NSND Chu Thúy Quỳnh: Như cánh chim không mỏi...

Hồng Thinh (thực hiện)| 26/05/2017 09:12

Hơn 60 năm qua, NSND Chu Thúy Quỳnh như cánh chim không mỏi say mê cống hiến tài năng, tâm sức của mình cho nghệ thuật múa Việt Nam. Tên tuổi của bà không chỉ gắn liền với những vai diễn đỉnh cao trong “Tấm Cám”, “Cánh chim mặt trời”, “Gặp gỡ bên mâm pháo”, “Tiếng gọi quê hương”… mà còn gắn liền với nhiều tác phẩm múa xuất sắc do bà biên đạo như “Trống hội”, “Vũ khúc đàn T'rưng”, “Hoa Tràng An”, “Những cô gái Việt Nam”, “Cánh chim không mỏi”… Chính vì vậy, năm 2017, NSND Chu Thúy Quỳnh đã vinh dự được Đảng,

Như cánh chim không mỏi...

PV:
Thưa nghệ sĩ, khi mới 14 tuổi bà đã được tuyển vào Đoàn Văn công Nhân dân. Vậy cơ duyên nào đưa bà đến với loại hình nghệ thuật độc đáo nhưng đầy khổ luyện và khắc nghiệt này?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Cả gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng không hiểu sao ngay từ nhỏ tôi lúc nào cũng thích múa – dù vẫn thường xuyên tham gia đội kịch thiếu nhi. Năm 14 tuổi, tôi ghi tên dự tuyển vào Đoàn Văn công Nhân dân. Dù bị chê là bé nhưng không một chút ngại ngần, tôi đã say mê vào vai diễn trong tiết mục “Trông nom mẹ ốm” và “bắt chước” rất nhanh điệu múa Thái được nghệ sĩ Phùng Thị Nhạn thị phạm. Tôi đã bước chân vào nghệ thuật múa một cách đơn giản, hồn nhiên như thế.

PV: Nghe nói, ngày ấy Chu Thúy Quỳnh là một nghệ sĩ trẻ luôn được Bác Hồ “cưng chiều”?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Tôi thấy mình là người thật may mắn khi được Bác Hồ ưu ái thường xuyên gọi tới bên Bác. Lần đầu tôi gặp Bác là hồi cuối năm 1955, dịp chúng tôi (Đoàn Ca vũ Nhân dân Trung ương) được vào phục vụ khách quốc tế. Thật bất ngờ khi chúng tôi thấy Bác đi vào phòng biểu diễn từ cửa sau. Bác ân cần hỏi: “Các cháu là đoàn nào?”. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương khi đó là trưởng đoàn, liền thưa: “Thưa Bác, chúng cháu là Đoàn Ca vũ Nhân dân Trung ương”. Bác liền hỏi ngay: “Ca là gì?”. “Thưa Bác, ca là hát ạ!”. “Thế vũ là gì?”. “Thưa Bác, vũ là múa ạ!”. “Vậy tại sao không gọi là hát múa”. Và từ đó, đoàn có tên là “Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương”. Và rồi, Bác lại hỏi tiếp: “Thế cháu nào bé nhất đoàn?”. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương vừa nói vừa vẫy tôi từ phía sau: “Thưa Bác, bé Thúy Quỳnh là bé nhất ạ!”. Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, tôi thường xuyên được vào thăm Bác. Những năm 1965-1966 là những năm chiến tranh, nhưng Bác vẫn cho người đón tôi vào Phủ Chủ tịch. Gặp Bác, tôi đọc báo cho Bác nghe, nói chuyện với Bác và cùng Bác xem phim. Tôi đã dần lớn lên từ những bài học và trong tình yêu thương của Bác Hồ như thế.

PV: Là nghệ sĩ trưởng thành trong những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa, chắc hẳn bà có nhiều kỷ niệm không thể phôi pha?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Tôi đã trở thành nghệ sĩ chiến trường ngay khi bén duyên với nghệ thuật múa. Thế nhưng, đến giờ tôi vẫn nhớ như in những buổi tôi cùng đồng đội biểu diễn phục vụ bộ đội dưới hầm sâu, bên mâm pháo, trên cánh đồng, sân ga, khoang tàu, bên giường thương binh… Đặc biệt, những năm 1966-1967 chúng tôi đã đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình (Khu 4) biểu diễn. Mỹ ném bom xuống hầm trú ẩn. Chúng đi qua rồi cả đoàn lại lên biểu diễn. Trong suốt cuộc hành quân, chúng tôi được nghe bộ đội kể chuyện giữa chàng pháo thủ, cô dân quân và anh hải quân – ba lực lượng cùng nhau bắn rơi máy bay để rồi sáng tác điệu múa “Gặp gỡ bên mâm pháo”. Điệu múa này liền được diễn ngay ở bên mâm pháo cho bộ đội, dân quân xem. Xem xong, các anh, các chị cứ vây lấy chúng tôi bắt tay cảm ơn. Đấy là những tháng ngày vô cùng thiêng liêng, tự hào đối với chúng tôi khi được góp sức động viên bộ đội, nhân dân lạc quan, yêu đời cùng nhau đánh giặc.

PV: Đằng sau mỗi vai diễn lấp lánh độc giả cũng rất muốn được nghe bà chia sẻ những câu chuyện đời, chuyện nghề của mình?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Để có hôm nay, tôi luôn cảm ơn cuộc sống đã đem lại cho tôi rất nhiều may mắn: may mắn được đến với nghệ thuật múa trong sự sẻ chia của đồng nghiệp, may mắn được Bác Hồ dạy dỗ và nhất là may mắn được xe duyên với người bạn đời hết mực yêu thương. Người bạn đời của tôi là NSƯT Mạnh Hùng – người đã “chê” tôi nhỏ con lúc tuyển vào Đoàn Văn công Nhân dân. Khi thành đôi, anh là người luôn ân cần sát cánh động viên tôi sáng tạo không chỉ từ những ngày đầu tôi chập chững vào nghề, lúc ở chiến trường mà còn đến tận khi anh không thể ở bên tôi (anh sớm đi xa vì mắc bệnh ung thư). Còn với mỗi vai diễn, tôi không lấy đó là nhọc nhằn khi mình luôn gửi trọn tình yêu. Những tai nạn nho nhỏ mà tôi gặp trong lúc luyện tập như bị ngã đập đầu xuống đất hay bị ngã vỡ con ngươi mắt... rồi cũng sẽ qua đi để tôi được tiếp tục đắm say với múa đến tận hôm nay.

Ở tuổi 76, NSND Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, người cũng đã được Thành phố Hà Nội vinh danh là công dân ưu tú Thủ đô, vẫn nhanh nhẹn uốn tay, đưa nhịp khi minh họa động tác múa nào đó cho tôi. Chỉ có mắt bị ảnh hưởng do tai nạn tập luyện trước đây của bà thì bị mờ đi nhiều. Vậy nhưng, cười rất tươi bà nhắc lại rằng, cuộc đời bà là múa - mãi mãi vẫn là như thế...

(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
NSND Chu Thúy Quỳnh: Như cánh chim không mỏi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO