Những mảnh ký ức

Nguyễn Hữu Quý| 07/06/2017 14:43

Với nhiều người lính, ký ức về những tháng năm quân ngũ là kho tài sản tinh thần vô giá của họ. Ai đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, cùng đồng đội nếm mật nằm gai, ranh giới sinh tử mỏng manh trong gang tấc thì càng trân trọng, nâng niu những mảnh hồi ức của mình. Được sống để trở về nơi mình đã ra đi, gặp lại người thân yêu là hạnh phúc lớn lao đầy cảm động của mỗi người lính. Tuy nhiên, không phải người lính nào cũng có được niềm vui đó. Bao nhiêu người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấ

Khi tôi bộc bạch điều này với Trung tướng Phùng Khắc Đăng nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã nhận được sự đồng tình của ông. “Ký ức chiến tranh là phần đậm nét nhất trong nỗi nhớ của mình”. Ông thổ lộ: “Mình đã tham gia nhiều chiến dịch như Xuân 1968, 1972, giải phóng thị xã Tam Kỳ, chiến dịch giải phóng thành phố Đà Nẵng, giải phóng Campuchia với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ ở nhiều mặt trận ác liệt. Mình đã làm một lèo 11 năm đánh Mỹ không được về nhà một lần và sau đó thêm 4 năm nữa bám trụ ở Campuchia.” 

Phùng Khắc Đăng vào bộ đội tháng 5 năm 1965. Lúc bấy giờ, chiến tranh chưa lan rộng ra toàn miền Bắc nhưng đất nước Việt Nam đã bị chia cắt hai miền ở sông Bến Hải, Quảng Trị từ năm 1954 rồi. Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê… Những câu hát da diết của thời đất nước chia đôi đó dội vào tâm hồn lớp trẻ đang sống trên miền Bắc hòa bình trong đó có Phùng Khắc Đăng. Từ một thanh niên xung phong đi xây dựng công trình đập Suối Hai, sau đó chuyển về làm công nhân ở Xí nghiệp mộc xẻ Sơn Tây, chàng trai Phùng Khắc Đăng trở thành người lính Cụ Hồ. Chia tay gia đình, Phùng Khắc Đăng nhớ nhất hình ảnh của bố sức khỏe không tốt với một đàn em nhỏ, nhưng lại rất cương nghị khi tiễn con đi.

Những mảnh ký ức
Trung tướng Phùng Khắc Đăng trao tặng “Kỷ niệm chương Cựu chiến binh Việt Nam” cho đồng chí Đinh Tiến Dũng,
Bộ trưởng Bộ Tài chính (năm 2014)
Chỉ sau 5 tháng vất vả trên thao trường, tháng 10 năm 1965, Phùng Khắc Đăng đã cùng đơn vị hành quân vào Nam. Thời đó, người ta dùng mật danh là đi B. Tờ mờ sáng ngày 5 tháng 11 năm đó, 20 người lính trinh sát của đơn vị tên lửa mặt đất do Đại úy Tiểu đoàn phó Nguyễn Duy Trác quê ở Huế và Đại úy Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Cung quê ở Quảng Trị chỉ huy lội qua thượng nguồn sông Bến Hải để vào Nam. Phùng Khắc Đăng là một trong 20 người lính vượt sông Bến Hải hôm đó. 

Vào một buổi chiều tháng 12 năm 1965, Đại úy Nguyễn Duy Trác, Tiểu đoàn phó giao nhiệm vụ cho Trung đội cử các Tiểu đội trinh sát đi luyện tập gắn với các mục tiêu có thật. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng Nguyễn Duy Chiến và Tiểu đội trưởng Nguyễn Duy Hưng các anh đi xuyên rừng già gần ba tiếng đồng hồ mới ra được bìa rừng. Những đồi sim mua lúp xúp xen lẫn cỏ tranh hiện ra trước mắt các chiến sĩ. Trời ngả về chiều, nắng đổ vàng hoe trên các quả đồi. Bỗng có một chiếc máy bay HU1A của địch bay đến. Nó lượn vòng tròn trên đầu, thấp đến mức thấy rõ thằng bắn súng đại liên ngồi bên cửa lên xuống. Mấy chàng trinh sát thấy ngon ăn quá, giương AK47 quất luôn một loạt. Thằng HU1A nhào xuống. “Rơi rồi! Hoan hô! Hoan hô!”. Cả tốp lính ta vui mừng, nhảy cẫng lên hò reo. Chiếc máy bay lại cất lên cao rồi bay thẳng. Lính nhà mình châng hẫng trông theo. Không phải đợi lâu, chỉ mấy phút sau một tốp năm sáu chiếc HU1A bay đến dàn hàng ngang đồng loạt xả súng và rốc két xuống vùng đồi đinh tai nhức óc.  Cỏ tranh bốc lửa cháy ngùn ngụt. Có lẽ địch phán đoán Việt Cộng rút lui theo dòng suối nên chúng đã tập trung xả đạn xuống đây. 

Chúng bắn từ lúc 4 giờ chiều đến chập choạng tối lại còn gọi pháo cấp tập bồi thêm nữa. May mà năm anh em thoát chết. Ai cũng tưởng mình hành động đúng, thể hiện tinh thần tiến công giặc Mỹ cao nên khi về hậu cứ Tiểu đội trưởng Nguyễn Duy Chiến đã hí hửng lên báo cáo với thủ trưởng đơn vị. Nào ngờ bị quạt cho một trận là vô kỷ luật, làm lộ bí mật quân sự. Bài học đầu tiên ở chiến trường cay đắng thật. Tuy vậy còn “hên” chán, nếu có ai đó bị “cắt hộ khẩu” thì chắc nỗi ân hận còn đeo đẳng đến suốt đời.
Tháng 10 năm 1970. Sau khi làm nhiệm vụ trở về hậu cứ, bộ đội ta chịu đựng nhiều khó khăn vất vả. Đói và bệnh sốt rét là nỗi ám ảnh khủng khiếp với anh em ta lúc này. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ ở Trung đoàn 575 mắc bệnh sốt rét. Phùng Khắc Đăng lúc bấy giờ là Chính trị viên Đại đội 11 cũng bị sốt rét nặng. Để đối phó với địch và nhằm bảo đảm an toàn cho những người bị ốm yếu, Trung đoàn quyết định cho các đồng chí này lui về phía sau. Cả thảy có 35 đồng chí ở nhiều đơn vị khác nhau gom lại nên phần đông chưa hiểu nhau mấy. Cấp trên giao Phùng Khắc Đăng trực tiếp chỉ huy đội quân này.  

Qua một ngày hành quân, đơn vị xa dần vùng giáp ranh đến vùng núi phía tây Hòa Vang. Phùng Khắc Đăng quyết định dừng lại tìm một hang đá cho anh em trú chân an toàn. Nào ngờ, mới đến chiều hôm trước sáng ngày hôm sau vùng núi này đã bị máy bay địch đến dội bom ầm ầm. Cả một vùng rừng núi như bị xô đẩy bởi sóng xung kích của bom giặc, cây cối đất đá đổ rào rào, khói bụi bay mù mịt. Chín giờ sáng, hai tiểu đoàn Mỹ - Ngụy hùng hổ đổ quân xuống. Không biết do bị lộ hay do kế hoạch hành quân tìm diệt lực lượng ta và càn quét căn cứ của quân địch trùng hợp một cách ngẫu nhiên. Tình huống quá hiểm nghèo. Đơn vị bị bao vây trong núi đá. Những chiến sĩ ốm yếu, có người bị sốt rét nặng lê chân không nổi nằm rên hừ hừ như các đồng chí Lư, Huy… trên mình mỗi người chỉ có một khẩu AK và hai băng đạn xác định với nhau sống chết cũng phải chiến đấu với địch. Tuy nhiên, khi địch chưa phát hiện ra đơn vị thì ta phải tìm đường bí mật rút lui và chỉ để lại một số đồng chí chặn giặc. Không kịp đào công sự, chiến sĩ ta mỗi người một súng ngồi tựa gốc cây chờ giặc đến. 

Một mũi chặn địch do Nguyễn Duy Toản, bạn học ở quê với Phùng Khắc Đăng và hai người nữa. Toản ở Đại đội 10 đảm nhận. Bọn ngụy tràn lên, ta nổ súng, có tiếng la hét thất thanh của địch. Cuộc chiến giằng co, dai dẳng do địch ỉ thế đông, tiến nhanh. Với quân ta đây là tình thế hết sức nguy hiểm, một mất một còn. Chẳng hiểu vì sao sau cú bị đánh phủ đầu đó, địch không tấn công nữa. Nhưng bọn chúng lại điều máy bay đến ném bom dữ dội. Gần trưa, không gian yên ắng lạ thường. Bộ binh địch chắc đang củng cố lại đội hình và máy bay cũng không oanh tạc nữa. 

Thời cơ di chuyển thuận lợi, Phùng Khắc Đăng cùng với chiến sĩ Nhữ Đình Quý nhẹ nhàng tiếp cận các chốt chiến đấu. Lên chốt Toản, anh thấy chỉ còn hai chiến sĩ. Toản bị thương ở ngực nằm ngửa, thoi thóp bên một góc cây. Đồng chí khác bị chết trong tư thế ôm súng tựa vào gốc cây rừng. Các anh vội băng bó cho Toản. Phùng Khắc Đăng cầm tay bạn lay nhẹ: “Toản ơi, cố gắng sống để về quê… Đừng chết nhé…”. Toản mấp máy môi nhưng không nói được câu gì, rồi tắt thở luôn. Phùng Khắc Đăng cúi xuống ôm bạn, cố kìm không khóc mà nước mắt vẫn cứ ứa ra mặn chát. Những hình ảnh thời học trò ùa về, nhức nhối. Nguyễn Duy Toản và Phùng Khắc Đăng là bạn học cấp hai với nhau. Anh Toản học lớp 7A, còn anh Đăng học lớp 7B. Anh Toản viết chữ đẹp, đá bóng giỏi và rất vui tính. Nhập ngũ cùng đợt với Phùng Khắc Đăng có ba người cùng học cấp hai với nhau. Đó là Phùng Khắc Đăng, Nguyễn Duy Toản ở xã Hữu Bằng và Đỗ Danh Đồng ở xã Đồng Bụt. Sau chiến tranh, chỉ có một người trở về, Đỗ Danh Đồng và Nguyễn Duy Toản đã hy sinh ở chiến trường. Chiến tranh, không phải là trò đùa. Bao nhiêu thanh niên ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc yêu dấu.

***
Khi trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trung tướng Phùng Khắc Đăng được giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo khối công tác tư tưởng, báo chí văn hóa, văn học nghệ thuật như tôi đã viết ở trên. Đây là mảng công việc mà trước Trung tướng Phùng Khắc Đăng thì Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Lê Hai đã đảm nhiệm. Một công việc rất cần ở người phụ trách sự bình tĩnh, thấu đáo và tinh tế. Bởi lẽ, sẽ tiếp xúc, làm việc với các văn nghệ sĩ trong quân đội, có không ít người nổi tiếng như Hồ Phương, Dũng Hà, Nam Hà, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân… Không phải lúc nào thì quan điểm của các văn nghệ sĩ cũng trùng khít với Thủ trưởng Tổng cục Chính trị. Trong một cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội, tác giả TL được ban giám khảo nhất trí đề nghị giải Nhất. Đọc tác phẩm, Trung tướng Phùng Khắc Đăng thấy nội dung còn xa rời với tiêu chí, mục đích cuộc thi đề ra và chưa thiết thực với bộ đội trong giai đoạn đó nên không nhất trí. Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phùng Khắc Đăng nêu ý kiến với Ban Phụ trách Tạp chí và chỉ đồng ý truyện ngắn ấy xếp loại B cùng với một số tác giả khác. Đến dự lễ trao giải, Trung tướng gặp nữ tác giả TL nói rằng: “Xét về mặt nghệ thuật, anh rất thích truyện ngắn của em nhưng theo yêu cầu cuộc thi thì không thể xếp nó ở giải cao nhất được. Vì em biết đấy, mọi cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì trước hết phải ưu tiên cho việc viết về người lính, cho người lính, vì người lính”. Nhà văn TL tươi cười: “Em biết mà, các anh đã ứng xử đúng. Em cảm thấy rất vui với giải B truyện ngắn của Văn nghệ quân đội trong cuộc thi này”. Kể một mẩu chuyện như thế để thấy cách ứng xử vừa thẳng thắn, vừa tinh tế với các văn nghệ sĩ của các người lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa văn nghệ cần thiết biết bao. 

Về với đời thường nhưng với Trung tướng Phùng Khắc Đăng những ký ức trong đời quân ngũ vẫn rất sâu đậm. Ông luôn nghĩ rằng mỗi việc tốt mình làm hôm nay cũng là để cho đồng đội đã hy sinh. Đừng bao giờ lãng quên những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc, vì hòa bình thống nhất của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Tôi hiểu vì sao những mảnh ký ức của Trung tướng Phùng Khắc Đăng lại luôn luôn xuất hiện hình ảnh của đồng chí, đồng bào. Những con người bình thường như anh Toản, anh Đồng đã nói với chúng ta rất nhiều điều về một thế hệ anh hùng của những năm tháng chiến tranh khốc liệt. 
(0) Bình luận
  • Cô gái Thái và hoa ban trắng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cô gái Thái và hoa ban trắng của tác giả Tạ Văn Hoạt.
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Cảm tác Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cảm tác Điện Biên của tác giả Trần Quang Bình.
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
    Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
  • Độc đáo “ngõ cổng vòm” giữa lòng Thủ đô
    Thời gian gần đây, ngách 5/1 phố Từ Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) trở thành một địa điểm check-in, chụp hình quen thuộc của người dân Thủ đô. Với lối kiến trúc mộc mạc, con ngách đã trở thành một “góc xưa” giữa Thủ đô hiện đại.
  • Triển lãm "Hào khí Điện Biên - Một thiên sử vàng"
    Tư liệu, hình ảnh được tập trung vào 3 phần, gồm: “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, “Cuộc chiến 56 ngày đêm chấn động địa cầu”, “Quảng Nam - Đà Nẵng chia lửa cùng Điện Biên”.
  • Điểm mặt các anh tài hàng đầu thế giới tham gia cuộc thi “Phương án kiến trúc Tháp 108 tầng” tại Việt Nam
    Theo thông tin từ Ban tổ chức Cuộc thi “Phương án kiến trúc Tháp 108 tầng” thuộc dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, 4 đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới tham gia cuộc thi gồm có: Skidmore, Owings & Merrill, Gensler, Farrells và Pelli Clarke & Partners. Đây đều là các công ty hàng đầu thế giới tạo nên những tuyệt phẩm kiến trúc cao nhất và nổi bật nhất trên thế giới.
  • Hà Nội mùa đông lịch sử
    Đêm Hà Nội những ngày tháng 12, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở mức 7-8 độ C, tôi trằn trọc trở mình trong chăn đệm êm ấm, rưng rưng lắng nghe những ca từ xúc động trong bài hát “Cảm xúc tháng Mười” vang lên từ ngôi nhà kế bên. Ngoài kia gió rít từng cơn thổn thức, những cảm xúc nghẹn ngào thôi thúc tôi dậy mở máy tính, xem lại những thước phim tư liệu về 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô của Hà Nội năm 1946. Từ hiện tại bình yên, tôi đã được trở về với mùa đông lịch sử của thành Rồng - một mùa đông giá buốt nhưng rực lửa.
Đừng bỏ lỡ
Những mảnh ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO