Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2018, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đạt được những kết quả tích cực.
13/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vừa qua, ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết trong 8 tháng đầu năm 2018, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đạt được những kết quả tích cực.
Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) thông tin tại buổi giao ban báo chí.
Trong đó, kinh tế tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt trên 13,5 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4% kế hoạch năm, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 207,8 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch. Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.
Thực hiện Chương trình số 02-CTr/HU của huyện ủy Ba Vì về “Phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân” giai đoạn 2016 - 2020, đến hết năm 2017, toàn huyện có tổng số 13/30 (đạt 43,33%) xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
“Trong năm 2018, chúng tôi đang phấn đấu thêm 2 xã (Phú Cường và Chu Minh) đạt NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 50%. Đến năm 2019, huyện đặt mục tiêu sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt NTM là 21/30 xã. Các xã còn lại, huyện sẽ tiếp tục đầu tư vào các năm tiếp theo”, ông Đỗ Mạnh Hưng thông tin.
Du lịch là mũi nhọn
Là vùng đất cổ, huyện Ba Vì có mật độ di tích dày đặc gắn liền với tục thờ Tản Viên Sơn Thánh vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên địa bàn huyện có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống là Kinh, Mường, Dao, lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng giàu bản sắc… Bên cạnh đó, Ba Vì còn được thiên nhiên ban tặng hệ thống sông, suối, núi, rừng với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, với các danh thắng: Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Thiên Sơn, Suối Ngà, hồ Suối Hai, nước khoáng nóng Thuần Mỹ…
Trong 8 tháng đầu năm, tổng lượt khách đến Ba Vì ước đạt 2.195.000 lượt, đạt 78,3% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 256 tỷ đồng, đạt 76,2% kế hoạch, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2017.
“Ba Vì có lợi thế thiên nhiên, có đền thờ Thánh Tản Viên và khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cơ sở để xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa. Tuy tiềm năng lớn là vậy, nhưng vẫn chưa được khai thác do chưa có những tập đoàn lớn đầu tư”, ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết.
Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, huyện luôn xác định du lịch là mũi nhọn của Ba Vì. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch dịch vụ vẫn còn gặp một số khó khăn như chưa phát triển thành chuỗi mà vẫn manh mún; Nhiều sản phẩm như nghỉ dưỡng, cộng đồng homestay mới mang tính tự phát chưa gắn kết, đặc biệt khách lưu trú tại huyện thấp… Để giải quyết khó khăn, Ba Vì đã và đang triển khai hàng loạt những giải pháp đồng bộ như tiếp tục tuyên truyền để các doanh nghiệp có nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn nữa; quảng báo về mảnh đất Ba Vì nhiều hơn.
“Chúng tôi sẽ phát triển thêm và dày hơn đối với dịch vụ du lịch cộng đồng để người dân tham gia. Song song với đó là quảng bá tuyên truyền và tôi tin tưởng rằng nếu làm được thì Ba Vì với lợi thế và nhiều tiềm năng như vậy chắc chắn sẽ phát triển”, ông Hưng khẳng định.
Liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự đô thị, lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết huyện đã hoàn thành phê duyệt chi tiết thị trấn Tây Đằng và quy hoạch chi tiết khu đô thị Tản Viên; Hoàn thành sản phẩm Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 làng sinh thái chè Việt Mông, khu chức năng đặc thù và các chức năng khác tại xã Yên Bài đề nghị Sở Quy hoạch – Kiến trúc thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt.
Liên quan đến khu Điền Viên Thôn tại xã Yên Bài, ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết thành phố và thanh tra đã có kết luận, đã có những xử lý cán bộ. Đối với huyện, căn cứ vào một số công trình phù hợp với quy hoạch, không ảnh hưởng mà đã xây dựng, huyện đã đề xuất và báo cáo với các sở, huyện đã có văn bản gửi đến thành phố xin được giữ nguyên. Đối với Cung điện Công chúa nhà trời (Cung điện Công chúa), huyện đã tổ chức cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu, toàn bộ diện tích giao cho UBND xã quản lý, không có việc xây dựng lại.