Nhạc sĩ Phú Quang: Thấu cảm nỗi đau trong ký ức Hà Nội 12 ngày đêm
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 18:21, 20/12/2017
Nơi đặt Đài tưởng niệm Khâm Thiên từng là vị trí căn phòng của nhạc sĩ Phú Quang
Tiếng bom rung chuyển đất trời
Là một người con Hà Nội, Phú Quang không thể nghĩ, ông lại trở thành nhân chứng sống của đợt ném bom rải thảm B52 cách đây đúng 45 năm. Cái đêm máy bay Mỹ trút xuống Hà Nội cả nghìn tấn bom, Hà Nội kéo còi báo động vang trời, Phú Quang cùng các anh chị chạy xuống hầm chữ U. Tiếng bom rơi mà ông còn nhớ tới ngày hôm nay là tiếng ầm ầm rung chuyển đất trời. Sau những loạt bom đã dứt, cả 3 người thấy căn hầm im bặt, không một tiếng động. Khi dùng tay quờ sang những người nằm trong căn hầm, ông thấy ai nấy đều đã chết trước sức ép của bom. Thì ra, một quả bom đã rơi ngay trước cửa hầm. Những người ngồi ở hai bên cạnh hầm chữ U đều đã không thể thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Có lẽ, trời đã cho ông và các anh chị của mình được sống. Khi cả 3 leo lên trên mặt hầm, không thể ngờ, nhà cửa đã bị san phẳng. Thường ngày, không thể đứng ở phố Khâm Thiên nhìn sang phố Đê La Thành, vậy mà hôm ấy, ông đã nhìn thẳng được tới tận khu vực bên kia. Trong đợt ném bom năm ấy, Phú Quang đã chứng kiến đôi mắt thất thần của những người phụ nữ mất đi chồng con. Ông nhớ nhất hình ảnh của cụ bà đã đứng gần như bất động, hệt như một pho tượng khi chứng kiến người dân tìm kiếm trong đống đổ nát lần lượt 26 người thân trong gia đình bà. Không một giọt nước mắt nào rơi, nhưng chính gương mặt lặng khô ấy lại khắc trong tâm trí ông một nỗi đau, một sự thấu cảm.
Nghe bản giao hưởng “Hồi ức”, 3/4 khán giả đã khóc
Do vậy, mỗi khi nhớ về Hà Nội 12 ngày đêm, bên cạnh niềm tự hào về tinh thần quả cảm của quân và dân Thủ đô, nhạc sĩ Phú Quang luôn cảm thấy xót xa, nghẹn ngào. Đặc biệt, căn phòng nhỏ của ông ngày đó, giờ đã là nơi đặt Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Phú Quang cho biết, mỗi lần nhìn vào bức tượng cô gái bế đứa con trên tay, ông lại rơm rớm nước mắt bởi những ký ức đau thương lại ùa về. Cũng trong trận ném bom vào Hà Nội năm ấy, nhạc sĩ Phú Quang đã mất đi một người bạn thân. Không biết có mối liên hệ nào giữa hai thế giới của người “được” sống và người đã chết, nhưng trong những ngày đi tìm xác bạn, Phú Quang đã thấy người bạn hiện lên trong giấc mơ. Do vậy, ông đã cất công đi tìm bạn và quyết tìm cho ra. Lần nào trở về từ đống đổ nát, áo Phú Quang cũng ám mùi tử khí. Nhạc sĩ Phú Quang bảo: “Cái áo bu-dông ấy, tôi để ngay trước cửa nhà nhưng cũng không ai thèm lấy”.
Thế rồi, ông cũng tìm thấy xác người bạn thân. Thì ra, chính là nơi bà chị dâu bỗng bị hẫng chân như có ai kéo xuống khi đi qua đống tro tàn, chỉ khới lớp đất lên khoảng 50 phân là thấy bạn. Để rồi thời gian qua đi, trong các chương trình ca nhạc kỷ niệm Hà Nội một thời đạn bom hay các chương trình biểu diễn tại sông Thạch Hãn, nhạc sĩ Phú Quang luôn rơi vào cảm giác lặng thinh khi hồi tưởng về những ký ức năm xưa. Để rồi khi phím đàn piano cứ dạo mà giọng hát như nghẹn đắng lại. “Dường như, có một thế giới bên kia đang hiện diện song hành cùng cuộc sống của con người” - Phú Quang nghĩ vậy.
Với tâm hồn nghệ sĩ mong manh và trải nghiệm của một người con Hà Nội đã đi qua những ngày Thủ đô chìm trong bom đạn, Phú Quang đã viết nên ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”. Đặc biệt, bản giao hưởng “Hồi ức” khi trình diễn trong khán phòng Nhà hát Lớn TP.HCM, có tới 3/4 khán giả đã khóc. Có lẽ, âm nhạc với sức mạnh truyền đi tâm tư, tình cảm của người nhạc sĩ đã lay động con tim mọi người. Hay đúng hơn, ký ức về Hà Nội đã giúp ông tạo nên các sáng tác bất hủ. Dù thành công là vậy nhưng nếu được lựa chọn, Phú Quang cho rằng: “Không có chiến tranh còn hơn”.