Ấy là chủ tương của Viện hàn lâm Thụy Điển, cơ quan xét giải, sau cú vấp 2017 – 2018 (Vụ quấy rối tình dục của Jean – Claude – Arnault, người thân cận với Viện) là “Đa dạng hóa giải Nobel văn chương”. Công chúng văn học ngầm hiểu rằng Viện nỗ lực khắc phục những bất công tồn tại lâu rồi. Chẳng hạn, các cây bút nữ được tôn vinh quá ít; trong 118 nhà văn được trao Nobel văn học từ 1901 tới nay, chỉ 16 người thuộc phái đẹp; khoảng 92 % người được giải sử dụng các ngôn ngữ chính của châu Âu; đa phần họ là người chậu lục này (đứng đầu là Pháp, 15 nhà văn, Mỹ, 13, Anh, 11, Đức, 8, Thụy Điển, 8 – trong khi châu Á, 4, châu Phi, cũng 4, tính tới 2020…)…
Vậy nên, phái yếu năm nay được cư dân mạng bình chọn dày đặc. Trước hết, xin điểm qua những “khách quen” của dân cá cược. Nữ trưởng lão Mỹ Joyce Carol Oates, 83 tuổi, đã công bố hơn trăm tác phẩm. Bà là một trong những cây bút dồi dào, đa dạng, phong phú, toàn diện cực hiếm thời nay, giá trị cốt lõi là tính nhân bản sâu thẳm đến kinh ngạc.
Margaret Atwood, 82 tuổi, có tiếng tăm văn học và “chiến sỹ nữ quyền lỗi lạc” vượt biên giới Canada đã lâu, với tiểu thuyết Cô hầu đỏ rực năm 1985, một hiện hiện tượng văn chương và điện ảnh thế giới, bà là tiến sỹ danh dự của 24 trường đại học toàn cầu. Đặc biệt, bà được hưởng vinh dự hi hữu, ấy là, tháng 10/2017, được hãng truyền thông Anh quốc Globe and Mail phỏng vấn ngay sau khi trúng Nobel văn chương năm đó, Kazuo Ishiguro, sinh 1955, cây bút Anh gốc Nhật, bày tỏ: “Tôi xin lỗi nữ nhà văn Margaret Atwood rằng năm nay, bà không được trao giải. Từ lâu, tôi vẫn đinh ninh năm nay là năm Nobel văn học Margaret Atwood…”. Thực tế, Nobel ư?. Margaret Atwood không mấy bận lòng.
Đồng tổ quốc với nữ chiến sỹ nữ quyền Margaret Atwood là cây bút vàng thế gới Anne Carson, 71 tuổi, tài đức vẹn toàn, được coi là nhà trí thức trụ cột hoặc vầng mặt trời trí tuệ của Bắc Mỹ… Đã mấy năm, dân cá cược trao Nobel văn chương cho bà.
Bên cạnh mấy cây đa cây đề ấy, cư dân mạng đề cử nhiều gương mặt mới. Ví như nữ văn hào Nga Lioudmila Oulitskaia, 78 tuổi, người kế tục xứng đáng những tên tuổi vĩ đại của văn học Nga - nền văn học thấm đẫm đạo đức nhân dân tự ngàn đời, nồng nàn nhân bản. Bà là nữ tiểu thuyết gia Nga còn sống được đọc nhiều nhất ở nước ngoài. Vài năm nay, tên bà thường xuất hiện ở đầu các bảng đề cử cho Nobel văn học trên mạng… Người xuất hiện lần đầu tiên trên các trang “đỏ đen Nobel” là Annie Ernaux, 81 tuổi, “dòng dõi công nhân”, nhà văn Pháp dấn thân gạo cội. Sau nhiều tác phẩm hư cấu, bà chuyển hẳn sang tự truyện, đặc biệt là hồi ức tuổi thơ, và đạt được những thành công vang dội toàn thế giới. Những tác phẩm kiểu tự truyện của bà phát hiện một điều căn cốt của đời sống nhân loại. Đó là số phận cá nhân không thể tách rời số phận cộng đồng. Nữ văn sỹ Pháp da đen Maryse Condé, 84 tuổi - Nobel văn chương bổ khuyết 2018, vẫn được xướng tên trong các đề cử Nobel vài năm nay, nức tiếng với hoạt động đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ và chống phân biệt chủng tộc. So với đàn chị, Annie Ernaux xông xáo, năng nổ, quyết liệt và sâu rộng hơn trong cuộc chiến đấu cho lương tri và lẽ phải, tức cho khoa học đích thực, nền tảng của mọi quyết sách lớn nhỏ của mọi xã hội. Bà lên tiếng phản bác hoặc phản biệt nhạy bén và kịp thời những quan điểm hoặc hành động sai trái về đủ mặt, khoa học, văn hóa, chính trị, kể cả của tổng thống và chính phủ… Việc bà được cư dân mạng tung hô nồng nhiệt năm nay chứng tỏ hiện công chúng văn chương đã hiểu ý tưởng sâu xa của Alfred Nobel (1833 - 1896) về tuyên dương văn học: Nobel này dành cho sự nghiệp văn chương “tỏ rõ một lý tưởng mạnh mẽ”. Như thế, tác phẩm phải tích cực và kiêu dũng, người viết phải là một nhà hoạt động xã hội tiến bộ. Một trăm hai mươi năm qua, vinh quang này thường đến với những ngòi bút dấn thân thực sự như Annie Ernaux bây giờ…
Điều vừa nêu có lẽ lý giải thỏa đáng sự thật rằng hễ mùa Nobel tới, người ta lại ngậm ngùi trước danh sách ngày càng dài của những ngòi bút tài năng hơn người bị Nobel phớt lờ: Philip Roth, Amos Oz, Ismail Kadaré, Milan Kundéra, Adonis, Ko Un, Claudio Magris… Sắp tới hẳn là Haruki Murakami – năm nay 72 tuổi, cây bút Nhật Bản sừng sỏ tầm vóc toàn cầu này tiếp tục được cư dân mạng bầu chọn ở tốp đỉnh cho Nobel văn học. Gần đây, thủ đô Tokyo dành riêng cho ông một thư viện. Sự tôn vinh có lẽ chưa nhà văn nào được hưởng hình như cũng không tăng điểm cho ông để ông trúng giải...
Công chúng văn chương hy vọng Nobel sẽ phá lệ - lâu nay, chỉ tôn vinh tự sự nghiêm chỉnh, chưa bao giờ ngó ngàng tới ngôn tình hay trinh thám hình sự… Cho nên năm nay, họ hào hứng đề cử “ông trùm” truyện hình sự thế giới người Mỹ Stephen King, 74 tuổi. Những vấn đề nóng bỏng (tôn giáo và chấn thương tôn giáo, phân biệt chủng tộc, lạm dụng tình dục…) đều được đề cập hấp dẫn, tác phẩm của ông – hơn 60 tiểu thuyết, hơn 200 truyện ngắn… - đã tiêu thụ trên 350 triệu bản trên toàn cầu, ông được tặng gần 40 giải thưởng các loại, đặc biệt Huy chương Nghệ thuật quốc gia do tổng thống Obama đích thân trao tại Nhà Trắng…
Nếu châu Á được giải Nobel này vinh danh ngay từ 1913, R.Tagore (1861 – 1941), thi hào người Ấn Độ, thì châu Phi mãi năm 1986 mới được nhận vinh dự ấy – Wole Soynka, sinh năm 1934, Nigeria. Thế mà những Nobel văn học của lục địa đen lại thật đáng nể. Sau Soynka, là Naguib Mahfouz (1911 – 2006), Ai Cập, giải 1988; Nadine Gordimer (1923 – 2014), nữ, Nam Phi, giải 1991; J.M.Coetzee, sinh năm 1940, Nam Phi, giải 2003. Họ lưu dấu ấn đẹp đẽ trên hành tinh về khát vọng sống và niềm lạc quan vào tương lai của đồng bào mình. Cảm động hơn cả là hiện tượng Naguib Mahfouz. Ông am hiểu sâu rộng và tiếp thu được nhiều bài học lớn từ những nền văn học lớn của nhân loại. Ông gắn bó gan ruột với thành phố Cairo quê hương và tổ quốc Ai Cập của mình. Ông thấm nhuần những phép xử thế căn cốt của thời đại và của nhân loại. Do đó, ông luôn ủng hộ các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột giữa các vùng miền, các quốc gia… Ông chú trọng chung sống hòa bình. Ông không tán thành đọc quyền tư tưởng hoặc cực đoan tôn giáo. Một nhóm cực đoan tôn giáo đã ám sát ông, nhưng ông thoát nạn. Về sau, ông tha thứ cho những kẻ định giết mình. Chính vì vậy, ông trở thành một tấm gương của hòa bình nhân bản và bao dung thiết thực. Với cái hồn yêu thương dịu dàng và thăm thẳm đối với đất và người, văn ông càng cuốn hút vì phảng phất hương vị thần kỳ của những Balzac, Zola, Dickens, Tolstoi, Proust, Faulkner, Galsworthy… Văn chương Naguib Mahfouz khẳng định một lần nữa luật của muôn đời: Linh hồn của xã hội là yêu thương chuẩn mực; động lực của yêu thương ấy là tư tưởng chuẩn mực (hòa bình, bao dung, vị tha, bình đẳng); năng lượng của yêu thương là khát vọng, kiểm soát và điều chỉnh chung của cộng đồng; công thức hoạt động của yêu thương là quả cảm, kiên định, hợp tác, bền bỉ… Những giá trị vừa kể khiến cho tác phẩm của ông được hầu như khắp hành tinh thưởng thức trân trọng. Khi qua đời, ông là nhà văn hiếm hoi được nhiều chính khách, như Bộ trưởng văn hóa Pháp Renaud Donnedieu de Vabres, nhiều nguyên thủ quốc gia, như vợ chồng tổng thống Mỹ George Bush… bày tỏ lòng tri ân, tôn kính và chia buồn cùng gia đình. Tiêu biểu là lời của tổng thống Pháp bấy giờ Jacques Chirac (1932 – 2019): “Biết tin Naguib Mahfouz đi xa, tôi vô cùng xúc động… Cùng với ông, một gương mặt ngời sáng của văn học thế giới, một con người của hòa bình, của bao dung và của đối thoại đã vĩnh biệt chúng ta… Qua tác phẩm của mình, ông đã miêu tả xã hội Ai Cập với tấm lòng, sự tinh tế và chủ nghĩa hiện thực. Là nhà văn Ai Cập đầu tiên nhận giải Nobel văn học năm 1988, ông đã làm cho văn học Ai Cập và thành phố Cairo cổ kính của tuổi thơ ông nổi danh trên toàn cầu”.
Hiện tượng Naguib Mahfouz được nhắc tới nhiều mùa Nobel 2021. Viện hàn lâm Thụy Điển hẳn phải nỗ lực hơn nữa, để phát hiện thật hết những ngòi bút kim cương như ông, đang đâu đó ở những xứ sở được coi là lạc hậu, chậm phát triển hoặc nhược tiểu. Gần hai thập kỷ nay, châu Phi mong mỏi Nobel văn học thứ năm của mình. Người được nghĩ tới nhiều hơn cả hẳn là nhà “ba trong một” (nhà văn, nhà tư tưởng, giáo sư đại học) Ngugi wa Thiong’o, công dân Kénya, năm nay 83 tuổi. Ông hội tụ nhiều nét căn bản của những Nobel sáng giá bậc nhất: 1. cái riêng độc đáo; 2. lý tưởng (văn chương) hùng mạnh; 3. dấn thân hết mình. Sau thành công vang dội của nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Anh, từ 1983, ông chuyển hẳn sang viết bằng tiếng mẹ đẻ, thổ ngữ kikuyu, để đối thoại trực diện với dân tộc mình, mảng độc giả ông ưu tiên số một. Dĩ nhiên, sách của ông vẫn được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Ông nhấn mạnh rằng trí tuệ đúng nghĩa là trí tuệ được độc lập; văn chương phải là một công cụ của hòa bình; dân châu Phi cần biết đánh giá cao bản thân,… Tính chiến đấu cho ấm no, tự do, công bằng, nhân phẩm và dân chủ của sáng tác của ông đạt tới tột đỉnh. Vì vậy, ông từng bị chính quyền bỏ tù, không ít tác phẩm bị cấm, một nhà hát dựng một vở kịch “nhạy cảm” của ông bị san trụi… Ông phải tha hương gần như vĩnh cửu. Năm 2004, ông cùng vợ trở về tổ quốc sau 22 năm xa xứ. Mấy hôm thôi, một đêm khuya, ông bà bừng tỉnh vì nhà bị bốn kẻ lăm lăm vũ khí đột nhập. Chúng hãm hiếp vợ ông ngay trước mắt ông. Chúng đánh đập và đốt mặt ông, khi ông định tự vệ… Chuyện hy hữu, năm nào cũng vậy, Nobel văn chương vừa được công bố, thế nào cũng đã có nhà báo tới thăm ông, và buồn rầu cho ông biết là ông vẫn trượt giải. Dù giải đó, ông không mấy mặn mà. Năm 2012, trong Hồi ký của mình, ông bày tỏ lòng ngưỡng vọng vô bờ bến đối với văn học Pháp, nhất là với Louis – Ferdinad Céline (1894 - 1961), tác giả của Đi xuyên đêm tới sáng, tác phẩm phản biện xã hội số một – Ông dự kiến dịch toàn bộ tác phẩm của Celine ra tiếng mẹ đẻ của mình. Có lẽ Thiong’o không biết, LF.Céline ủng hộ tội diệt chủng do thái, thậm chí ủng hộ Hitler! Ấy là lý do, Céline bị loại khỏi Nobel văn học. Đã thành thông lệ, Nobel văn chương không vinh danh những cây bút thân gần hoặc tán thành các nhà độc tài. Tôn sùng Céline, khác nào tán thành tội ác hủy hoại nhân loại của trùm phát xít Đức! Và Thiong’o thế là bị Nobel gạt đi.
Công chúng văn học hành tinh không thất vọng: châu Phi năm nay được Nobel “công kênh” trong ngỡ ngàng xúc động hiếm thấy. Ngày 7/10 vừa qua, khi được Viện hàn lâm Thụy Điển thông báo mình trúng giải, chính nhà văn kiêm nhà sư phạm và nhà xây dựng quyết sách chính trị (Anh quốc gốc) Tanzania Aldulrazak Gurnah, 73 tuổi, cũng sửng sốt, đáp ngay rằng ông chưa hề nghĩ mình xứng đáng với Nobel… và đây là một trò đùa (?!). Các nhà xuất bản từng hoặc đang phát hành sách của ông, ngay cả nhà xuất bản Thụy Điển Henrik Celander, gần như tá hỏa trước các nhà báo “căn vặn”. Hàng chục trang “Ăn thua Nobel” khắp nơi, sừng sỏ nhất là Ladbrokes của Quốc đảo sương mù, bắt đầu tự chế giễu: trong nửa tháng đồn đoán người đoạt giải, không trang nào ghi tên Gurnah! Giới chuyên môn văn hóa và văn học thì điềm tĩnh. Một đôi giờ sau khi Nobel văn chương 2021 có chủ, giới ấy lẻ tẻ lên tiếng: Viện hàn lâm Thụy Điển không lầm!... Thực ra, trung tâm sự nghiệp văn học và dấn thân của Aldulrazak Gurnah là chế độ thực dân và vấn nạn di cư – Di cư đang là vấn đề toàn cầu nóng bỏng bậc nhất. Viện trên trao giải cho A.Gurnah “Vì (văn chương của ông) đào sâu tận cùng và phân tích một cách thẳng thắn và thấm thía những hệ quả của chế độ thực dân và thân phận người tị nạn bị kẹt hãm trong vực thẳm giữa các nền văn hóa và các lục địa”. Viện nhấn mạnh thêm: “Tác phẩm của ông rời xa những kiểu diễn đạt nhạt nhẽo tầm thường quen thuộc và mở cho chúng ta nhìn thấy một Đông Phi khác biệt về văn hóa, khu vực ít được biết đến hay biết đến sai lầm tại nhiều nơi trên thế giới”. Đột nhiên, khắp nơi nhắc lại sôi nổi một kiệt tác của ông, công bố 1994, tiểu thuyết Thiên đường. Tên sách là mỉa mai chua chát hiện thực được đề cập trong tác phẩm: Địa ngục trần gian. Ấy là chuyện một thanh niên da đen bị bố mẹ gán nợ (dưới vỏ bọc con nuôi) cho một tay trùm buôn đường dài (dưới danh nghĩa cậu ruột). Cậu bị biến thành một nô lệ trá hình: chở hàng, thường là hàng lậu, dấn thân vào rừng rậm đầy rủi ro nguy hiểm; làm trò trêu chọc giải trí cho cánh lớn tuổi hơn cùng làm – thường cũng là con tin gá nợ; thành nô lệ tình dục căng thẳng cho bà chủ, một người phụ nữ góa chồng giàu sụ - khối của cải đồ sộ của mụ khiến mụ thành vợ của ông trùm… Cậu tìm lối thoát bằng cách làm lính đánh thuê cho người Đức, bấy giờ tranh giành thuộc địa với người Anh… Thế tức cậu lại chui vào một địa ngục trần gian khác… Địa ngục ấy do con người, thậm chí người ruột thịt dựng nên, vô tình khiến cho những người yếu thế, trong đó có con cháu của họ, phải tị nạn ngay trên quê hương mình.
