Nhạc sĩ Văn Dung: Lãng tử đã về miền mây trắng

HNMCT| 25/03/2022 10:37

Những ngày tháng 3, khi giai điệu hừng hực khí thế của “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” vang lên khắp mọi nẻo thì tác giả của ca khúc này - nhạc sĩ Văn Dung đã về cõi trời xanh mây trắng. Nhớ về ông, nhiều người nhớ về người lãng tử Hà thành tài hoa, thanh lịch, hòa đồng, “chơi được với cả thiên hạ”.

Nhạc sĩ Văn Dung: Lãng tử đã về miền mây trắng
Nhạc sĩ Văn Dung và những người bạn.

1. Những ngày này, hầu hết các báo và trang Facebook đều đưa tin về sự ra đi của nhạc sĩ Văn Dung trong niềm tiếc thương vô hạn. Bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu nhạc của ông suốt mấy chục năm qua, tuy mỗi người có những kỷ niệm riêng nhưng tựu trung đều thể hiện tình yêu, sự trân trọng nhân cách, tài năng, trí tuệ và phong cách sống của người nhạc sĩ Hà thành này.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam: “Khi âm nhạc của nhạc sĩ Văn Dung cất lên, lời ca và giai điệu luôn khiến người nghe cảm thấy ấm áp, hào sảng và đầy sự lạc quan”. Còn nhà văn Nguyễn Hiếu cho rằng: “Sự nhanh nhạy trong việc cảm nhận các đề tài nóng bỏng thực tế, sức viết nhanh chính là tố chất nhà báo trong con người nhạc sĩ Văn Dung”. PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Âm nhạc của Văn Dung như dòng thác âm nhạc tuôn tràn về khắp các ngõ ngách của tâm hồn chúng ta”.

Thật vậy, những ngày này, nghe lại một số ca khúc của ông như thấy một trời ký ức vọng về. Với những người lớn tuổi là ký ức về chiến tranh, đạn bom, những người đồng chí, đồng đội bền gan, vững chí chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc qua “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Tiến về Khe Sanh”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng”, “Giải phóng quân ta ra đi”… Với thanh niên thì gợi nhớ tuổi thơ bé ngây ngô, khờ dại qua “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Chim chích bông” (phổ thơ Nguyễn Viết Bính)… Nhạc sĩ Văn Dung là người thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát và sống chan hòa. Xuất hiện ở bất kỳ cuộc vui nào ông cũng là trung tâm của mọi câu chuyện. Sinh thời, ông sống bình dị, có lẽ vì thế mà bài hát của ông cũng gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ, âm nhạc gọn ghẽ mà hấp dẫn, cuốn hút.

2. Nhạc sĩ Văn Dung viết khá nhanh. Như “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” được ông sáng tác trong 3 giờ. Ca khúc ra đời như đáp lại lời hẹn của ông với lãnh đạo Trung ương Đoàn trong cuộc vận động sáng tác về Đoàn nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập (26/3/1931 - 26/3/1971). Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng giai điệu và ca từ của bài hát vẫn tươi tắn, sôi nổi, đầy khí thế, thôi thúc, giục giã thế hệ thanh niên sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Đi ta đi lên, Tổ quốc chờ ta đem sức thanh xuân xây dựng quê hương thân yêu/ Trong muôn gian lao, truyền thống vinh quang luôn nhắc nhở Đoàn ta sao xứng danh cháu Bác Hồ Chí Minh…”.

Nhiều đồng nghiệp gọi Văn Dung là nhà báo viết nhạc. Bởi có lẽ ông cũng là một trong số không nhiều nhạc sĩ chưa từng tốt nghiệp bất cứ trường học âm nhạc chuyên nghiệp nào. Tất cả đều do ông nỗ lực tự học từ bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là “trường học” lớn nhất của cuộc đời ông - Đài Tiếng nói Việt Nam. Sinh thời, ông cho rằng việc công tác tại Đài là một may mắn lớn trong cuộc đời bởi nơi đây hội tụ những nhạc sĩ tài danh của đất nước như: Lưu Bách Thụ, Lê Lôi, Cầm Phong, Phạm Tuyên, Lưu Cầu, Hồ Bắc, Phan Nhân, Trần Chung, Vũ Thanh…

Việc ông đến với âm nhạc cũng hết sức tình cờ. Sau khi học xong lớp báo chí khóa đầu tiên tại Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), ông về công tác tại Ban Công nghiệp của Đài. Sau 3 tháng, ông được phân công về biên tập chương trình “Khắp nơi ca hát”. Khi ông định từ chối thì nhạc sĩ Cầm Phong nhìn ông mà nói rằng: “Tớ trông cậu là thấy âm nhạc rồi nên cậu về Ban Âm nhạc là đúng lắm đấy!”. Vậy là cuộc đời âm nhạc tràn đầy năng lượng của ông bắt đầu từ đây. Ông biên tập nhiều chương trình âm nhạc, qua đó nâng cao kiến thức âm nhạc, rồi lại được rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để tìm cảm hứng sáng tác.

Nhiều nhạc sĩ nhớ về Văn Dung trên cương vị Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội với tâm huyết cho sự phát triển của âm nhạc Thủ đô. Thời gian giữ vai trò “thủ lĩnh” của giới âm nhạc Thủ đô, ông đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, hội tụ nhiều nhạc sĩ tham gia các chương trình giới thiệu tác phẩm mới hoặc trao đổi về con đường âm nhạc của các hội viên, trao đổi thông tin âm nhạc, tham gia các trại sáng tác… Đặc biệt, chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2006 với mục đích tôn vinh tác phẩm của các nhạc sĩ hội viên đã có nhiều cống hiến trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, được công chúng ghi nhận, được Nhà nước trao tặng những giải thưởng cao quý có dấu ấn lớn của nhạc sĩ Văn Dung. Uyên bác, tư duy mạch lạc, ông đã làm đạo diễn cho nhiều chương trình nghệ thuật nêu bật được đóng góp của các nhạc sĩ hội viên để chương trình trở thành “thương hiệu” của giới âm nhạc Thủ đô.

3. Nhạc sĩ Văn Dung có nhiều bạn. Ông bảo: “Tôi chẳng tự hào gì về mình đâu, chỉ thích là tôi nhiều bạn, ai tôi cũng chơi được, cũng vui được, chỉ trừ những kẻ không tính bản thiện mà thôi…”. Quả thực là ông “chơi được với cả thiên hạ”, nhưng theo đánh giá của nhà thơ Hồng Thanh Quang thì: “Ông vẫn luôn giữ được bản chất của mình, bản năng âm nhạc của một người con Hà thành, bản năng âm nhạc của một thế hệ đầy khát vọng tương lai, dấn thân vào một chặng đường đầy chông gai, gian khổ của dân tộc trong cuộc chống ngoại xâm. Ông mang được cái hồn trong sáng đầy khát vọng ấy vào ca khúc của mình nên tác phẩm của ông chúng ta không thể quên được”.

Âm nhạc chính là cuộc sống của nhạc sĩ Văn Dung, nơi ông có thể sẻ chia nỗi niềm, cảm xúc nhân tình thế thái và với ông, đó cũng là trách nhiệm công dân của người cầm bút trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Ông từng bộc bạch: “Đằng sau những nốt nhạc chính là lòng nhân ái. Chúng ta đã trải qua những năm tháng không thể nào quên, đã trải qua những năm tháng bom đạn với biết bao hy sinh xương máu chính là để giành được khát vọng xanh. Đó là khát vọng của hòa bình, của tình yêu thương… Nhạc sĩ không phải chỉ là học để biết được các thể loại âm nhạc, mà cần phải đi thực tế thì tác phẩm mới sống được”.

Ngẫm lại cuộc đời ông, dễ thấy ông chính là đại diện cho thế hệ nhạc sĩ Hà thành với nét hào hoa, lịch thiệp, uyên bác nhưng lại vô cùng khiêm tốn, giản dị. Ông đã bay về nơi xa ấy nhưng con người ông, những ca khúc của ông vẫn ẩn hiện trong cuộc sống này, để truyền cho người đời một năng lượng sống tính cực. Thật đúng như những câu thơ tiễn biệt ông của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Đã sống đến tận cùng sống/ Đã thăng hoa chất ngất thăng hoa/ Người đã reo ca giữa thực và mộng/ Và bay đi cùng xuân xanh sắp xa”.

Nhạc sĩ Văn Dung (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Dung) sinh năm 1936 tại phố Bích Câu (quận Đống Đa, Hà Nội). Trong sự nghiệp, ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001 với cụm tác phẩm: “Giải phóng quân ta ra đi”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng”, “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”, “Những bông hoa trong vườn Bác”.

(0) Bình luận
  • “Người trở về từ thiên hà Ánh Sáng” - Hành trình viễn tưởng và thông điệp nhân sinh
    “Người trở về từ thiên hà Ánh Sáng” - tiểu thuyết khoa học viễn tưởng độc đáo của PGS.TS, nhà văn Nguyễn Đình Gấm ra mắt độc giả từ tháng 9 năm 2024. Tác phẩm không chỉ mở ra một thế giới vũ trụ bao la mà còn chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc, phản ánh khát vọng khám phá và tương lai của nhân loại.
  • Hiểu rõ giá trị của thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam
    NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách “Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Không chỉ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc, hai cuốn sách còn góp phần bồi đắp tinh thần tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông ta.
  • Ra mắt sách cuốn sách song ngữ về lan hài Việt Nam
    Công ty Sách Liên Việt vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách song ngữ "Lan hài Việt Nam – Vẻ đẹp quyến rũ của tự nhiên" của tác giả Chu Xuân Cảnh. Đây là công trình đầu tiên dành toàn bộ nội dung để giới thiệu về lan hài tại Việt Nam.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Tủ sách Văn hóa Việt của Chibooks sắp có thêm 2 tác phẩm mới
    Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) vừa ký kết hợp đồng xuất bản sách với tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng về việc xuất bản 2 tác phẩm “Việt Nam – Ăn mặc thong dong” và “Ngàn năm trà Việt”. Sách dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào tháng 4/2025. Ngoài ấn bản tiếng Việt, sách cũng sẽ được dịch sang tiếng Trung nhằm quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
  • Ra mắt tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Pháp
    “Những câu chuyện cổ phố Broca” – tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Pháp do Pierre Gripari sáng tác vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Nguyên Kan, do Crabit Kidbooks và NXB Hà Nội ấn hành. Cuốn sách không chỉ mang đến những câu chuyện cổ tích phá cách, hài hước, mà còn mở ra một thế giới giàu trí tưởng tượng, nơi mọi điều kỳ diệu có thể xảy ra.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đặc sắc phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt, giới thiệu đến khán giả series phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”.
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hiểu rõ giá trị của thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam
    NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách “Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Không chỉ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc, hai cuốn sách còn góp phần bồi đắp tinh thần tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông ta.
  • Vinschool: Bệ phóng vững chắc cho học sinh vào đại học top đầu trong nước và quốc tế
    Mùa tuyển sinh đại học 2025-2026 tiếp tục chứng kiến sự bứt phá của học sinh Vinschool khi nhiều em trúng tuyển vào các trường danh tiếng trong nước và quốc tế trong Kì Tuyển sinh Sớm vừa qua. Đặc biệt, 2 học Nguyễn Bentley Minh Nhật và Nguyễn Sỹ Hưng đã gây “bão” mạng xã khôi khi xuất sắc giành học bổng hơn 8 tỷ VNĐ mỗi em từ các trường Đại học danh giá nhất nước Mỹ thuộc nhóm Ivy League – Dartmouth College và Brown University.
  • Tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư căn hộ The Cosmopolitan tại Cổ Loa
    Trong những năm gần đây, căn hộ cao cấp và hạng sang liên tục khẳng định vị thế trên thị trường bất động sản. Ngay cả trong giai đoạn trầm lắng vừa qua, khi nhiều phân khúc lao đao thì loại hình căn hộ chung cư vẫn duy trì sự ổn định, liên tục dẫn đầu về nguồn cung, giao dịch và tốc độ tăng giá trên thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Văn Dung: Lãng tử đã về miền mây trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO