng hướng theo cái mong muốn của mình”, lúc sinh thời, NSND Hoàng Dũng từng chia sẻ về những vai diễn ông bố trong phim truyền hình của mình như thế.
Mầm xanh nghệ thuật
Bất ngờ ra đi, NSND Hoàng Dũng đã khiến biết bao học trò, đồng nghiệp xót xa nhắc nhớ về một người thầy, người anh, người bạn có nụ cười ấm áp và say mê với nghề cho đến tận giây phút cuối cùng. Nhắc nhớ như thế để rồi rưng rưng khi nhận ra đó chính là cách người nghệ sĩ tài danh ấy đã luôn lặng thầm vượt những bão giông của những khắc nghiệt nơi thánh đường thuở mới chập chững vào nghề, của những cơm áo gạo tiền thuở cơ chế thị trường mở cửa, của những cơn đau bạo bệnh lúc lục tuần để rồi bền bỉ đêm ngày gieo mầm nghệ thuật cùng ước mong lửa nghề mãi xanh!
NSND Hoàng Dũng (giữa) trong phim “Người phán xử”
Còn nhớ, lúc sinh thời, khi hỏi NSND Hoàng Dũng về cái duyên với nghệ thuật, ông thong thả châm điếu thuốc rồi nháy mắt bảo nghệ thuật chưa khi nào “lọt” vào ước mơ thuở thiếu thời mà chỉ là đường “né” của cậu trai Hà thành với truyền thống nghề sư phạm của gia đình. Cũng bởi thế mà khi đang là sinh viên năm thứ nhất, gặp cơ hội đi xuất khẩu lao động cậu liền nghỉ học để xây mộng xuất ngoại. Nhưng rồi giấc mộng ấy cũng tan, giữa lúc chưa biết tính sao thì nghệ thuật lại gọi anh trở về… Sau đận ấy, cậu trai Hà thành dẹp hẳn những mơ tưởng tới chân trời khác để cặm cụi học nghề, không chỉ từ bài thầy dạy trên giảng đường mà còn chắt chiu từng cơ hội… trốn vé xem kịch. Mỗi buổi xem kịch như thế đã không chỉ dạy cho Hoàng Dũng những ngón nghề ngay từ các vai diễn thực tế mà còn gieo và thấm vào tâm hồn chàng trai trẻ biết bao đam mê với sân khấu. Cũng nhờ đó mà Hoàng Dũng đã xuất sắc tốt nghiệp khóa học với tấm bằng đỏ để hăm hở đầu quân về Đoàn Kịch Hà Nội nay là Nhà hát Kịch Hà Nội.
Thực ra, niềm hoan hỉ với thành quả học tập của chàng trai Hà thành khi ấy đã không thể kéo dài. Về đoàn kịch, anh đã không sớm lọt vào mắt xanh của đạo diễn vì hình thể bé nhỏ. Những khát khao mong muốn được dâng hiến cho nghệ thuật đành gói ghém trong những vai lính, vai tốt, thậm chí có khi chỉ là chạy hậu đài suốt hơn một năm trời. Đôi khi cũng có cơ hội mở ra nhưng gần như chỉ là kíp 2 với những mỏi mòn chờ đợi có được một suất diễn may mắn. Dẫu vậy, chưa khi nào Hoàng Dũng thôi hy vọng, thôi hăm hở, trui rèn nghề bằng cách rảnh thì xem bạn diễn, nghe thầy dạy và tự trao vai diễn cho mình… ở nhà.
Bởi thế, lửa nghề trong người nghệ sĩ này vẫn được nhen hàng ngày, hàng giờ, chỉ chờ cơ hội là bùng cháy và tỏa sáng trong suốt gần 50 năm qua. Trên sân khấu kịch, khán giả chẳng thể quên được một Hoàng Dũng là Chính trong “Tôi và chúng ta”, Lãm trong “Hà Nội đêm trở gió”, Bu-ri-đan trong “Tháp đoạn hồn”, Hai Hùng trong “Ăn mày dĩ vãng”, Bá Nhỡ trong “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”, Cả Khoa trong “Cát bụi”, thầy khóa trong “Thầy khóa làng tôi”… và cả một Hoàng Dũng đạo diễn có cách kể chuyện sâu lắng trong “Điện thoại di động”, “Điệp khúc vi-rút”, “Vùng lạnh”, “Nguồn sáng trong đời”, “Huyết lệnh”. Trên phim ảnh, khán giả luôn không thôi nhắc nhớ về một Hoàng Dũng trong cả sê-ri phim truyền hình mà nổi bật là “Của để dành”, “Cuồng phong”, “Đàn trời”, “Tuổi thanh xuân”, “Phía trước là bầu trời”, “Về nhà đi con”, “Sinh tử”, “Người phán xử”, “Trở về giữa yêu thương”… và cả một Hoàng Dũng xuất sắc trong những bộ phim điện ảnh như “Trạng Quỳnh”, “Tiếng cồng định mệnh”, “Tướng về hưu”; mới nhất là “Gái già lắm chiêu 5”.
Cặm cụi gắn bó, cặm cụi cống hiến suốt cả cuộc đời cho nghệ thuật, dù con đường lao động này không phải lúc nào cũng trải hoa hồng nhưng chưa khi nào NSND Hoàng Dũng muốn ngơi nghỉ. Lúc nào ông cũng bận rộn, không chỉ với vai diễn, vở diễn, phim ảnh mà còn với học trò trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Dường như ông coi việc lao động nghiêm túc, kỷ luật, vượt qua mọi gian khó thậm chí là nỗi đau bệnh tật để sáng tạo không ngừng trong từng vai diễn cũng như tiếp tục phát hiện tài năng, nâng đỡ và trao truyền ngón nghề, lửa nghề là một sứ mệnh hàng ngày, hàng giờ. Chẳng thế mà, dù bất ngờ phải rời xa nghệ thuật nhưng Hoàng Dũng cũng đã kịp trao lại lửa nghề cho các thế hệ đồng nghiệp, cho những gương mặt trẻ tài năng như Hồng Đăng, Việt Anh, Thanh Hương… Nay, NSND Hoàng Dũng đã phiêu du về miền xa thẳm nhưng tài năng, nhân cách của ông thì vẫn còn đây để cùng vun trồng nghệ thuật nước nhà nảy mầm xanh…