Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Theo Hà Nội Mới| 26/12/2020 10:47

Chiều 24-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021.

 Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước.

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền dự hội nghị.

Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020, ngành Nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; bệnh Dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho việc tái đàn, tăng đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn; lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật.

Tuy nhiên, trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; hơn 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của nông thôn đạt 43 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 mặt hàng có kim ngạch hơn 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo).

Năm 2020, cả nước thành lập mới được 14 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 1.555 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 17.300 hợp tác xã nông nghiệp. Cả nước thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên hơn 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp. Năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các địa phương công nhận 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 53 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 11 doanh nghiệp so với năm 2019. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh...

Biến nguy cơ thành thời cơ

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ, dù chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm song ngành nông Nghiệp Thủ đô đã duy trì và có mức tăng trưởng lớn, đạt 4,2% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn thành phố ước đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2019, giá trị sản xuất bình quân đạt 280 triệu đồng/ha.

Năm 2020, thành phố dự kiến có thêm 7 huyện và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 13/18 huyện, thị xã (chiếm 72,2%); xã đạt chuẩn nông thôn mới là 370/382 xã (chiếm 96,6%); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng so với năm trước.

Dự kiến, đến hết năm 2020, thành phố đánh giá, phân hạng được khoảng 1.000 sản phẩm OCOP (trong đó, riêng năm 2020 là 700 sản phẩm). Đặc biệt, Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và duy trì 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, năm 2021, ngành Nông nghiệp Thủ đô phấn đấu tăng trưởng đạt từ 3% trở lên; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 14 xã (tổng số đạt 100% số xã); số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm 20 xã (tổng số đạt 43 xã); 5 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu...

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành trung ương tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đặc biệt, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho thành phố phê duyệt trước "Phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội" và "Phương án phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội" sau đó tích hợp vào Quy hoạch chung của thành phố.

Thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ đầu tư các dự án liên quan đến các tuyến sông Nhuệ - Đáy và các công trình phân lũ, thoát lũ của Hà Nội.

Một số tỉnh, thành phố cũng đã nêu những khó khăn, thuận lợi và mục tiêu ngành Nông nghiệp địa phương hướng tới cùng một số kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 3% - đây là mức cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, năm nay, Việt Nam đạt con số xuất siêu kỷ lục (trên 20 tỷ USD). Trong đó, nông nghiệp đóng góp vào xuất siêu khoảng 10 tỷ USD. Việt Nam là 1 trong 5 nước của thế giới có dòng thương mại mạnh nhất.

Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện phát triển đầy khó khăn, ngành Nông nghiệp đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Điều đó cho thấy, vai trò sống còn của nông nghiệp trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, là bệ đỡ, là cứu cánh của cả nền kinh tế quốc dân. Điều đó thể hiện qua việc ngành Nông nghiệp cũng đã thích ứng tốt với đại dịch Covid-19; thích ứng với thiên tai; duy trì và phát triển, bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường trong nước 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. 

Thủ tướng điểm qua các mặt hàng có sự tăng trưởng nổi bật như: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo). Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vượt Thái Lan, Ấn Độ - soán ngôi đầu thế giới.

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, công nghiệp chế biến nông sản được đẩy mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để phát triển chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ 4.0. Riêng năm 2020, Việt Nam đã khánh thành 18 nhà máy chế biến tại nhiều tỉnh, thành phố ở 3 miền đất nước, khắc phục được tình trạng được mùa - mất giá. Công tác phát triển, mở cửa thị trường đang được đẩy mạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tốt với Bộ Công Thương để xử lý, mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.

“Đặt một hạt giống xuống phải hỏi tiêu thụ ở đâu, thị trường nào chứ không thể sản xuất một sản phẩm mà thị trường không cần”, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của thị trường trong sản xuất.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu cần phải chú trọng xây dựng hoàn thiện thể chế để kiểm soát tốt đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp; vai trò của phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm soát đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi…

Thủ tướng chia sẻ, "thấy mừng nhưng vẫn thấy lo" vì tăng trưởng của ngành Nông nghiệp chưa bền vững do chịu cú sốc bởi thiên tai và dịch bệnh. Nhiều mục tiêu chưa đạt như phát triển 15.000 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều bất cập, chênh lệch khoảng cách giàu - nghèo, vùng miền còn nhiều bất cập...

Đặc biệt, dự báo cung - cầu vẫn là khâu yếu. Dẫn chứng từ bất cập giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian qua, Thủ tướng lưu ý làm sao Tết Nguyên đán này không được để người dân phải mua thịt lợn giá cao.

Về kế hoạch phát triển năm 2021, Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp phải biến nguy cơ thành thời cơ. Nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu nên ngành Nông nghiệp cần phát huy kinh nghiệm để vượt qua, còn thời cơ là thị trường được mở ra.

Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra của sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, năm 2021, ngành Nông nghiệp phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành trên 3%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải đạt 44 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt mức 43%; nông thôn mới đạt trên 70%; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp, tổng số hợp tác xã nông nghiệp đạt hiệu quả là hơn 16.000 hợp tác xã.

Thủ tướng yêu cầu, cần có cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp để có nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp để xây dựng quy mô sản xuất nông nghiệp lớn.

Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, giúp hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã để xây dựng chuỗi giá trị; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp để phát triển thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, với thị trường trong nước, cần phát huy khẩu hiệu đưa hàng hóa từ nông thôn ra thành thị.

"Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam có truyền thống vượt khó trong kháng chiến, xây dựng đất nước. Với truyền thống này, chúng ta sẽ xây dựng được nền nông nghiệp phát triển vững mạnh, nông dân sẽ ngày càng giàu có hơn", Thủ tướng mong muốn và nhấn mạnh: "Tết này cả nước Việt Nam ăn gì, giá thế nào, ngành Nông nghiệp cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ; đặc biệt nghiêm cấm việc chặt cây ở Tây Bắc mang về Hà Nội bán".

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO