Anh Nguyễn Đức Long, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Đầu năm 2022, trong một lần quá chén, tôi tự đâm vào lề đường. Sau giây phút choáng váng vì sợ hãi, cơn đau nhói buốt lan dần trong tâm trí. Tôi cố gượng đứng lên mà không được, chỉ ngơ ngác nhìn những người xung quanh cầu cứu. May thay, một người biết số điện thoại đã gọi đội sơ cứu Fas Angel. Chừng 5 phút sau, hai bạn trẻ của đội đã xuất hiện, giúp nẹp bên chân bị gãy rồi tôi đưa vào bệnh viện”.
Anh Nguyễn Đức Long cho biết, hai thành viên của đội Fas Angel băng bó vết thương cho anh rất ân cần, nhẹ nhàng và chuyên nghiệp như nhân viên y tế thực thụ. Điều bất ngờ nhất là họ tự nguyện giúp đỡ miễn phí, không nhận gì ngoài lời cảm ơn của anh và gia đình.
Tương tự là trường hợp anh Lê Văn Hùng, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, điều khiển xe máy tự đâm vào dải phân cách, bị thương khắp người. “Tôi vừa ngã thì có một anh xe ôm công nghệ đi qua hỏi han rồi gọi đội Fas Angel đến giúp. Sự ân cần cũng như hành động dứt khoát, nhanh chóng của đội Fas Angel đã ngay lập tức trấn an tôi” - anh Lê Văn Hùng kể.
Nhiều nạn nhân bị tai nạn giao thông được đội Fas Angel hỗ trợ cho biết, người giúp họ gọi trợ giúp thường là tài xế xe ôm công nghệ. Lý do cánh tài xế này biết đến đội Fas Angel bởi người Đội trưởng Phạm Quốc Việt là đồng nghiệp của họ.
Anh Phạm Quốc Việt (34 tuổi), quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nghề nghiệp chính là “xe ôm công nghệ”. Người sáng lập đội Fas Angel chia sẻ, năm 2016, anh bị tai nạn giao thông rất nặng, khi nằm bẹp trên đường, dù rất nhiều người vây xung quanh nhưng sợ anh đã chết, không ai dám lại gần. “Phải đến khi tôi cố gắng giơ cánh tay ra hiệu xin giúp đỡ mới có người gọi xe cấp cứu. Qua lần đó, tôi hiểu hơn ai hết sự cô độc, bất lực và nỗi sợ hãi của những người bị tai nạn giao thông” - anh Phạm Quốc Việt kể.
Thoát “cửa tử”, anh luôn tâm niệm phải làm hết sức mình để hỗ trợ những người gặp rủi ro tương tự.
Mỗi khi gặp người bị tai nạn giao thông là anh lại lao vào giúp. Chính vì quá để tâm lo “chuyện bao đồng”, anh đã đánh mất việc làm với mức lương đáng mơ ước.
Đó là vào cuối năm 2017, trên đường đến công ty tham dự một cuộc họp quan trọng với đối tác nước ngoài, vì hỗ trợ nạn nhân một vụ tai nạn giao thông nên anh muộn họp và bị lãnh đạo công ty phê bình rất nặng. “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều rồi đi đến quyết định nghỉ việc để đi làm xe ôm công nghệ. Tôi lựa chọn làm xe ôm là vì hàng ngày vừa có thể kiếm sống, vừa có thể hỗ trợ được những người bị tai nạn. Số tiền dành dụm được cũng mang đi mua vật dụng y tế phục vụ sơ cứu" - anh Phạm Quốc Việt tâm sự.
Ngày ngày, rong ruổi trên những nẻo đường phố thị, đã giúp được bao nhiêu người gặp tai nạn giao thông, bản thân anh Phạm Quốc Việt cũng không còn nhớ. Nhưng ngọn lửa nhiệt huyết của người đàn ông trầm ấm ấy đã truyền sang biết bao thanh niên khác. Giữa năm 2019, “Biệt đội” Fast Angel chuyên sơ cứu, hỗ trợ miễn phí nạn nhân bị tai nạn giao thông trên đường phố Hà Nội ra đời. Đến nay đội đã có 40 thành viên chính thức và hơn 100 cộng tác viên thường xuyên.
Muốn làm được nhiều hơn nữa
Mỗi ngày, từ khi hoàng hôn phủ bóng tối xuống mọi nẻo đường, cho đến lúc bình minh đánh thức cả đô thành, các thành viên của Fas Angel lại tự nguyện cắm chốt, túc trực trên hè phố, chờ đợi những cuộc gọi để lao đi, quên mình vì các nạn nhân tai nạn giao thông.
Ban ngày họ là những tài xế xe ôm, sinh viên, công nhân, cán bộ… làm việc chăm chỉ để có cuộc sống bình dị. Đêm đến họ hoá thân thành những "thiên thần lặng lẽ" chẳng cần ai trả một xu tiền công, cũng chẳng mong chờ những lời tung hô hoà nhoáng.
Anh Phạm Quốc Việt cho biết: “Kinh phí hoạt động ban đầu do cả đội tự đóng góp, sau này còn được hỗ trợ từ những mạnh thường quân ẩn danh. Tài sản chung lớn nhất của chúng tôi là một chiếc xe ô tô, được ủng hộ để vận chuyển nạn nhân bị chấn thương nặng”.
Anh Vũ Vạn Phước 27 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - một thành viên của Fast Angel - cho biết: “Tôi gặp anh Việt khi xin vào làm xe ôm công nghệ cùng hãng. Biết anh thường rong ruổi mỗi ngày để tìm kiếm, trợ giúp người gặp tai nạn giao thông, tôi đã ngỏ lời được cùng tham gia”.
Hiện anh Vũ Vạn Phước đã trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, có việc làm và cuộc sống ổn định nhưng đêm đến anh vẫn khoác lên mình màu áo Fast Angel, cùng các đồng đội duy trì khoảng 10 chốt trực trên địa bàn Hà Nội, luôn sẵn sàng đến với người bị nạn nhanh nhất.
Anh Vũ Vạn Phước cho biết thêm, thông thường khi nhận đề nghị hỗ trợ, thành viên Fast Angel sẽ kết nối cuộc gọi video để người có mặt tại hiện trường gửi hình ảnh nạn nhân. Sau khi đánh giá sơ bộ chấn thương, đội sẽ lựa chọn phương pháp sơ cứu phù hợp. Với những ca nặng, vừa nhanh chóng đến hiện trường, Đội vừa liên lạc với bệnh viện gần nhất để thông báo và đề nghị tiếp nhận nạn nhân.
Hơn 3 năm làm công việc tình nguyện này, anh Vũ Vạn Phước cùng đồng đội cũng gặp không ít tình huống dở khóc dở cười. “Có lúc đang sơ cứu cho người bị nạn, nhiều người xung quanh không hiểu chuyện lại chửi bới, lên án chúng tôi với lời lẽ không hay. Có lần anh em còn bị người nhà nạn nhân đánh tới tấp vì tưởng mình là người gây tai nạn” - anh Vũ Vạn Phước kể.
Chị Nguyễn Thị Mai 20 tuổi, sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội cho biết: “Trong một lần bị tai nạn giao thông, ngất lịm trên đường, tôi được đội Fas Angel hỗ trợ kịp thời, sơ cứu rồi đưa vào bệnh viện. Được truyền cảm hứng từ câu chuyện may mắn của chính mình, tôi đã nộp đơn tham gia nhóm tình nguyện Fas Angel. Sau một thời gian được đào tạo kiến thức sơ cứu cơ bản, tôi được nhận vào đội”.
Được tham gia cùng đội Fast Angel hỗ trợ người gặp nạn một thời gian, chị Nguyễn Thị Mai đã bản lĩnh hơn, trưởng thành hơn rất nhiều. Những nỗi sợ của một cô gái 20 tuổi như: Sợ máu, sợ vết thương hở, sợ đêm tối, mưa giông, sấm sét… đã dần biến mất. Mỗi đêm dù phải ngủ gục trên vỉa hè hay dầm mình trong mưa rét, các thành viên của Fast Angel chưa khi nào than thở hay rời đi bởi khó khăn, vất vả.
Anh Phạm Quốc Việt nói: “Chúng tôi luôn mong muốn làm được nhiều hơn nữa cho cộng đồng, nhưng thực lực của đội hiện còn nhiều hạn chế. Toàn đội chỉ mong có một trạm cứu hộ tại Hà Nội để tập trung khi trực chờ các cuộc gọi cấp cứu. Hơn nữa, chúng tôi đều là những người lao động bình thường, nguồn lực có hạn, rất cần sự chia sẻ, đồng hành của cả cộng đồng”.