Không trải nghiệm thực sự, không thể viết được chân thật đến thế. Sinh ra ở một đảo ngoài biển, giờ thuộc Tanzania, năm 18 tuổi, Abdulrazak Gurnah sang Anh tị nạn để thoát nguy cơ bị giết ở quê, vì chủ nghĩa khủng bố hoành hành. Ở Anh, ông lao vào học tập, trở thành một giáo sư đại học. Tiểu thuyết đầu tay ra đời năm 1987. Tới nay, ông đã công bố 10 tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn và nghiên cứu phê bình. Đáng chú ý, ông bỏ nhiều công sức nghiên cứu và giới thiệu Ngugi wa Thiong’o, bậc tiền bối chắc chắn ông tiếp thu được nhiều bài học quý báu, về văn chương, về cảm nhận nhân tình thế thái. Những tưởng Thiong’o sẽ được tặng Nobel văn học. Song thực tế, trò đã thắng thầy! Năm nay, những phiên họp kín trao đổi về năm người chung kết Nobel văn học của Viện hàn lâm Thụy Điển đã không bị rò rỉ. Trong mấy tháng liền, các viện sỹ đọc tác phẩm của năm cây bút, trong đó có A.Gurnah và tiểu thuyết Thiên đường của ông. Như vừa đề cập bên trên, cuốn sách khắc họa chính xác chân dung một lớp trẻ châu Phi thường xuyên bị đe dọa bởi lợi ích luôn thay đổi của các ông to bà lớn, bởi những thăng trầm của các chế độ chính trị, bởi những đảo lộn của thời cuộc. Sự thật phũ phàng ấy là nguyên nhân chủ yếu của di dân và tị nạn. Thảm họa này sẽ được hóa giải nếu những phi lý ấy bị xóa bỏ. Việc xóa bỏ này nhất định còn lâu dài… Không dừng ở sự thật vừa nêu, từ nhiều năm qua, Abdulrazak Gurnah liên tiếp nhắc lại sự thật: nhìn tổng thể, dân di cư không kém cỏi, đáng thương hại; họ đến với thế giới Âu Mỹ, không phải với hai bàn tay trắng; họ là một nguồn của cải cần được khai thác khoa học. Không hiểu cựu thủ tưởng Đức Agela Merkel có biết tới ý tưởng này không, nhưng bà đã xử lý thỏa đáng vấn đề di dân và tị nạn. Như vậy, Abdulrazak Gurnah đã và đang dấn thân ở tầm cao nhất: tư tưởng đúng sẽ đưa tới hành động đúng. Ông xứng đáng với Nobel văn học. Là cây bút châu Phi thứ năm, nhà văn da đen thứ hai của châu lục đạt vinh quang cao quý nhất này, ông đem về cho nhân dân Tanzania và châu Phi niềm niềm kiêu hãnh trọn vẹn.
Điều bất ngờ nữa, Nobel văn học năm nay không gây eo xèo trước và sau khi giải được công bố như nhiều giải trước. Dù vậy, thật tiếc cho Viện hàn lâm Thụy Điển. Peter Handke, nhà văn Áo nổi danh vì miêu tả nhói lòng những thống khổ của con người hiện đại, từng bị chê bai nhiều (Viện hàn lâm Thụy Điển bị phản đối) nhân dịp ông trúng giải năm 2019. Ấy là vì năm 2006, khi cựu tổng thống Séc Sloboda Milosevic (1941 – 2006) chết trong tù, ông đã tới viếng tên tội phạm đặc biệt này. Không những không dập tắt mà còn khiến dữ dội hơn cuộc nội chiến khi nước Nam Tư cũ phân rã, Milosevic bị quân Liên hiệp quốc bắt và xét xử về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng. Tại đám tang đó, Peter Handke công khai phủ nhận tội ác của nhà độc tài. Năm nay, hồi tháng năm, ông đã tới thăm thủ đô của Séc, rồi tới Visegrad, nơi từng có 200.000 dân vô tội bị các lực lượng của Milosevic sát hại năm 1992, để nhận “Giải thưởng văn học Ivo Andric” của nước này. Ivo Andric (1892 – 1975) là cây bút lừng lẫy của Nam Tư cũ, mà tác phẩm được dịch nhiều nhất, đoạt Nobel văn học 1961, với tiểu thuyết Cầu trên sông Drina. Việc Handke không từ chối giải Ivo Andric chứng tỏ ông vẫn ủng hộ mưu đồ tái lập Nam Tư với chế độ độc tài như Milosevic và một số người hiện nay ấp ủ. Điều đó ngược lại với ý tưởng của Nobel văn học…