Chính sách & Quản lý

Nhiều nét mới, văn minh, an toàn trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thủ đô

Ly Ly 11:51 02/03/2024

Đến thời điểm hiện tại, cơ bản, các lễ hội của Hà Nội diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn; tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong dịp trẩy hội đầu xuân.

Ngày 1/3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ trì buổi họp trực tuyến về công tác quản lý và tổ chức lễ hội với các quận, huyện.

Phát biểu tại buổi họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, cơ bản, các lễ hội diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn, bảo đảm cho người dân dự lễ hội tươi vui, lượng khách dự hội tăng cao so với những năm trước.

1.jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại điểm cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

Theo ghi nhận, công tác tổ chức lễ hội năm nay có nhiều nét mới, văn minh, tiến bộ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lễ phủ Tây Hồ, quận Tây Hồ đã thực hiện thu phí gửi xe không dùng tiền mặt với các loại xe, thu phí không dừng với xe ô tô qua VETC. Việc thu phí gửi xe không dừng lại tại phủ Tây Hồ đã giảm thiểu tối đa tình trạng ùn ứ về giao thông tại đây, nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân.

2.jpg
Người dân đi lễ phủ Tây Hồ

Tại lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), hàng năm thu hút hàng triệu du khách hành hương cũng đã có sự đổi mới tích cực. Theo đó, nhằm xóa bỏ nạn chèo kéo, xin thêm tiền khách đi đò…, lần đầu tiên, Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương được thành lập với sự tham gia của hơn 4.000 thuyền, đò chở khách đi lễ hội. Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội tiếp tục bán vé điện tử, tạo thuận lợi cho du khách, lực lượng chức năng, tránh vé giả, vé lậu.

Nhờ thực hiện chuyển đổi số, ghi nhận tại Lễ hội chùa Hương năm nay cho thấy, tình trạng trốn vé, chèo kéo khách hàng, xin thêm tiền... hầu như không còn, qua đó giúp du khách trải nghiệm một lễ hội an toàn, văn minh và thân thiện.

1(1).jpg
Một hoạt động tại lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và khai hội làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức

Còn tại lễ hội kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân; khai hội làng Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức) Xuân Giáp Thìn 2024. Mặc là đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp huyện, tuy nhiên, huyện Hoài Đức đã sử dụng xe điện để phục vụ đưa đón du khách tới khu vụ diễn ra các hoạt động của lễ hội và ngược lại nhằm đảm bảo trật tự giao thông, an toàn cho du khách tạo cảm giác thoải mái, hài lòng cho du khách khi về dự lễ hội.

Nhiều di tích của quận Ba Đình như đền Voi Phục, đền Quán Thánh quản lý tiền công đức với hình thức nhận tiền qua mã QR. Huyện Mê Linh tổ chức khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng theo hình thức mới, điểm nhấn là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Âm vang Mê Linh” sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D mapping…

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, mặc dù đã có những tiến bộ trong công tác tổ chức nhưng vẫn còn hạn chế tại một số lễ hội, như: Có hiện tượng mở loa, đài công suất lớn để quảng cáo; vẫn còn các trò chơi ăn tiền, xem bói, giải quẻ.

Về vấn đề này, các địa phương thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn thiếu sót để khắc phục cho những lễ hội sau. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, tại một số điểm di tích, lễ hội truyền thống lớn vẫn để xảy ta tình trạng ùn ứ giao thông; còn tình trạng người bán hàng trong khu vực lễ hội; thiếu thông tin, chỉ dẫn về điểm di tích. Ông Lê Đại Thăng đề xuất, thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện rà soát, thống kê để bổ sung thông tin, chỉ dẫn, chậm nhất đến quý II, 100% di tích có nơi thờ tự, hành lễ sẽ được bổ sung các biển thông tin.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc, vẫn còn tình trạng người dân chen lấn khi nhận lộc, mặc trang phục chưa phù hợp. “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền để người thực hiện văn minh lễ hội, đồng thời nhanh chóng dẹp bỏ những hoạt động cờ bạc trá hình tại lễ hội”, ông Tống Giang Phúc chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh lưu ý, các địa phương cần phổ biến các quy định của pháp luật về lễ hội đến cán bộ và nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 lễ hội, đến nay đã có trên 400 lễ hội được tổ chức. Các lễ hội được tổ chức rải rác vào nhiều thời điểm trong năm nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là dịp đầu năm mới. Từ nay đến hết năm, tại Hà Nội còn diễn ra khoảng hơn 1.000 lễ hội.

Theo Sở Văn hoá & Thể thao Hà Nội

Ngoài các lễ hội, hoạt động đi lễ đầu năm cũng đang được kiểm tra, giám sát để bảo đảm diễn ra đúng quy định, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị truyền thống của các lễ hội cũng như hoạt động đi lễ; tăng cường công tác quản lý và tổ chức, bảo đảm lễ hội diễn ra đúng quy định, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Mùa xuân là khởi đầu một năm mới. Vì lẽ đó, từ lâu, lễ hội trong đó có lễ hội đầu xuân đã trở thành một sinh hoạt văn hóa quen thuộc với đông đảo người dân nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc Việt; bản sắc văn hóa riêng có của Thăng Long – Hà Nội. Với ý nghĩa đó, giữ gìn, bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa, bao gồm hoạt động lễ hội luôn được Đảng, Nhà nước, Thành phố quan tâm, ban hành những chính sách phù hợp./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nét mới, văn minh, an toàn trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO