Đầu thế kỷ XIX, Quỳnh Lôi là một trại thuộc tổng Tả Nghiêm (huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức). Tương truyền, trại do một viên quan của Kinh thành Thăng Long lập nên. Năm 1899, dưới thời Pháp thuộc, Quỳnh Lôi trở thành một làng thuộc khu vực ngoại ô. Năm 1942, làng Quỳnh Lôi lại được sáp nhập vào Hà Nội và phải đến năm 1981 mới chính thức trở thành 1 phường thuộc quận Hai Bà Trưng.
Cư dân làng Quỳnh Lôi xưa chủ yếu sống bằng nghề nông, chuyên trồng và cung cấp các loại rau, hoa cho khu vực nội thành. Nổi tiếng nhất phải kể tới đặc sản mướp hương có hương thơm đặc biệt, vị ngọt tự nhiên cùng tính hàn, bổ dưỡng như một vị thuốc. Quả mướp hương Quỳnh Lôi nhỏ, ngắn, vỏ mỏng và có màu vàng nhạt, ruột đặc nên khi nấu chín không bị nát.
Mướp hương Quỳnh Lôi ngon nhất khi được nấu cùng rau đay, mồng tơi và cua đồng giã nhuyễn, ăn kèm với cà pháo dầm hay cà muối giòn. Đây là món ăn không thể thiếu vào mùa hè. Một món khác mà người Hà Nội thường chế biến là mướp hương xào với giá, lòng mề gà hoặc ếch... vừa ngon miệng vừa bảo đảm dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, một món ăn khác mà có lẽ không nhiều người còn nhớ, đó là canh mướp hương Quỳnh Lôi nấu với rau rút của làng Khương Thượng - món ăn dân dã thể hiện gu ẩm thực tinh sành của người Hà Nội.
Xưa kia, hầu như mỗi gia đình ở làng Quỳnh Lôi đều có một giàn mướp hương để ăn, biếu hoặc bán. Mướp hương Quỳnh Lôi dễ trồng, chỉ cần bắc giàn cao khoảng 1m rồi gieo hạt giống từ những quả bói ban đầu; sau khi mọc đến lá thứ bảy sẽ ra hoa và quả, bởi thế còn được gọi là mướp bảy lá. Chính bởi hương vị thơm ngon đặc biệt nên nhiều người từng thử nhân giống trồng mướp hương Quỳnh Lôi ở nơi khác nhưng đều thất bại do mướp không có hương vị như khi được trồng trên đất làng Quỳnh Lôi. Theo các cụ cao niên, đó là do chất đất, nguồn nước khác nhau.
Quá trình đô thị hóa đã khiến mướp bảy lá của làng Quỳnh Lôi biến mất hoàn toàn, giờ chỉ còn trong trí nhớ của những người lớn tuổi...