Không cứ trải nghiệm sống mới làm được thơ. Nhưng làm thơ nhờ trải nghiệm sống là một nét ưu trội của Phùng Trung Tập. Vậy nên đọc thơ anh, riêng tôi thấy, chất đời/chất sống đầy đặn, nóng hổi.
Năm năm in liền 5 tập thơ, điều ấy rành rành cho thấy cái cơ duyên đến với thơ của Phùng Trung Tập không hề là một “cơn” hứng khởi nhất thời. Mà là kết quả của cảm xúc run bật, vốn sống dồi dào, suy tư cặn kẽ, đặt bút nghiêm cẩn, tìm chữ công phu.
Tôi chỉ mới gặp Phùng Trung Tập gần đây. Nhưng thơ anh thì đọc đâu đó không ít trên các báo chí Trung ương. Nhưng vẫn là “kiến kỳ văn bất kiến kỳ hình”. Rồi cơ duyên đến. Qua nhà văn Nguyễn Trường (Giám đốc - Tổng Biên tập, Nxb Thanh niên), tôi đã gặp và mến mộ ngay từ phút đầu con người lúc nào cũng như “hỏa diệm sơn” này. Chợt nghĩ, người này viết văn xuôi thì hợp hơn. Vì ăn sóng nói gió. Vì nhãn quan rộng. Vì trải nghiệm đầy. Tôi đã từng học tập và công tác ở Liên Xô (trước đây), nên biết cái ngôi trường anh học rất nổi tiếng và danh giá - Học viện Quan hệ Quốc tế Matxcơva (tên viết tắt là MGIMO). Không biết từ lúc nào, người lính Phùng Trung Tập đã đổ mồ hôi sôi nước mắt, từ sau hòa bình (1975), kịp nhận bằng Tiến sĩ Luật học, lại vươn tới học hàm Phó Giáo sư. Thật đáng khâm phục. Nói như cánh trẻ là “NGẠC NHIÊN CHƯA?” Người này mà viết văn xuôi (nhất là tiểu thuyết) thì phải biết. Nhưng rồi anh lại làm thơ. Nhưng suy cho cùng thì viết thể loại gì không quan trọng. Cầm bút viết văn cốt là nói cho được bằng ngôn từ nghệ thuật cái điều mình nghĩ và mọi người cùng nghĩ. Tôi nghĩ, có lẽ giản dị như thế nên Phùng Trung Tập quyết định chọn thơ. Vì thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình. Với Phùng Trung Tập, “Thơ là đất của muôn ngàn hoa cỏ” (Thơ).
Chung chiêng tình lý
Là dân hành nghề luật, nên rõ ràng là Phùng Trung Tập hay nói “lý”. Ví dụ: “...Hãy điểm danh những con người ưu tú/ Hành quân xa tìm diệt giặc chưa về/ Non sông vẫn đắng từng lời người mẹ/ Hát ru con, vì Tổ quốc không về” (Điểm danh). Đó là luận lý. Còn xa thơ theo nghĩa bình thường. Nhưng có lẽ cũng là tùy vào cái “tạng người” mà ra “tạng văn” chăng? Nhưng có lúc, rất may, luận lý của nhà thơ dần dần tiến gần đến có lý có tình. Ví dụ “Đất cũng có cuộc đời/ có vui, buồn, đau/ giận hờn, yêu ghét/ Thân thể đất không chỉ là hạt đất/ có muối mặn mồ hôi, xương máu cất lời/ đất trăn trở lắng sâu từng thớ mạch/ dưới trời cao cũng thổn thức như đời/ Đất nuốt vào lòng những dòng lệ tái tê/ thương nhớ một thời bờ xôi ruộng mật/ sóng lúa ngô mơn mởn cát bồi/ lũy tre làng xôn xao những bến trăng sóng hát/ về tình người tình đất” (Đất khóc). Bài sau tiến gần đến thơ hơn. Tôi xin nhắc lại là, tiến gần đến thơ hơn! Nhưng vẫn nghiêng, nặng về lý dẫu tình đã đượm, đã nồng. Trong 5 tập thơ của Phùng Trung Tập, tôi thấy khi nào anh nghiêng về lý thì chung chiêng câu chữ. Đôi chỗ mấp mé triết lý vặt. Nhưng may mắn thay, người thơ sớm tỉnh ngộ. Thơ nghiêng tìm nẻo về cố hương, nguyên thủy. Có lẽ, hoặc là phản ứng của độc giả, hoặc giả là tự bản thân “ngộ” ra nên anh đã “rẽ” sang tình. Tôi giả sử gặp Phùng Trung Tập sớm hơn nữa, thì vẫn cứ nói thẳng băng ý nghĩ của mình về thơ anh: nên trọng tình! Không biết như thế thì anh có tự ái không nhỉ? Tôi tin là không vì người này cầu thị. Vì thế nên đọc những bài thơ anh viết về quê hương bản quán, người ruột thịt thân yêu, về đồng đội, về thiên nhiên,... tôi thấy Phùng Trung Tập là mình hơn, chân hơn: Thơ cốt chơn/ chân.
Thơ không ra ngoài lời của mẹ cha
Tôi mồ côi mẹ từ lúc 3 tuổi, nay đã ngót 70, nên đọc thơ về mẹ của Phùng Trung Tập xúc động mãnh liệt. Này đây: Dáng của mẹ, Mẹ tha lỗi cho con, Về quê vắng mẹ, Mẹ có bớt lạnh không?, Người mẹ Việt Nam, Chiếc nón của mẹ, Hạt cơm của mẹ, Giàn trầu của mẹ, Hơi ấm bàn tay mẹ,... Đó là những bài thơ mà nhan đề ôm ấp chữ mẹ. Còn nhiều bài thơ khác, trong đó viết về mẹ nữa.
Khi đọc bài thơ Mẹ có bớt lạnh không? của Phùng Trung Tập, người tôi cứ như nổi gai: “Nhớ về những tháng năm qua/ Mẹ - Thân cò lội đồng xa bãi gần/ Vơi cơm vá áo tứ thân/ Chân trần ruộng ngấu, tay sần bùn non/ Đếm đong từng hạt già non/ Chắt chiu từng bữa cho con ấm lòng/ Nắng mưa, mẹ bợt má hồng/ Việc nhà nặng gánh thay chồng thoát ly (...)/ Mảnh mai dáng mẹ đồng khô/ Gánh gồng cày cấy Chiêm – Mùa đầy vơi (...)/ Phương trời mẹ có lạnh không?/ Tim con bên mẹ nóng bừng nhịp rung/ Mẹ ơi có bớt lạnh không?”. Rõ ràng là “tứ” thơ không mới, kỹ thuật thơ không cao cường. Nhưng thơ vẫn dẫn dụ, hấp lực vì nhờ vào cái tình mẫu tử. Đọc loạt bài thơ về mẹ của Phùng Trung Tập, tôi lại nhớ tới thơ về mẹ của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn.
Phùng Trung Tập mỗi khi viết về mẹ là viết về cha và ngược lại. Bài thơ Mẹ tha lỗi cho con cùng lúc bái vọng cả hai bậc sinh thành: “Trước khi mẹ phải đi xa/ Dặn “con chăm sóc cha già thay U”/ Mắt con lệ ngập lời ru/ Chăm cha có được mấy thu mỏng dày/ Trước bàn thờ mẹ hôm nay/ Cúi đầu xin mẹ cao tay nhẹ đòn/ Mẹ dặn, con cố làm tròn/ Chăm cha có được vuông tròn mẹ ơi?/ Công cha, nghĩa mẹ biển trời/ Mỗi ngày mỗi nhớ ngậm ngùi lòng con/ Thẳm xanh trời đất, trăng tròn/ Hồn thiêng cha, mẹ bên con trọn đời”. Đọc những vần thơ như thế nghĩ Phùng Trung Tập viết thơ có tình. Nhiều tình là đằng khác.
Tất nhiên tôi không nói thơ Phùng Trung Tập hay hơn khi hướng nội (vào mình). Thơ hướng ngoại của anh đôi khi cũng lóe sáng lên. Đó là khi viết về cảnh quê, tình quê. Nhiều bài thơ đứng được như Hương quê, Hạt ngô quê hương, Khoai lang Kinh Thầy, Đồng quê hoang vắng, Hồn thu, Về làng, Tre, Đất, Làng quê, Lá sen, Hề chèo quê cũ, Cánh võng gió quê, Nghé con gọi mẹ, Chợ sớm chợ muộn, Gái quê hát chèo,... Chưa đến độ gọi Phùng Trung Tập là nhà thơ “chân quê”. Còn xa lắm. Nhưng thơ anh giàu hồn quê, tình quê, cảnh quê. Có không khí, đường nét, âm thanh, mùi vị,... Dù đi đâu, làm gì, ở với ai thì trong lòng người thơ vẫn cứ rưng rưng: “Võng đay một mảnh trăng rằm/ Đung đưa gió thoảng một vùng hè sang/ Bao năm phải sống xa làng/ Khát thèm hương khỏa nắng vàng gió quê” (Cánh võng gió quê). Và nắng sông Hồng (quê hương người thơ bên sông Hồng) dát vàng trong thơ “Xôn xao sóng nắng sông Hồng” đến “Nắng sông Hồng nắng vàng mười”, và đến nữa “Sông Hồng sóng sánh nắng tươi” (Nắng sông Hồng).
Câu chữ thơ
Văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Thơ càng như thế. Người làm thơ chú trọng tìm “tứ” đã đành. Từ “tứ” đến “hình ảnh”. Nhưng cả hai nhân tố hàng đầu này phải được chuyên chở bằng “chữ”. Tôi chú ý đến việc Phùng Trung Tập chú mục tìm và thể hiện “động từ” khi làm thơ. Vì sao vậy? Nêu một ví dụ: “Phía ấy bạn nằm ấm êm dưới cỏ/ Mây có bồn chồn hiu hắt khói hương?/ Bạn có buồn không những khi mưa bụi/ Tiếng dế kêu men mén những đêm trường?/ Nhớ lắm tháng năm, nhớ lắm những ngày/ Giờ phục kích muỗi đồng vây tứ phía/ Mòn móng tay tách bật da mẩn ngứa/ Giọt sương loang hơi thở ánh sao mờ!/ Hai đứa mình cùng yêu nhạc yêu thơ/ Cùng nhìn vụng cô xóm Chùa làng dưới/ Cô ngoảnh lại hai đứa cùng bối rối/ Rần rật bờ my đỏ mặt quay đi/ Bạn vẫn hành quân từ bấy chưa về/ Mình nhớ bạn ngày nào heo hút gió/ Viên bi ve quay hết vòng tuổi nhỏ/ Để cánh diều chấp chới mộng chân mây/ Nhớ bạn từng ngày từ bấy đến nay/ Vắng dáng bạn khoảng trời thênh thang quá/ Cũng từ ấy mình lặng nhìn hoa lá/ Nhìn mây bay biết bạn vẫn bên mình/ Trời tự do có gió táp mưa tuôn/ Có những buồn vui ngày qua tháng lại/ Ràn rạt mưa rơi chớp nhòa sấm dậy/ Phía bạn nằm bong bóng có xoay?” (Khoảng trời phía ấy có mưa). Đây là bài thơ xúc động viết tưởng nhớ bạn – Liệt sĩ Nguyễn Hữu Đọ. Trùng trùng động từ trong bài thơ ngắn. Nó thể hiện một tư duy năng động của chủ thể. Đầu óc chật căng ý nghĩ, cảm xúc, hành động. Phùng Trung Tập là người thơ động. Động qua động từ. Đó là đặc điểm câu chữ thơ anh. Tôi nghĩ thế! Đúng chăng?!