Với lớp học mở trực tuyến Open Classroom, tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đều có thể tham gia lớp học trực tuyến với kho kiến thức khổng lồ, có tính tương tác cao, sống động. Anh Nguyễn Hữu Hải, người đồng sáng lập lớp học cho biết, Open Classroom là một nền tảng lớn bao gồm rất nhiều các ứng dụng giáo dục, được chia làm hai phần: Lý thuyết (gồm các bài học để học nhanh; các khóa học để học dài hạn ) và thực hành.
Trong đó, thực hành -Virtual Lab là nội dung quan trọng nhất của lớp học ứng dụng công nghệ thông tin này.Nó khác biệt các hệ thống giáo dục trực tuyến khác. Với Virtual Lab, học sinh có thể tự tay thực hiện các thí nghiệm, mô phỏng khoa học, từ những thí nghiệm đơn giản như con lắc hay điện phân nước, đến những điều gần như không thể thực hiện được trong thực tế hoặc quá nguy hiểm như phóng tàu vũ trụ, kích hoạt phản ứng hạt nhân hoặc phẫu thuật tim.
Anh Hải cho biết, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, lớp học Open Classroom áp dụng nhiều công nghệ mới nhất hiện nay: Mô hình giáo dục MOOC (khóa học trực tuyến đại chúng mở); dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo; internet vạn vật; thực tại ảo…
“Đặc biệt, Open Classroom có công nghệ “siêu máy tính nano” duy nhất trên thế giới. “Siêu máy tính nano” là một công nghệ mới cho phép tạo ra siêu máy tính từ các máy tính nano như Raspberry Pi; có thể giải các bài toán đạo hàm, tích phân, lượng giác, số phức, ... trong vòng vài microgiây. Ứng dụng của Pie không chỉ là giải toán, nó có thể được sử dụng để nghiên cứu các vật liệu mới, tính toán lượng tử, giải mã gen…”, anh Hải cho biết thêm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng, Open Classroom được thiết kế chạy trên gần như tất cả các hệ điều hành và tất cả các thiết bị từ điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn đến tivi. Và người sử dụng cũng không cần phải cài đặt bất kỳ thứ gì, chỉ cần có một tài khoản Open Classroom và nội dung sẽ luôn là mới nhất cho mỗi lần truy cập.
Bắt nhịp xu thế cách mạng công nghệ 4.0
Với việc thiết kế Bảo tàng Lịch sử ảo 3D, TS. Nguyễn Thu Quyên, giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đã đưa môn học Lịch sử đến với học sinh một cách sống động, hấp dẫn. Chỉ với vài cú click chuột, học sinh sẽ có được buổi học bộ môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm thông qua tranh ảnh, hiện vật và clip tư liệu.
TS. Thu Quyên cho biết, từ năm 2013, khái niệm “Bảo tàng ảo” bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam với hai chuyên đề đầu tiên “Di sản văn hóa phật giáo” và “Đèn cổ Việt Nam” thuộc dự án của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Lấy ý tưởng từ đây, TS.Quyên đã xây dựng được hàng chục bảo tàng ảo dựa trên chương trình học phổ thông, liên quan đến lịch sử thế giới, biển Đông…“Với cách thức học này, học sinh phát huy được tính tích cực chủ động của mình trong học tập đúng với phương châm thầy thiết kế, trò thi công cũng như đánh thức được niềm đam mê với bảo tàng”, TS. Quyên nói.
Năm nay có 329 công trình, sáng kiến tham gia tranh tài tại chương trình “Tri thức trẻ Vì giáo dục”, do T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT phối hợp vơi một số đơn vị liên quan tổ chức. Chương trình nhằm kêu gọi, động viên tri thức trẻ tham gia đóng góp các sáng kiến, công trình nghiên cứu đổi mới giáo dục. Từ 329 công trình, sáng kiến, Ban giám khảo đã chọn 10 công trình lọt vào vòng chung kết để tranh tài, trao giải thưởng.
Chiều 9/11, tại trụ sở Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã có buổi gặp mặt các tác giả của 10 ý tưởng, sáng kiến lọt vào vòng chung kết chương trình “Tri thức trẻ Vì giáo dục” năm 2017. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá, các công trình, sáng kiến tham gia chương trình rất đa dạng, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Đây là những ý tưởng, hiến kế rất sáng tạo, phù hợp với xu thế cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.
Tối 9/11, tại Hà Nội, diễn ra lễ trao giải chương trình “Tri thức trẻ Vì giáo dục” năm 2017. Dự buổi lễ có Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lâm Thị Phương Thanh; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa. BTC chương trình đã quyết định trao giải cho 3 công trình xuất sắc nhất, với phần thưởng mỗi công trình là 100 triệu đồng. Đó là công trình: Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom, nhóm tác giả: Nguyễn Hữu Hải, Phạm Thành Nam, Đỗ Minh Nhiên, Nguyễn Việt Hoàng, Phạm Thị Phương Thảo (Hà Nội); Phổ biến thí nghiệm Vật lý, tác giả: Nguyễn Trường Vũ (Thừa Thiên Huế); Full Look - Phần mềm học song ngữ phát triển năng lực toàn diện, nhóm tác giả: Trần Thị Mai Phương; Lê Thị Thu Ngân (Hà Nội).