Khi nói tới các tác phẩm của Nguyễn Bản, người ta nhớ ngay đến những truyện đặc sắc tiêu biểu của ông như: “Mùi tóc Thảo”, “Cơn lũ”, “Ánh trăng”, “Rừng đêm cuối năm”, “Bức tranh mầu huyết thạch”, “Cơn giông cuối mùa”, “Đường phố lòng tôi” hay “Nợ trần gian”… những truyện ngắn ấy của ông được coi là hay đến độ hoàn mỹ, được nhận nhiều giải thưởng văn học và được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, từng ám ảnh nhiều thế hệ bạn đọc.
GS Nguyễn Đăng Mạnh có nhận xét về nhà văn Nguyễn Bản: “Văn Nguyễn Bản viết kĩ, lời văn mượt mà, câu văn chuẩn mực, thiên về truyện tâm lí. Nếu muốn đi tìm một cái gì tiếp nối truyền thống của văn Nguyễn Bản thì có lẽ nên nghĩ đến Thạch Lam chăng?. Và nếu như thế giới nghệ thuật của Thạch Lam có một không khí hết sức bình yên, dường như không có chút xao động nào của thế sự thì truyện của Nguyễn Bản không bao giờ tách rời những diễn biến phức tạp của thời cuộc, tuy đấy không phải là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm”.
Có điều, Nguyễn Bản là một nhà văn nổi tiếng từ nhiều năm nay, vậy nhưng ông không là hội viên Hội Nhà văn. Những người có trách nhiệm trong hội từng trân trọng mời nhưng ông đã không làm đơn tham gia hội. Hỏi lý do, ông chỉ vắn tắt, nhà văn không phải là danh nghĩa hội viên mà là tác phẩm. Đơn giản thế thôi…
Hầu hết những truyện ngắn của Nguyễn Bản gần như không có cốt truyện gay cấn, ly kì nhưng lại cực kì hấp dẫn, lại thấy ít nhiều có chân dung tác giả cùng những kỉ niệm mà cảm giác như đã hằn sâu trong ông. Qua truyện, có thể hiểu thêm rất nhiều về con người và cuộc đời ông.
Nơi ở của nhà văn Nguyễn Bản nằm khuất trong một con ngõ nhỏ, mà vào giữa ngõ làng Ngọc Hà rồi lại vẫn phải vòng vèo mãi. Thậm chí, có người đến nhiều lần mà vẫn chịu không tìm được, phải điện thoại rồi chờ ông ra đón. Nhưng nếu hỏi thăm thì sẽ được bà con lối xóm dẫn vào tận nhà. Nơi ở khuất nẻo vậy nhưng nhiều người vẫn luôn tìm đến ông.
Căn phòng ở của nhà văn Nguyễn Bản nhỏ, chỉ chừng 15 mét vuông. Đồ đạc trong phòng cũng hết sức đơn giản, có cả gác xép nên có cảm giác như vào căn nhà của thời bao cấp. Một chiếc giường kiểu cũ, một chiếc bàn viết trên có mấy cuốn từ điển tiếng Pháp và tiếng Anh. Ông nói mình lạc hậu vì không biết dùng máy tính, nên vẫn hoàn toàn phải viết tay. Trong phòng còn có thêm một chiếc bàn nhỏ nữa nằm ngay sát lối cửa ra vào để ông hằng ngày dùng làm nơi ăn uống và tiếp khách. Trong góc phòng là bếp nấu.
Nhà văn Nguyễn Bản sống độc thân. Ông lập gia đình sớm nhưng rồi vợ chồng không thuận nên từ lâu đã chia tay. Khi ra đi ông chỉ 2 bàn tay trắng còn tất cả ông để lại cho vợ, con. Và từ đấy, suốt mấy chục năm đã qua ông sống một mình, con cái ở gần nhưng ông cũng hết sức tránh không muốn làm phiền. Những ngày đầu khi chia tay vợ, ông đến tá túc nhà một người bạn nhưng thấy không tiện nên sau viết lách, dịch thuật dành dụm có ít tiền giúp ông mua được đất để xây ngôi nhà này. Ngôi nhà nhỏ nhưng ông hết sức thoải mái. Khả năng của ông chỉ có vậy nhưng ông tự hào vì đó là những đồng tiền sạch, những đồng tiền tự tay làm ra. Vậy mà ông vẫn cứ áy náy, đó là khi một người bạn văn thân thiết cũng lâm vào hoàn cảnh như ông, đến ở nhờ nhưng sống được vài hôm thấy chật chội nên bạn đành rời đi.
Những người cao tuổi, sống độc thân thường chỉn chu, kĩ càng đến khó tính nhưng ở nhà văn Nguyễn Bản lại khác. Khó ai biết năm nay ông đã sắp vào tuổi 90, ông sinh năm 1931, mà nếu không có cái lưng hơi gù làm ông nhỏ lại, mấy cái mụn đồi mồi mọc trên mặt báo hiệu tuổi già thì ai cũng nghĩ ông còn trẻ vì ông hay chuyện, khuôn mặt cởi mở luôn tươi cười, đặc biệt là đầu óc còn rất minh mẫn. Có khách quen đến, ông vui, lan man đủ vấn đề, những người, những chuyện từ 70 năm về trước ông vẫn nhớ như vừa mới xảy ra. Nói đến những người bạn cũ ông đọc cả tên, cả họ, lại cả đệm rồi những kỉ niệm.
Thấy nhà văn Nguyễn Bản tính tình vui vẻ, nhanh nhẹn lại sống lâu một mình đã có những bà, những cô muốn được gần ông. Khi được hỏi liệu bây giờ ông còn mặn mà với chuyện vợ con? Riêng chuyện này thì ông có vẻ biết mình biết người nên thầm thì tâm sự: giờ già rồi tính gì thì cũng đã muộn, cứ một mình cho thoải mái. Nhưng khi được hỏi chuyện tình cảm một thời của ông với một nhà văn nữ rất có tên tuổi mà bạn bè thân thiết đều biết thì hình như ông không giấu được xúc động, lặng đi ít phút rồi thật thà, nếu ngày đó gia đình hai bên không nhiều ý kiến thì ông và nhà văn ấy đã đến được với nhau. Câu chuyện tình đầy lãng mạn đó nghe đâu đã có trong một truyện ngắn được ông viết ra. Tuy truyện không đăng báo nhưng vẫn như chiếm trọn trái tim ông.
Hôm chúng tôi đến, dù mới chỉ qua Tết mấy ngày nhưng phòng ông không hoa, không kẹo bánh, hoa quả. Nhưng những điều ấy dường như hoàn toàn chẳng làm ông mấy quan tâm. Ông không chú ý tới hình thức. Nhường hai chúng tôi ngồi trên hai chiếc ghế gấp còn chủ nhân thì ngồi tiếp khách ngay bên mép giường. Ông lụi hụi đi đun nước rồi tráng bộ ấm chén. Khi pha nước mời khách ông quá mải chuyện nên không nhớ cả công việc chính. Mấy lần cho tay vào hộp trà rồi cứ để nguyên bàn tay trong hộp, quên cả việc lấy trà. Phải ba, bốn lần như thế ông mới đổ được nước sôi vào ấm.
Nguyễn Bản tuy sinh trưởng ở nông thôn (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nhưng ngày nhỏ ở quê lại rất ít. Mới hơn mười tuổi đã ra Hà Nội học, rồi khi tản cư ông lên Thái Nguyên học tiếp sau thi đậu trường Đại học Sư phạm khoa văn - khóa đầu tiên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Năm 1956 tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Bản được điều động về dạy học ở ngay tỉnh nhà. Nhưng rồi do bị tai nạn nghề nghiệp, ông không được đứng lớp và rồi từ cương vị giảng viên ông bị chuyển đi làm nhân viên văn phòng rồi xuống hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng trong rủi có may. Nhờ được về sống cùng bà con nông dân, được cùng bà con nông dân chống lũ, chống lụt, tham gia xây dựng hợp tác xã nông nghiệp nên giúp ông hiểu sâu sắc công việc nhà nông. Cũng nhờ sống ở nông thôn cùng những người nông dân, đặc biệt những người phụ nữ nông thôn với những mảnh đời lam lũ, nghèo khó, những tục lệ lạc hậu nơi làng xóm cùng với những tình cảm chân thành, thảo thơm trong sáng nơi họ đã giúp ông có cảm xúc và vốn liếng để có được những trang viết sau này.
Nguyễn Bản là lớp nhà văn đã sống qua hai chế độ, được học hành cơ bản nên có kiến thức cơ bản. Ngày nhỏ ông học giỏi cả văn và toán. Như các học sinh cùng trang lứa, ông còn được học thuần thục môn tiếng Pháp rồi cả tiếng Anh, nên sau này những ngoại ngữ ấy không chỉ nâng cao kiến thức giúp cho ông hiểu biết sâu sắc nhiều vấn đề của văn học thế giới mà còn giúp ông trong việc dịch sách báo. Ông đã dịch nhiều tiểu thuyết nổi tiếng thế giới, trong đó có cả chùm tác phẩm của nhà văn người Mỹ gốc Hoa Anchee Min như: “Đỗ quyên đỏ”, “Nữ hoàng phong lan”, “Nữ hoàng cuối cùng”, “Ba người lính ngự lâm”…
Chúng tôi hỏi, bây giờ bác còn làm việc không? Ông bảo, mình đã tuổi 90 rồi, làm gì nữa. Nhưng tôi biết, khiêm nhường nói vậy thôi, thực ra hàng ngày ông vẫn viết, dù có chậm hơn bởi sức khỏe không còn như xưa và rồi ông vẫn túc tắc dịch sách, dịch tài liệu. Việc viết lách, dịch thuật với ông bây giờ không còn là phương tiện mưu sinh mà là niềm vui, là để đầu óc hoạt động.
Cũng hôm gặp chúng tôi, ông đã kể, hôm trước Tết ra phường lĩnh lương hưu chẳng may bước hụt chân ngã vật trên đất. Ngõ vắng, may lúc sau có một bà đi qua thấy vậy đã cúi xuống đỡ ông. Mà bà cũng đâu có khỏe gì cho cam nên bà phải hì hụi mãi mới đỡ được ông ngồi dậy, rồi bà còn hỏi ở đâu để bà đưa về. Hoặc một lần theo con cháu về quê nhưng trên đường đi thì gặp sự cố. Xe hết điện. Phải xuống bắt xe tìm mua ắc quy nhưng chờ mãi không có xe dừng. Lúc sau may có một chiếc xe ngang qua, anh chủ xe đã chở ông đi mua bình điện. Đi và về phải mấy chục cây số nhưng khi hỏi thanh toán thì anh gạt đi, nói có đáng bao nhiêu. Kể lại chuyện rồi ông bảo, ông đã đưa các chi tiết này vào những truyện ngắn. Ông viết vì muốn nói rằng, xã hội ta dù còn có những chuyện này, chuyện khác chưa vui nhưng vẫn còn có nhiều tốt đẹp lắm. Với ông, đấy là những món nợ và ông viết chính vì những món nợ vậy. Đôi khi ông vẫn phá lệ, thức khuya. Nhưng là người biết mình bây giờ đã có tuổi, cũng nhiều bệnh tật, chân tay hay tê mỏi, mắt kém nhưng ông luôn gắng vượt qua để sống vui, sống khỏe nên bây giờ hàng ngày ông già U90 kia vẫn làm việc, vẫn tự đi chợ, cơm nước, dọn dẹp, vẫn viết, vẫn đọc sách báo, vẫn điện thoại di động nhoay nhoáy rồi vẫn lên facebook. Ông bảo, nếu không chịu vận động sẽ lười và dễ sinh bệnh tật. Gặp Nguyễn Bản, một nhà văn già mà nhanh nhẹn, minh mẫn, sống trẻ và khỏe mạnh, luôn mang trong mình nhiều khát vọng văn chương mới biết ông có lý.