Nhạc sĩ Phú Quang: Thấu cảm nỗi đau trong ký ức Hà Nội 12 ngày đêm

Nhạc sĩ Phú Quang/ANTĐ| 20/12/2017 18:21

Nhà ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang đã từng suýt chết trong trận ném bom rải thảm B52. Đài tưởng niệm Khâm Thiên hiện nay chính là vị trí căn phòng trước đây của ông. Ngắn gọn là vậy nhưng cũng đủ nói lên những thời khắc kinh hoàng mà người nhạc sĩ tài hoa này đã từng trải qua trong quá khứ.

ảnh 1Nơi đặt Đài tưởng niệm Khâm Thiên từng là vị trí căn phòng của nhạc sĩ Phú Quang

Tiếng bom rung chuyển đất trời 

Là một người con Hà Nội, Phú Quang không thể nghĩ, ông lại trở thành nhân chứng sống của đợt ném bom rải thảm B52 cách đây đúng 45 năm. Cái đêm máy bay Mỹ trút xuống Hà Nội cả nghìn tấn bom, Hà Nội kéo còi báo động vang trời, Phú Quang cùng các anh chị chạy xuống hầm chữ U. Tiếng bom rơi mà ông còn nhớ tới ngày hôm nay là tiếng ầm ầm rung chuyển đất trời. Sau những loạt bom đã dứt, cả 3 người thấy căn hầm im bặt, không một tiếng động. Khi dùng tay quờ sang những người nằm trong căn hầm, ông thấy ai nấy đều đã chết trước sức ép của bom. Thì ra, một quả bom đã rơi ngay trước cửa hầm. Những người ngồi ở hai bên cạnh hầm chữ U đều đã không thể thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. 

Có lẽ, trời đã cho ông và các anh chị của mình được sống. Khi cả 3 leo lên trên mặt hầm, không thể ngờ, nhà cửa đã bị san phẳng. Thường ngày, không thể đứng ở phố Khâm Thiên nhìn sang phố Đê La Thành, vậy mà hôm ấy, ông đã nhìn thẳng được tới tận khu vực bên kia. Trong đợt ném bom năm ấy, Phú Quang đã chứng kiến đôi mắt thất thần của những người phụ nữ mất đi chồng con. Ông nhớ nhất hình ảnh của cụ bà đã đứng gần như bất động, hệt như một pho tượng khi chứng kiến người dân tìm kiếm trong đống đổ nát lần lượt 26 người thân trong gia đình bà. Không một giọt nước mắt nào rơi, nhưng chính gương mặt lặng khô ấy lại khắc trong tâm trí ông một nỗi đau, một sự thấu cảm. 

Nhạc sĩ Phú Quang: Thấu cảm nỗi đau trong ký ức Hà Nội 12 ngày đêm

Nghe bản giao hưởng “Hồi ức”, 3/4 khán giả đã khóc

Do vậy, mỗi khi nhớ về Hà Nội 12 ngày đêm, bên cạnh niềm tự hào về tinh thần quả cảm của quân và dân Thủ đô, nhạc sĩ Phú Quang luôn cảm thấy xót xa, nghẹn ngào. Đặc biệt, căn phòng nhỏ của ông ngày đó, giờ đã là nơi đặt Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Phú Quang cho biết, mỗi lần nhìn vào bức tượng cô gái bế đứa con trên tay, ông lại rơm rớm nước mắt bởi những ký ức đau thương lại ùa về. Cũng trong trận ném bom vào Hà Nội năm ấy, nhạc sĩ Phú Quang đã mất đi một người bạn thân. Không biết có mối liên hệ nào giữa hai thế giới của người “được” sống và người đã chết, nhưng trong những ngày đi tìm xác bạn, Phú Quang đã thấy người bạn hiện lên trong giấc mơ. Do vậy, ông đã cất công đi tìm bạn và quyết tìm cho ra. Lần nào trở về từ đống đổ nát, áo Phú Quang cũng ám mùi tử khí. Nhạc sĩ Phú Quang bảo: “Cái áo bu-dông ấy, tôi để ngay trước cửa nhà nhưng cũng không ai thèm lấy”. 

Thế rồi, ông cũng tìm thấy xác người bạn thân. Thì ra, chính là nơi bà chị dâu bỗng bị hẫng chân như có ai kéo xuống khi đi qua đống tro tàn, chỉ khới lớp đất lên khoảng 50 phân là thấy bạn. Để rồi thời gian qua đi, trong các chương trình ca nhạc kỷ niệm Hà Nội một thời đạn bom hay các chương trình biểu diễn tại sông Thạch Hãn, nhạc sĩ Phú Quang luôn rơi vào cảm giác lặng thinh khi hồi tưởng về những ký ức năm xưa. Để rồi khi phím đàn piano cứ dạo mà giọng hát như nghẹn đắng lại. “Dường như, có một thế giới bên kia đang hiện diện song hành cùng cuộc sống của con người” - Phú Quang nghĩ vậy.  

Với tâm hồn nghệ sĩ mong manh và trải nghiệm của một người con Hà Nội đã đi qua những ngày Thủ đô chìm trong bom đạn, Phú Quang đã viết nên ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”. Đặc biệt, bản giao hưởng “Hồi ức” khi trình diễn trong khán phòng Nhà hát Lớn TP.HCM, có tới 3/4 khán giả đã khóc. Có lẽ, âm nhạc với sức mạnh truyền đi tâm tư, tình cảm của người nhạc sĩ đã lay động con tim mọi người. Hay đúng hơn, ký ức về Hà Nội đã giúp ông tạo nên các sáng tác bất hủ. Dù thành công là vậy nhưng nếu được lựa chọn, Phú Quang cho rằng: “Không có chiến tranh còn hơn”. 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Phú Quang: Thấu cảm nỗi đau trong ký ức Hà Nội 12 ngày đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO