Tập hồi ký “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” vừa được NXB Phụ nữ Việt Nam giới thiệu tới bạn đọc Ký ức chiến tranh từ vùng đất lửa
Trong trang đầu cuốn sách, kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê nhắc tới buổi tham quan của gia đình ông tại Bảo tàng Không lực Hoàng gia Anh ở London năm 1995 và nói rằng buổi tham quan ấy đã “châm ngòi” cho một loạt hồi ức về những trận ném bom ác liệt và một tuổi thơ đầy biến cố ở Đồng Hới và các địa danh khác ở Quảng Bình. Tuy nhiên, phải đến năm 2010 ông mới bắt đầu những trang viết về hồi ức năm xưa với tâm niệm giản đơn rằng đó là cách để ông trò chuyện với các cháu nội, ngoại của mình, về những năm tháng trong chiến tranh và con đường đi tìm kiến thức của các thế hệ đi trước để trở thành những người có ích trong lĩnh vực mà mình đã chọn. Nhưng rồi, câu chuyện đã trở nên rộng lớn hơn và có dịp chia sẻ với bạn bè, tác giả đã nhận được những nhận xét đầy can dự, cảm thông và khuyến khích.
Vậy nên, khi NXB Phụ nữ Việt Nam đề xuất mua bản quyền bản thảo để xuất bản thành sách vì nhận thấy giá trị của những dòng hồi tưởng đó, cả ở khía cạnh lịch sử của đất nước nói chung, của ngành kiến trúc nước nhà nói riêng thì ông đã nhận lời.
Câu chuyện cuộc đời đầy biến động của tác giả kể từ khi là một cậu bé nhỏ tuổi sống trong vùng đất lửa Quảng Bình, rồi theo cha ra Thủ đô, sau đó trở thành du học sinh của trường Đại học Xây dựng Kiev (Ukraine), nghiên cứu sinh ở Bangkok (Thái Lan), London (Anh) và cho đến hôm nay gói trọn trong gần 600 trang sách. Những ám ảnh không dễ nguôi quên ở thị xã nhỏ ven dòng sông Nhật Lệ thuở còn thơ ấu lần lượt tái hiện trong những trang viết. Nào những trận bom oanh tạc của không quân Mỹ, nào những thấp thỏm lo âu trong căn hầm trú ẩn; nào chuyến đi bộ trong đêm sơ tán về ngoại vi Đồng Hới để tránh bom; nào những kỷ niệm với các bạn đồng trang lứa; nào những chuyến đi rừng lấy củi; rồi cuộc sống hằng ngày ở vùng thôn dã trong những năm chiến tranh khói lửa.
Chiến tranh qua con mắt của cậu bé Hoàng Hữu Phê là hình ảnh của anh kỹ sư trẻ tuổi chỉ kịp “đưa được nửa người vào chiếc hầm nửa nổi nửa chìm ngay trước sân nhà trước khi ngã xuống vì một quả rocket 70 mm, từ thắt lưng xuống chân gần như nát nhừ”; là sự tức tối bất lực khi kinh hãi nhận ra trong ánh sáng của “ngọn lửa đỏ khé phừng phừng” túa ra từ hai chái nhà bị cháy vì bom là một cậu bé, chỉ bé hơn mình một hai tuổi, đang nằm chết, với một tay như đang cố giữ ống bơ con chứa ngô rang đeo ở thắt lưng... Qua những ký ức của tác giả, người đọc phần nào hình dung được sự khốc liệt, những đau thương, mất mát mà người dân nơi đây phải gánh chịu trong suốt những năm chiến tranh phá hoại.
Và không chỉ có bom rơi, đạn nổ hay mất mát, đau thương, ký ức tuổi thơ của tác giả còn đậm sâu đức hi sinh, tình yêu thương, đùm bọc, chở che và nghị lực của những con người nơi quê nghèo đất Quảng Bình. Người đọc hẳn sẽ không quên những trang viết về ngoại - người mà Hoàng Hữu Phê coi như nguồn cảm hứng vô tận về “hiện thực huyền bí” của dải đất miền Trung: “Cả mấy anh em tôi, từ anh Kháng trở xuống, ai cũng lớn lên trong vòng tay của bà ngoại tôi. Ông ngoại tôi mất từ khi bà mới chỉ hơn hai mươi tuổi, và với một đứa con gái duy nhất là mẹ tôi, bà tôi từ một người đàn bà cố đô Huế đài các, chỉ biết có mỗi một nghề duy nhất là đánh bạc cho hết tiền của ông chồng Tôn thất vốn là Trưởng ga hỏa xa ở Minh Lễ, đã làm một cuộc hành trình dài theo con, suốt những năm mẹ tôi làm dâu tại một vùng hẻo lánh của Quảng Bình, xuyên qua chín năm kháng chiến chống Pháp với những chuyến tản cư và chạy giặc hú tim, cho đến khi trở thành bà ngoại lưng còng tóc bạc của một lũ cháu, tuy phải lớn lên trong nhiều kham khổ và đói khát cả ở Đồng Hới, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội, nhưng chưa bao giờ phải thiếu những nụ cười hồn hậu, lòng hiền từ đáng kinh ngạc và một tinh thần lạc quan không gì lay chuyển nổi của bà”.
Trong ký ức của Hoàng Hữu Phê, những câu hò Huế, những câu lục bát lời cổ “đẹp như tấm lụa tơ tằm lê thê, ướt đẫm những nỗi buồn xa vắng” trong lời ru của ngoại hay những câu chuyện “bất ngờ và kỳ thú” của ngoại kể ngày nào “đã là lớp lăng kính nhiều màu độc nhất vô nhị, đặt giữa tôi và dòng đời luôn luôn lạ lẫm tuôn chảy bên ngoài vòng tay của bà”. Bên cạnh những hồi ức về ngoại, những hồi ức về mẹ, về cha, về người anh là chiến sĩ đặc công nước hy sinh ở chiến trường B... cũng khiến cho những trang viết thêm ấm áp, lấp lánh niềm tin yêu. Với Hoàng Hữu Phê, vùng đất Quảng Bình, những nơi chốn thân thuộc bên dãy Trường Sơn hùng vĩ đã là một phần của tuổi thơ, “nhọc nhằn và kỳ lạ, đau đớn và nuối tiếc và đôi khi cũng tràn ngập niềm vui khám phá”.
Tuổi hoa niên và những “miền đất mới”
Rời thị xã Đồng Hới bom đạn bời bời, cùng ngoại và các em theo cha đi sơ tán ở Hưng Yên rồi gắn bó với Hà Nội, đó là một khoảng thời gian không dài nhưng đủ để neo trong ký ức tác giả những hình ảnh đẹp đẽ về những miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả một Hà Nội xưa cũ. Hoàng Hữu Phê dành nhiều trang viết về Hà Nội, có lẽ cũng thật dễ hiểu vì nơi ấy in dấu những kỷ niệm thuở hoa niên vô cùng đẹp đẽ của ông. Viết về Hà Nội, ông không quên nhắc đến khu tập thể trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm - nơi từ cửa sổ căn hộ tầng hai mà ba ông được phân phối ông có thể phóng tầm mắt nhìn ra cánh đồng phía Nghĩa Đô; nhắc đến những kỷ niệm về mái trường cấp III Yên Hòa - nơi ông từng theo học; nhắc đến những toa tàu điện xình xịch chạy dọc tuyến Cầu Giấy - Bờ Hồ; rồi cả hồ Tây, hồ Trúc Bạch - nơi ông lần đầu hò hẹn. Ông cũng không quên những người thầy đã “truyền lửa” để những người học trò như ông thêm vững tin vào bản thân, vào tương lai...; có thêm góc nhìn về “những gì là Hà Nội gốc”.
Và không dừng lại ở mảnh đất Hà thành, “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” còn là những hồi ức tươi đẹp của tác giả về những năm tháng học tập, nghiên cứu nơi xứ người. Hồi tưởng về những năm tháng tuổi đôi mươi gắn bó với Đại học Xây dựng Kiev, Hoàng Hữu Phê không quên nhớ về những bà giáo, ông giáo người Nga đôn hậu; những bài tập thiết kế đầu tiên; những đợt thực tập công trình; những chuyến đi bộ kiên nhẫn dọc theo đại lộ với giá vẽ trên vai; những ngày tháng căng thẳng nhưng cũng đầy phấn khích khi làm đồ án tốt nghiệp. Sau này khi trải nghiệm học tập ở Học viện Công nghệ châu Á (AIT) và Đại học Tổng hợp London (UCL), vẫn là Hoàng Hữu Phê tràn đầy ý chí, nghị lực. Vượt qua những rào cản ngôn ngữ, những cú shock văn hóa nơi xứ người bằng sự quyết tâm, học hỏi không ngừng, ông đã khẳng định được vị thế, chinh phục giới học thuật bằng những ý tưởng và kỹ năng nghiên cứu.
Từ một cậu bé đầu trần chân đất lang thang dưới chân cầu Mụ Kề, lớn lên trong bom đạn chiến tranh, trải qua những năm tháng học tập nơi xứ người, Hoàng Hữu Phê đã trở thành một kiến trúc sư, một nhà quy hoạch ghi được nhiều dấu ấn với nhiều công trình như: Rạp xiếc Trung ương tại Hà Nội, nhà học Đại học Cần Thơ, trụ sở Viện Dầu khí, các khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Bắc An Khánh (Splendora), đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà... và đặc biệt là những công trình nghiên cứu trong đó có nghiên cứu về Hà Nội 36 phố phường cùng với giáo sư người Nhật Bản Nishimura, nghiên cứu ứng dụng về nhà ở đô thị. Trong tập hồi ký này, bên những chặng đường đời, là những chuyện nghề với bao đam mê, trăn trở, suy tư của tác giả. Đó là câu chuyện bên lề cuộc thi kiến trúc và thiết kế rạp xiếc Trung ương Hà Nội, khách sạn Non Nước (Đà Nẵng), ý tưởng sơ khởi về Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính như sự đối mặt đầu tiên với thực tế của lý thuyết Vị thế - Chất lượng; chuyến đi tìm công nghệ xây dựng ở châu Âu... Và không thể không nói đến câu chuyện xung quanh gia đình nhỏ của ông - một gia đình mà như họa sĩ Đặng Thị Khuê ví von đó là một “gia đình của lịch sử, của toàn cầu”. Những câu chuyện dù đã trôi qua theo năm tháng nhưng vẫn khiến cho người đọc trân trọng hơn về nghị lực vượt qua khó khăn, trách nhiệm của công dân đối với dân tộc và trên hết là niềm đam mê, khát vọng cống hiến, nỗ lực vươn lên để hòa nhập với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Phía sau tập hồi ký, người đọc còn thấy được sức mạnh vô hình của tri thức, thấy một niềm tin vào tương lai Việt Nam...
Chia sẻ về cuốn sách, nhà thơ Đỗ Trung Lai nhận xét: “Tôi sẽ không viết gì về chuyên môn của anh nữa, một thứ mà tôi rõ ràng là kẻ ngoại đạo, tôi chỉ muốn giữ cho riêng tôi cái nhận xét rằng, chiến tranh, tình yêu xứ sở, trong đó có tình yêu đôi lứa - quyết tâm sắt đá trước những thử thách tưởng như không thể vượt qua trong đời - năng khiếu được biến thành năng lực do “hướng nội” mạnh mẽ, cùng với niềm say mê mạnh mẽ với văn học, nghệ thuật, đã tạo ra một Hoàng Hữu Phê đa diện, sôi nổi, thâm thúy, lãng tử mà tin cậy, ít nhất là với tôi, ngày từ những ngày mới gặp”. Còn TS. Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) thì cho rằng Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề không chỉ là hồi ký về một cuộc đời đó còn là những trang sử vô cùng sống động của Việt Nam trong nửa thế kỷ đặc biệt nhất. Có điều bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được những thông tin như vậy trong bất kỳ cuốn chính sử nào”.