Chu Thuý Quỳnh (bên trái), sau buổi biểu diễn cho Bác Hồ xem (năm 1957).
Mùa thu năm 1941, cô bé đời thứ 26 của dòng họ Chu chào đời tại Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội, được cụ nội đặt tên là Quỳnh, bởi cụ yêu loài hoa quỳnh đẹp, thơm. Thúy Quỳnh ra đời được thừa hưởng khí phách và sự thông tuệ của tổ tiên, là hậu duệ của cụ tổ - nhà nho lỗi lạc Chu Văn An.
Năm 13 tuổi, Thúy Quỳnh trưởng thành một cô gái xinh đẹp, giỏi múa hát ở trường cấp II. Duyên trời định dẫn đường để Thúy Quỳnh ghi tên thi tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Khi nhìn vóc dáng của Quỳnh, có người lắc đầu vì thân hình bé quá. Tuy nhiên, khi tiểu phẩm đưa ra được cô bé vào vai rất đạt, cho thấy năng khiếu múa nổi bật, đã thuyết phục ban tuyển sinh. Thúy Quỳnh trúng tuyển, được các anh chị nghệ sĩ trong đoàn tận tình hướng dẫn tập cơ bản và tiết mục múa, rồi được theo đoàn đi biểu diễn tại Hải Phòng, Tây Bắc, sau đó về nông thôn biểu diễn trong cải cách ruộng đất.
Từ đó, cuộc đời của Chu Thúy Quỳnh gắn liền với những chuyến đi. Khi cuộc chiến tranh đi vào thời kỳ ác liệt (năm 1964 - 1965), chị có mặt phục vụ ở chiến trường miền Nam. Năm 1968, chị vào biểu diễn phục vụ chiến sĩ, nhân dân tuyến lửa Quân khu IV và vùng giáp ranh chiến sự ở miền Nam. Ở miền Bắc lúc bình yên, chị biểu diễn trên sân cỏ, cánh đồng, sân ga, sân đình. Nhưng ở vùng chiến sự, không kể ngày đêm, chị biểu diễn bên mâm pháo, dưới địa đạo, nơi rừng sâu, bên giường thương binh, bệnh binh... Cảm xúc trào lên nguồn sáng tạo, đã thôi thúc chị và đồng nghiệp sáng tác nên những tác phẩm múa bất hủ, ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Từ câu chuyện về anh pháo thủ, chiến sĩ hải quân và cô dân quân - ba lực lượng đã mưu trí cùng nhau bắn rơi máy bay địch, Thúy Quỳnh và Mạnh Hùng sáng tác điệu múa “Gặp gỡ bên mâm pháo”. Hai tác phẩm “Vợ chồng dân quân bên khẩu súng trường”, “Gặp gỡ bên mâm pháo” được biểu diễn ngay bên mâm pháo, trước họng súng quân thù. Đó là những năm tháng tuôn trào cảm xúc biểu diễn và sáng tác, luôn thúc giục người nghệ sĩ múa hành động.
Chu Thúy Quỳnh trở thành diễn viên solist với các vở múa: “Bà mẹ miền Nam”, “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, “Tiếng gọi quê hương”,“Gặp gỡ bên mâm pháo”, “Theo cờ giải phóng”… Đây cũng là những vở diễn mang đến cho Chu Thúy Quỳnh những danh hiệu, huân chương cao quý khi ở tuổi đôi mươi. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, Chu Thúy Quỳnh đã nổi tiếng với những vai chính ở các vở kịch múa: “Chim Gâu”, “Đôi bờ”, “Tấm Cám”…Trong đó vở kịch múa kinh điển của Việt Nam: “Tấm Cám”, chị đã thu hút khán giả khi hóa thân vào vai Tấm - một cô gái chịu thương chịu khó, nhẫn nại, chăm chỉ lao động, đầy lòng nhân từ. Ngược lại, Cám điêu ngoa, luôn tìm cách hại Tấm. Mấy tháng sau, Quỳnh lại múa vai Cám, với sự sắc sảo khi thể hiện nội tâm nham hiểm... Đóng hai vai khác nhau trong một tác phẩm múa, chị đã thực sự hóa thân đối lập tính cách, để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.
NSND Chu Thuý Quỳnh.
Từ năm 14 tuổi, Chu Thúy Quỳnh vinh dự được nhiều lần biểu diễn cho Bác Hồ xem, được nghe Bác dạy bảo, được ăn cơm, ăn Tết với Bác. Trong một lần trò chuyện về việc tập múa, khi nói về luyện tập để nhảy cho cao, Bác Hồ dạy: “Cháu hãy đào một cái hố, đứng bên dưới hố và nhảy lên. Cứ như thế khi cháu thấy việc nhảy lên dễ dàng hơn thì cháu hãy đào hố sâu thêm một ít. Hố càng sâu thì khả năng bật nhảy sẽ càng cao”. Thúy Quỳnh luyện tập theo hướng dẫn của Bác. Khi nhảy ở sàn tập, lực nhảy của chị đã bay rất cao làm mọi người kinh ngạc. Chu Thúy Quỳnh hiểu rằng Bác không chỉ dạy cách luyện tập, mà Người còn truyền lòng quyết tâm và sự kiên trì nên mới thành công. Năm 1969, lần cuối cùng chị được gặp Bác Hồ khi Đoàn Văn công nhân dân Trung ương vào báo cáo kết quả chuyến lưu diễn ở Pháp, Italia, Algeria. Thấy Bác gầy yếu đi, chị đã khóc. Bác nói: “Gặp Bác phải vui, sao cháu lại khóc!”. Chị thưa với Bác: “Cháu thấy Bác gầy quá!”. Bác cười và an ủi: “Bác không sao đâu!”. Cho đến bây giờ, những kỷ niệm về Bác Hồ vẫn mãi khắc sâu trong lòng chị. Bác Hồ không chỉ là một vị lãnh tụ, mà là người thầy dạy chị bài học làm người, nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ, sự nghiệp mình đã chọn.
Để có thể toàn tâm với nghiệp diễn, chị cũng phải hy sinh rất nhiều. Vợ chồng chị chỉ có một đứa con trai. Vướng bận chuyện con cái sẽ khó có thể làm nghề diễn được lâu. Những chuyến đi lưu diễn của hai vợ chồng không cho phép nghĩ nhiều đến cuộc sống riêng. Vì thế, sau ánh hào quang trên sân khấu, sau những vinh quang và giải thưởng, người vợ, người mẹ như chị cũng rất thiệt thòi. Nhưng chị may mắn được chồng phụ giúp trông con và khi cả hai vợ chồng cùng đi biểu diễn thì có ông bà giúp đỡ để chị dành hết tâm huyết cho niềm đam mê nghề nghiệp của mình.
Múa “Hoa Tràng An” do NDND Chu Thuý Quỳnh làm biên đạo.
Khi chị đi học múa ở Ấn Độ, chồng chị - nghệ sĩ múa Nguyễn Mạnh Hùng bị bệnh nặng phải nằm viện, anh vẫn bảo chị phải học cho xong. Anh nói: “Em không được bỏ học, phải học tiếp. Anh sẽ khỏi bệnh về chăm con cho em!”. Nhưng anh mất đi khi chị mới 40 tuổi. Lời nói đầy tình thương yêu ấy của anh là động lực lớn lao khiến chị vượt lên tất cả để cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật múa. Chị thủ tiết thờ chồng nuôi con trai khôn lớn, trưởng thành.
Bằng tình yêu nghề và sự khát khao được cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật múa, ở tuổi ngoài 50, khán giả vẫn thấy chị thướt tha biểu diễn những điệu múa khó. Không chỉ là một diễn viên múa xuất sắc, Chu Thúy Quỳnh còn là nhà biên đạo tài ba. Các điệu múa “Mùa xuân trên bản H’Mông”, “Hầu văn Xá Thượng Ngàn”… được chị sáng tác từ những chất liệu múa dân gian các dân tộc, đã đem lại hơi thở mới cho múa Việt Nam. Chu Thuý Quỳnh cũng là người đầu tiên đưa những nét đẹp bình dị của con người Việt Nam lên sân khấu múa. Ở các tác phẩm như “Hoa Tràng An”, “Hương xuân”,“Hương quê”, “Hoa đất nước”… mang vẻ đẹp tinh khôi của những cánh hoa. Ở đó hoa cúc, hoa hồng mà đặc biệt là những cánh đào Nhật Tân, chợ hoa Quảng Bá, làng hoa Ngọc Hà của Thủ đô Hà Nội được chị thổi hồn một cách kì diệu. Để xây dựng được những tác phẩm ấy, chị đã đi đến những cánh đồng hoa ngoại thành Hà Nội, lên tận vùng cao học từng động tác lao động của bà con dân tộc.
Sau này Chu Thúy Quỳnh nổi tiếng hơn với nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao trong hội diễn nghệ thuật và của Hội Nghệ sĩ múa, như: “Hoa Tràng An”, “Vũ khúc đàn T’rưng”, “Cánh chim không mỏi”,“Trống hội”, “Những cô gái Việt Nam”...
Cái duyên từ nghề đưa NSND Chu Thúy Quỳnh thường xuyên đi biểu diễn ở nước ngoài, đến với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Chị mang các điệu múa truyền thống của Việt Nam đi khắp năm châu và những điệu múa xuất sắc do chị sáng tác, như “Suối đàn T’rưng”, “Những cô gái làng”,“Hương xuân”… Đi càng xa, biết càng nhiều, chị càng thấy múa Việt Nam đặc biệt, có sức hấp dẫn nước người đến lạ thường. Năm 1983, sau khi tu nghiệp ở Ấn Độ trở về, chị được bổ nhiệm cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
Chị tổ chức những chuyến đi giao lưu quốc tế tại Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ấn Độ, Miến Điện, Indonesia, Nhật Bản, Phần Lan, Áo, Úc, CHDC Đức... để các nước hiểu được nền văn hóa Việt Nam và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Từ những chương trình Chu Thúy Quỳnh chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, làm cho khán giả nước ngoài trở nên thân thiện, hiểu rõ hơn về Việt Nam - một đất nước kiên cường chống ngoại xâm và có nền văn hóa đa sắc màu.
NDND Chu Thuý Quỳnh thời trẻ cùng bạn diễn
Trong suốt những năm theo nghề biểu diễn, đến lúc làm biên đạo, đạo diễn và 5 khóa liền là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, NSND Chu Thuý Quỳnh lại theo sát bước chân các nghệ sĩ đến từng xã, bản làng để sưu tầm, phục dựng nguồn múa cổ truyền, rồi sáng tạo ra những điệu múa mới. Chưa bao giờ chị nghĩ mình có thể làm nghề khác, tất cả những gì chị làm nhất thiết phải liên quan đến múa, phục vụ ngành múa và vì ngành múa. Một sự dẻo dai bền bỉ đến lạ thường hiếm ai có được. Tất cả chính bởi tình yêu say nghề múa.
Những cống hiến của NSND Chu Thúy Quỳnh đã được Nhà nước tặng nhiều giải thưởng cao quý: Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (năm 1988), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1998), Giải thưởng Nhà nước đợt II về Văn học Nghệ thuật (năm 2001); danh hiệu Người tốt việc tốt (năm 2015); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 2017). Năm 28 tuổi, NSND Chu Thúy Quỳnh là nữ đại biểu quốc hội trẻ nhất của ngành múa, là Đại biểu Quốc hội khóa IV, VIII, IX và X; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP. Hà Nội, đồng thời là một trong những người sáng lập và là Ủy viên Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.