Nhà văn Vũ Bằng: Một thời thương nhớ

Sơn Hà| 09/02/2018 14:37

Trong cuộc kháng chiến trường kì mười nghìn ngày (1945 - 1975) đánh bại hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ đã có rất nhiều anh hùng vô danh của lịch sử. Trong đó có những chiến sĩ tình báo mà đa số, như ai đó nói một cách lạc quan, họ “đơn tuyến nhưng không đơn độc”. Họ thường làm cái công việc “sống để dạ chết mang đi”. Trong cuộc sống do hoàn cảnh họ phải đóng nhiều vai. Có thể nói, nhà tình báo thường là những con người đa nhân cách. Thậm chí có thể gọi họ là những “diễn viên kì tài”, cùng lúc thủ nhiều vai.

Nhà văn Vũ Bằng: Một thời thương nhớ
Nhà văn Vũ Bằng

Nhà văn Vũ Bằng, tên thật là Vũ Đăng Bằng, sinh năm 1913, nguyên quán Hải Dương. Ông sống và viết văn, làm báo tại Hà Nội từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ 1948, chính thức trong mạng lưới tình báo từ 1952 (Bí danh X10). Năm 1954, ông di cư vào Nam theo sự phân công của tổ chức trong vai một văn sĩ - ký giả, hoạt động liên tục từ 1954 đến 1975 với vỏ bọc nhà báo - nhà văn. Do sự éo le của hoàn cảnh mà một thời gian dài Vũ Bằng không được tổ chức xác nhận quá trình hoạt động tình báo. Năm 2000, sau nhiều nỗ lực xác minh, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng đã có Giấy xác nhận (Số 67/XN, ký ngày 01 tháng 3 năm 2000) về quá trình hoạt động tình báo liên tục của nhà văn Vũ Bằng từ 1952 đến 1975. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông là tác giả của hàng chục tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại, trong đó đặc sắc nhất là “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội”, “Bốn mươi năm nói láo” (những tác phẩm đều được viết trong thời kì Vũ Bằng hoạt động tình báo ở miền Nam trong vai người làm nghề chữ). 

Những “vai diễn” trong cuộc đời hoạt động tình báo

Bắt đầu từ vai một người “dinh-tê”, như nhiều văn nghệ sĩ trí thức khác, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Vũ Bằng đi tản cư vào vùng tự do theo câu khẩu hiệu phổ biến lúc bấy giờ “Tản cư là yêu nước!”. Theo hồi ức của đồng nghiệp thì hồi đó Vũ Bằng tản cư về vùng Chợ Đại, Cống Thần (Hà Nam). Ông là người có chút lưng vốn về tài chính do nghề làm báo, làm văn trước đó mang lại, cộng thêm tính tình lịch lãm, phóng khoáng nên dẫu cho tản cư về nông thôn mà vẫn chơi sang. Có vẻ như không hợp cảnh hợp tình nên đôi khi thấy vênh giữa ta và người... Mùa đông năm 1948, khi được tổ chức giác ngộ cách mạng, Vũ Bằng hòa mình vào đám đông hồi cư, trở về thành phố (Hà Nội). Không mấy ai trong số bạn bè văn chương và cả người thân biết Vũ Bằng đang vào một vai kịch khó khăn. Đóng vai người “dinh - tê” (hồi cư), có vẻ như là người quay lưng với kháng chiến, bảo an, hưởng lạc. Thậm chí đôi khi phát ngôn/viết cho có vẻ ngất ngưởng, mất lập trường một tí. Nào đã hết. Cả vợ con ông cũng một lèo mang tiếng xấu của kẻ “dinh-tê”. Nhưng mà đành lòng vậy, cầm lòng vậy. 

Tiếp vai một người “di cư”: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), theo sự phân công của tổ chức, Vũ Bằng hòa vào dòng người di cư (đa số là đồng bào Công giáo nghe theo sự tuyên truyền xúi giục của bộ máy chiến tranh tâm lý của địch) nườm nượp đổ vào miền Nam. Lần vào vai mới này với Vũ Bằng khó khăn hơn vì ông phải bỏ lại sau lưng mình quê hương xứ sở, vợ con gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp vốn đã “quen hơi bén tiếng” bao nhiêu năm trời. Ngày đi biết trước không chỉ là hai năm hẹn ngày trở lại. Nhưng chí đã quyết, lòng không sờn. Có điều, chính Vũ Bằng cũng không ngờ đó là cuộc ra đi mà “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Vũ Bằng đúng là một người di cư yêu nước, như cách nói bây giờ. Vai một người “di cư” với Vũ Bằng là 21 năm.
Nhà văn Vũ Bằng: Một thời thương nhớ
Vai “ba trong một”: Từ năm 1954 đến 1975, Vũ Bằng hoạt động tình báo đơn tuyến dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Văn Hội (tức Ba Hội). Ông không được giao nhiệm vụ “chui sâu leo cao” vào hàng ngũ địch như những nhà tình báo khác - Vũ Ngọc Nhạ hay Phạm Ngọc Thảo. Ông hoạt động công khai, hợp pháp dưới vỏ bọc dễ chấp nhận. Là người có nghề, có danh từ lâu nên ông nhập vào làng báo của chính quyền ngụy rất thành thục, nhanh chóng (tiêu biểu nhất là đứng chân cộng tác được cả với “Việt Tấn xã” - cơ quan thông tấn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa). Từ đó ông có cơ hội khai thác được nhiều thông tin quý giá cho tổ chức. Ông cộng tác với nhiều tờ báo nên có dịp chu du và giao tiếp với đủ các tầng lớp xã hội. Nhưng nếu ai để ý thì sẽ thấy Vũ Bằng trĩu nặng tâm sự. Nhớ quê hương miền Bắc, nhớ gia đình thân yêu, nhớ bè bạn đồng nghiệp. Nhớ nghề văn. Nghĩa là đến mức lúc nào cũng “Thương nhớ mười hai” và lúc nào cũng nhớ “Miếng ngon Hà Nội”... Vũ Bằng, như ai đó nói, sống trong tâm trạng ngày Nam đêm Bắc. Nếu nói chính xác thì Vũ Bằng trong thời gian nói trên là cả một khối mâu thuẫn lớn, khối cô đơn khổng lồ. Nó cần được phóng chiếu ra con chữ. Con chữ còn là tấm khiên, là vỏ bọc che chở nhà tình báo Vũ Bằng.

Trong vai “người cô độc” cuối đời: Vì sao sau năm 1975, khi đất nước hòa bình, thống nhất, chín năm trời đằng đẵng, cho đến khi mất (1984), Vũ Bằng vẫn không trở về Bắc, về Hà Nội, về với gia đình, dù chỉ một lần? Trước hết là vì gia cảnh. Như đã nói ở trên, thời gian từ 1954 đến 1975, Vũ Bằng nặng gánh gia đình. Không có điều kiện tài chính để trở về Bắc, về Hà Nội, nơi ngày trước ông đã có một gia đình. Lại còn lí do đặc biệt bởi những khó khăn về mặt nội tình (nhân sự, tổ chức). Hoạt động tình báo, ai cũng biết, là một cuộc dấn thân, chấp nhận may rủi, hi sinh thầm lặng cả trong thời chiến lẫn thời bình. Mà không riêng gì Vũ Bằng, Phạm Xuân Ẩn và bao nhiêu chiến sĩ tình báo khác cũng vậy. Những anh hùng có danh và vô danh  - những người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Có thể nói, Vũ Bằng là một người anh hùng trong nghĩa rộng của từ này. Nếu cuối đời ông có đóng vai con người cô đơn thì ắt đó cũng là số phận.

Nhớ ơi chợ Tết

Dĩ nhiên sống ở Sài Gòn, Vũ Bằng cũng vẫn đón Tết như mọi người. Nhưng là đón theo cách của mình - cứ bồn chồn, nôn nao, bâng khuâng thương nhớ mười hai (“Thương nhớ mười hai” – Vũ Bằng bắt đầu viết từ 1960, xuất bản 1971). Nói cách khác, Vũ Bằng đón Tết bằng cách “nhớ” lại Tết miền Bắc, Tết Hà Nội. Đó là sự độc đáo trong sáng tạo văn chương. Do hoàn cảnh đặc biệt nên Vũ Bằng là người sống nhiều, sống nặng bằng ký ức. Tết Hà Nội, với Vũ Bằng là: “Ở Hà Nội, đến Tết, nhà nào cũng phải có một cành đào hay cây mai, một chậu cúc, cụm hồng nhung hoặc một cặp đỗ quyên có hoa nở đỏ chói để cho vui nhà vui cửa; nhưng có những nhà đặc biệt quan niệm rằng Tết mà không có hai chậu lan chân cua để trưng bày thì cái Tết kém hẳn phần rực rỡ. Bởi thế năm nào cứ vào đầu tháng Chạp, người vợ cũng tự tay trồng hai khúc xương rồng vào hai cái chậu sứ Giang Tây rồi lấy con dao nhọn khía cây xương rồng ra để ghép những cánh lan chân cua vào cho lan hút lấy nhựa rồng mà sống. Ghép lan như thế phải làm từ đầu tháng Chạp. Chừng một tuần, những lá lan trông như chân con cua bể căng nhựa, tươi lên trông thấy, và thường thường vào cuối tháng Chạp thì hoa nở sum suê, đỏ chói - nhưng đỏ một màu đỏ đặc biệt, nửa như màu chu sa, mà nửa lại như màu cánh sen” (Thương nhớ mười hai). 

Nhà văn Vũ Bằng: Một thời thương nhớ
Chuẩn bị kỹ càng hoa lá như vậy rồi thì phải đi chợ Tết. Nếu “theo chân” Vũ Bằng đi chợ Tết lại có cái thú riêng: “Thì ra chợ Tết cũng có một sức hấp dẫn kỳ lạ thật: nhìn vào cái gì mình cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua” (Thương nhớ mười hai). Đó là cái cảm hứng, cảm xúc do mùa xuân và Tết đem lại. Và Vũ Bằng đã ví von phiên chợ Tết như là một “phiên chợ cưới”. Thế nên “vui như Tết” nay thêm cũng “vui như cưới”. Hơn thế, với Vũ Bằng thì đây là dịp “Thả hồn về chợ Tết”. Với Vũ Bằng thì bất cứ sự vật, sự kiện nào, dẫu thoáng qua hay ở lại của thế giới xung quanh cũng đều có “hồn”. Cách nghĩ, cách cảm, cách viết như thế lẽ nào văn Vũ Bằng lại không trường tồn. Lẽ nào văn Vũ Bằng lại không chất chứa “một trời thương nhớ”. Và cái cách “nhớ ơi chợ Tết” cũng là một cách đón và ăn Tết độc đáo theo cách của Vũ Bằng. 
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Vũ Bằng: Một thời thương nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO