Hà Nội xưa có câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”, chỉ truyền thống hiếu học ở những vùng đất ven đô. Nhà thờ Thái bảo Liêm Quận công Nguyễn Như Uyên là một di tích nằm ở một trong địa danh tứ danh hương đó.
Tượng Quận công Nguyễn Như Uyên trong nhà thờ
Nhà thờ Thái bảo Liêm Quận công Nguyễn Như Uyên là nơi phụng thờ các vị liệt tổ liệt tông, các vị huân danh khoa bảng của dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết - dòng họ nổi tiếng “Trâm anh thế phiệt”.
Theo Từ Liêm huyện đăng khoa chí, Bạch Liên khảo chí và giới thiệu của ông Vũ Trung Thanh - Trưởng Ban điều hành của dòng họ, thì dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết là dòng họ võ văn thế thất, có 5 cụ đỗ Hoàng Giáp, tiến sĩ và 30 cử nhân, tú tài. Trong đó cụ Nguyễn Như Uyên là người khởi phát.
Cụ thủy tổ Nguyễn Như Uyên sinh năm 1436 tại Hạ Yên Quyết. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) tại khoa thi Kỷ Sửu, cụ Đỗ Hoàng Giáp đệ nhị Tiến sĩ, về vinh quy tại Hạ Yên Quyết, cụ là người khai khoa Tiến sĩ của dòng họ.
Trong suốt thời gian gần 30 năm làm quan dưới triều nhà Lê, cụ trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: Thượng thư bộ lại, Chưởng Lục Bộ Sự kiêm Quốc Tử Giám Tế Tửu, "Nhập thị kinh diên".
Cụ là người văn võ song toàn, học vấn uyên thâm và liêm khiết. Năm 1479, Nguyễn Như Uyên đã 3 lần cùng vua đi chinh phạt Ai Lao, Lão Qua và Bồn Man (nay là Quỳ Hợp, Anh Sơn, Tương Dương). Cụ đã được vua ban cho Thái ấp và tước vị, lập nên cơ nghiệp ở Hạ Yên Quyết ngày nay, lưu truyền đã được 21 đời.
Cổng vào nhà thờ Quận công Nguyễn Như Uyên
Hiện chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về niên đại khởi dựng của nhà thờ cũng như thời gian Nguyễn Như Uyên, chỉ biết cuối đời cụ làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại, Chưởng lục Bộ sự (đứng đầu 6 Bộ) và được phong tước Thái bảo, Liêm Quận công và khi về chí sĩ thì được nhà vua ban lộc điền tại làng Hạ Yên Quyết để lập dinh thự.
Nếu theo tài liệu này thì nhà thờ Thái bảo Liêm Quận công Nguyễn Như Uyên có từ thời điểm ấy. Và có thể sau khi cụ qua đời con cháu đã dựng nhà thờ làm nơi hương hỏa cho cụ cũng như những người đỗ đạt thành danh về sau.
Nhà thờ Thái bảo Liêm Quận công Nguyễn Như Uyên tọa lạc giữa làng Hạ Yên Quyết (còn gọi là làng Cót). Làng Cót xưa là 1 trong 20 làng khoa bảng của Việt Nam và hiện nay là làng khoa bảng duy nhất ở nội thành Hà Nội (thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).
Nhà thờ kết cấu theo kiểu chữ “Nhất” với các hạng mục: cổng, mộ phần của 5 cụ đỗ đại khoa, bức bình phong và bái đường.
Cổng gồm ba lối đi. Lối đi giữa cao và thông thoáng nhất gồm hai tầng 8 mái, đao cong thắt cổ diêm, mái lợp ngói mũi hài. Mặt ngoài cổng đắp bốn chữ Hán “Nguyễn tộc từ đường”, thân cột đắp câu đối, hai bên cánh gà trang trí tích của bộ tranh tứ bình, tượng trưng cho sự thanh cao và tinh khiết như chính cuộc đời và sự nghiệp của cụ tổ.
Hai cửa bên nhỏ thấp hơn cửa chính, gồm một tầng mái có dấu kìm cách điệu hoa chanh ở hai đầu bờ nóc. Hai cửa này dùng cho người nội tộc vào hành lễ dịp tuần tiết và du khách khi quan lãm. Cửa chính chỉ được mở vào dịp chạp họ.
Từ cổng bước qua khoảng sân lát gạch đỏ là tới mộ phần gồm 5 ngôi có cốt ở dưới. Những ngôi mộ này mới được chuyển về năm 1996. Bốn ngôi phía ngoài ốp đá đều có dựng bia ghi năm đỗ đại khoa của các cụ tổ. Phần chính giữa là mộ phần của Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên có mái che một tầng bốn mái đao cong, phía dưới đặt cốt, phía trên đặt tượng. Bức tượng này đạt nghệ thuật cao. Tượng được tạc với kích thước bằng người thật, ngồi đĩnh đạc trên ngai, đầu đội mũ cánh chuồn màu đỏ, mình vận hồng y thắt đai, râu dài, hai tay đặt trên gối. Toàn bộ tượng toát lên vẻ nho nhã, quắc thước lột tả được con người khoa bảng Nguyễn Như Uyên thủa xưa.
Tiếp đến là bức bình phong nằm phía sau mộ phần, được làm dưới dạng cuốn thư đắp lưỡng long chầu nguyệt, chầu vào giữa. Rồng tạc trong tư thế long đằng vân với các họa tiết sắc nét, thể hiện quyền uy của linh vật này.
Nổi nhất của di tích là tòa bái đường ba gian hai dĩ kết cấu theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai trụ biểu, hai tầng ba mái thắt cổ diêm, mái lợp ngói ri.
Toàn bộ những hạng mục này mới được tu bổ trong những năm gần đây. Từ sân bước lên bậc tam cấp là tới hiên bái đường. Các bộ vì hiên được làm theo kiểu bán giá chiêng rường gối lên tường đàng và cột hiên cùng hoành, xà và bẩy. Tại các cấu kiện này trang trí hoa văn lá lật và vân mây.
Từ hiên bước qua ngưỡng cửa là vào bên trong bái đường. Các bộ vì ở đây làm theo hai dạng cách. Hai bộ vì giữa làm theo kiểu giá chiêng chồng rường và bán giá chiêng cồng rường. Hai bộ vì hồi làm theo kiểu vân mê đố lụa trên ba hàng chân trốn hai cột. Các họa tiết trang trí không cầu kỳ chỉ là hình ảnh hoa văn lá lật và vân mây.
Tại hạng mục này bài trí ba ban thờ: Ban thờ giữa và hai ban thờ tả, hữu. Ban thờ giữa uy nghiêm nhất, gồm hoành phi, câu đối hương án và các đồ thờ tự khác. Hai ban tả, hữu bài trí giản lược hơn.
Đặc biệt tại tường bên trái ngoài sân tạc 5 bức phù điêu trên nền tường với kích thước 13,5m x 2,7m, miêu tả cuộc đời công danh và hành trạng của Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên: Bức thứ nhất: mô tả cảnh cụ khi còn nhỏ gắng công đèn sách; Bức thứ hai: miêu tả cảnh cụ đi thi và vinh quy bái tổ; Bức thứ ba: là hình ảnh cụ nhận sắc chỉ và quan phục trong triều; Bức thứ tư: mô tả cảnh cụ tháp tùng nhà vua chinh phục Ai Lao và Bồn Man; Bức thứ năm: là cảnh cụ hồi triều nhậm chức Quốc Tử Giám Tế Tửu. Đây là những bức phù điêu có giá trị nghệ thuật cao.
Ngày 5/10 /2012, Nhà thờ họ Thái bảo, Liêm Quận công Nguyễn Như Uyên được đón Bằng xếp hạng “Di tích lịch sử - văn hóa” (cấp thành phố). Nhà thờ được trùng tu lớn vào thời nhà Nguyễn. Trải qua thời gian, đã bị xuống cấp, dòng họ đã hằng sản, hằng tâm, xây dựng khang trang bề thế như ngày nay.
Người dân làng Hạ Yên Quyết mong muốn lãnh đạo Thành phố, các nhà khoa học nghiên cứu đặt một đường phố mang tên Thái bảo Liêm Quận công Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên ở khu vực Hạ Yên Quyết để tôn vinh, ghi nhận những công lao đóng góp của cụ và cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, sự tri ân của hậu thế với các bậc tiền nhân, danh nhân văn hóa đã có công lao trong sự nghiêp xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà.