Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Bùi Việt Thắng| 31/05/2017 10:24

Ở ta, hiện tượng nhà thơ viết phê bình nay đã không còn hiếm. Không kể lớp tiền nhiệm như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Hoàng Minh Châu,… lớp sau có Vũ Quần Phương, Nguyễn Vũ Tiềm, Mã Giang Lân, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thụy Kha, Lê Thành Nghị, Đỗ Trung Lai, Khuất Bình Nguyên, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Inrasara,... Nhưng hăng hái và sục sôi hơn cả với thơ ca thì Nguyễn Việt Chiến, nếu có thể nói, là số hiếm.

 Năm 2015, Nguyễn Việt Chiến ra mắt liền hai tập thơ ở Nhà xuất bản Phụ nữ “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Hoa hồng không vỡ” và một “cẩm nang thơ” (tiểu luận phê bình, tuyển chọn giới thiệu) – “Thơ Việt Nam tìm tòi & cách tân” (1975-2015) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (tái bản 2016). Tôi có cái cảm giác Nguyễn Việt Chiến lúc nào trong người cũng sục sôi như có lửa. Cầm cuốn sách anh tặng dày 1.100 trang - có thể coi là một kỷ lục - quả thực là “tâm phục khẩu phục”, mới có cái cảm giác nhà thơ như anh là một “phu chữ” quả cũng không sai. Lao động nghệ thuật như thế trước hết cần được ghi nhận và đánh giá đúng mức.

Nhưng độc giả rồi sẽ hỏi: “Có gì đáng quan tâm trong tập sách dày đến cả hơn nghìn trang?”. Có đấy, xin thưa, rất nhiều chuyện để nói. Trước hết là công phu làm sách. Trong độ dày 1.100 trang có hơn 70 trang do chính tác giả viết gồm 7 tiểu luận về thơ Việt Nam đương đại 1975 - 2015 với một tựa đề lớn: Thơ Việt Nam 40 năm cách tân (Làm quen một cách đọc thơ mới, Lý giải sao đây khi thơ mỗi ngày một ít người đọc, Thơ Việt Nam sau 1975 - Nền và đỉnh, Đổi mới thơ để tồn tại, Những nẻo đường thi ca cách tân, Các thế hệ đổi mới của nền thơ đương đại, Xuất hiện một thế hệ thi ca hậu chiến).

Còn lại hơn 1.000 trang dành cho việc giới thiệu và tuyển chọn thơ của 69 tác giả được Nguyễn Việt Chiến coi là đã có công góp vào tìm tòi và cách tân thơ Việt Nam giai đoạn 1975 - 2015 (mỗi tác giả có phần bình ngắn gọn, chủ yếu là tuyển chọn một số tác phẩm thơ tiêu biểu). Tuy nhiên, việc tuyển thơ như điều kiện bây giờ không quá khó khăn về tư liệu. Internet có thể là một trợ thủ đắc lực cho người làm sách. Cuốn sách này nếu được đưa vào các trường học phổ thông và đại học sẽ rất thiết thực với cả người dạy và người học văn với ý nghĩa là một bộ sưu tập (collection) bổ ích.

Tha thiết với tiến trình thơ ca dân tộc thời hậu chiến

  Cuốn sách của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Theo dõi sự vận động của thơ Việt Nam sau 1975, độc giả đã được đọc một số công trình có tầm khái quát của Mã Giang Lân (Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại), Vũ Tuấn Anh (Nửa thế kỷ thơ Việt Nam), Phạm Quốc Ca (Mấy vấn đề thơ Việt Nam 1975 - 2000), Lê Lưu Oanh (Thơ trữ tình Việt Nam 1975 - 1990), Nguyễn Đăng Điệp (Thơ Việt Nam hiện đại - Tiến trình và hiện tượng), Lưu Khánh Thơ (Thơ và một số gương mặt thơ hiện đại Việt Nam),…Vì đã có cái “nền” tri thức tối thiểu nhưng rất căn bản về thơ Việt Nam hiện đại như thế nên khi tiếp nhận các tiểu luận của Nguyễn Việt Chiến, độc giả dường như không tri nhận thêm được điều gì thật mới mẻ có tính phát hiện trong việc cắt nghĩa hiện trạng thơ sau 1975, đặc biệt là sau Đổi mới (1986). Có chăng cần ghi nhận là một tình cảm tha thiết với  tiến trình thơ ca dân tộc thời hậu chiến, có chăng là cách viết run bật cảm xúc trong đánh giá, bình luận thơ ca đương đại từ góc nhìn của một nhà thơ nhiều thân phận và thành tựu.

Nếu cần ghi điểm cho Nguyễn Việt Chiến ở phần công việc này là ở chỗ anh đã chú tâm theo dõi thơ Việt Nam sau 1975 với tâm thế của người trong cuộc, nói theo cách của Hữu Thỉnh là “làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”. Thật công bằng mà nói thì trong số 7 tiểu luận đã nêu ở trên có 3 tiểu luận tương đối đầy đặn trong nhận định thơ: “Những nẻo đường thi ca cách tân” (10 trang), “Các thế hệ đổi mới của nền thơ đương đại” (16 trang) và “Xuất hiện một thế hệ thi ca hậu chiến” (16 trang). Ba tiểu luận này, theo ý chúng tôi, là “đứng” được trong đó người viết vừa kết hợp “điểm danh” và “cho điểm” từng tác giả cũng như cả thế hệ. Nhân cuộc hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức hồi cuối tháng 4 năm 2016, có ý kiến cho rằng trong văn chương không nên quá chú trọng vào “thế hệ” mà nên chú trọng vào những “cá nhân” sáng tạo!? Tôi nghĩ đây là một ý kiến đáng quan tâm.

Lối bình luận hùng hồn của Nguyễn Việt Chiến đôi khi dẫn dụ người đọc, kiểu như: “Thơ mới khó đọc hơn thơ cũ, không chỉ vì năng lượng tư tưởng của thơ cách tân có nhiều dạng thức mới, mà bởi sự chối bỏ vần điệu của thơ tự do khiến cho nhiều độc giả quen thưởng thức thơ có vần điệu thấy khó vào, khó hiểu” (Đề từ), “Nhưng không lẽ, cái khó khăn lớn nhất của việc mở đường, khai phá miền đất mới cho thi ca đã được các nhà thơ làm rồi, còn việc giới thiệu, cổ vũ, luận bàn về cái mới ấy, chúng ta lại cứ e dè, xét nét, ngẫm ngợi mãi sao” (tr. 5). Lối viết hùng hồn như thế dễ “gây hấn” cảm xúc của văn giới. Cũng tốt thôi, tôi nghĩ, đôi khi cũng cần có người gây hấn như thế cho “xôm trò”, cho có không khí trên một mặt bằng văn chương vốn lâu nay được xem là bình lặng, hiền lành quá, nhất là trong lĩnh vực phê bình.

Tha thiết với tiến trình thơ ca dân tộc thời hậu chiến

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (thứ Tư từ trái qua) được trao Giải thưởng VHNT Thủ đô 2016

Có chuyện để nói đấy, tôi nói thế là có bằng chứng hẳn hoi. Là người nhiệt huyết với nền thơ dân tộc, là người đã cầm bút viết những “vần thơ lửa cháy” như “Tổ quốc nhìn từ biển”, nên anh đem theo cái “lửa cháy” ấy vào phê bình thơ. Phê bình là khen chê hợp lý hợp tình. Nguyễn Việt Chiến, theo tôi, có lối phê bình thơ thường “kê cao” đối tượng lên quá cái mức thực vốn có của nó. Chẳng hạn viết về Trần Dần với những lời “có cánh” như sau: “Xin mở đầu phần các nhà thơ cách tân và tìm tòi bằng cố thi sĩ Trần Dần, tôi cho rằng, ông là nhà cách tân vĩ đại nhất của thơ đương đại Việt Nam trong hơn ba mươi năm qua. Có thể nói ông là người có công đầu trong việc “chôn” thơ tiền chiến và cả thứ thơ bắt chước thơ tiền chiến 1930 - 1945, để sáng tạo, để mở ra một thời đại mới cho thi ca…” (tr. 74 - 75).

Tôi và nhiều người yêu văn chương khác có đọc thơ Trần Dần, thấy có những điều lạ, khác người. Nhưng để xếp vào bảng danh dự là “nhà cách tân vĩ đại nhất” thì có lẽ còn phải xem xét, bàn luận nhiều hơn nữa. Bởi vì nếu quả thực Trần Dần là một “nhà cách tân vĩ đại nhất” thì có nghĩa là cùng với ông và sau ông thơ ca Việt Nam sẽ phải rẽ theo hướng khác, theo hướng của “người bẻ ghi”. Và sẽ có một “hội chứng Trần Dần” đối với các thế hệ sau. Nhưng là người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học hiện đại Việt Nam bốn mươi năm nay tôi chưa nhìn thấy hiện thực thơ ca ấy.

Nhiều người đồng ý với quan niệm cho rằng cái khác lạ không đồng nghĩa với cái mới. Còn một cá nhân mà mở ra được một thời đại mới cho thơ ca thì trong lịch sử văn chương thế giới cũng chỉ đếm đầu ngón tay. Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam (1941) khi viết tiểu luận Một thời đại trong thi ca  là nhằm để gắn với thành tựu của cả một thế hệ (trong tác phẩm để đời này ông tôn vinh 45 nhà thơ mới). Những tài năng thơ tầm cỡ thế kỷ như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử còn chưa được gọi là những người “mở ra một thời đại mới cho thi ca”. Một thế hệ may ra. Nhưng lại có độc giả cảm thông, chia sẻ với lối viết có chiều “hưng cảm” này của Nguyễn Việt Chiến. Vì tác giả là nhà thơ!?

Tha thiết với tiến trình thơ ca dân tộc thời hậu chiến

Bằng chứng nhận Giải thưởng cho tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Có chuyện để nói đấy. Mà có lẽ như thế mới vui còn hơn khi một cuốn sách không đem lại cho công chúng một niềm hưng phấn nào cả. Tôi nhớ không thật chính xác, ai đó nói, đại ý “Một ý kiến đưa ra nếu tất cả biểu đồng tình thì chưa hẳn là một ý kiến hay. Một ý kiến đưa ra nếu tất cả đều phản đối, thì chưa hẳn là ý kiến tồi. Một ý kiến đưa ra nếu chia đôi dư luận thì hãy chú ý, đáng quan tâm”. Cái phần sẽ gây ra những ý kiến trái chiều nhất có lẽ ở phần tuyển chọn và giới thiệu 69 tác giả được coi là có đóng góp vào tìm tòi và đổi mới thơ ca hậu chiến.

Theo tôi có 5 nhóm tác giả tiêu biểu, trong đó nhóm 4 và 5, theo cách đề xuất của Nguyễn Việt Chiến, dễ gây tranh luận và khó đi tới thống nhất trong đánh giá. Không sao nếu tác giả có ý gây men như thế. Nhóm thứ nhất gồm những tác giả được xác định là “thế hệ chống Mỹ” tiếp tục đổi mới trong hành trình thơ hậu chiến như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Trúc Thông, Thi Hoàng, Ngô Thế Oanh, Bằng Việt, Trần Nhuận Minh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng tạo, Nguyễn Thụy Kha, Phùng Khắc Bắc, Ý Nhi, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa,... Nhóm thứ hai gồm những tác giả sáng tác từ sau 1975, được coi là thế hệ chủ công hiện nay trên thi đàn như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Việt Chiến, Mai Văn Phấn, Y Phương, Nguyễn Khắc Thạch, Inrasara, Trần Anh Thái, Vi Thùy Linh,… Nhóm thứ ba gồm các nhà thơ ít nhiều có “dính” đến Nhân văn – Giai phẩm về sau được “chiêu tuyết” như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Hữu Loan, Phùng Quán, Phùng Cung. Ba nhóm này như cách lựa chọn của tác giả sách về cơ bản là đúng. Nhưng sao đông đảo quá (đến những 58 người), đã thật chặt chẽ trong tuyển chọn? Đáng bàn hơn là nhóm bốn gồm những tác giả như Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Du Tử Lê.

Những nhà thơ này rõ ràng có vị trí và thành tựu trong nền thơ dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa trước 1975, đã đành. Thậm chí tôi thấy họ cũng đã được đánh giá đúng và công bằng trong công trình nghiên cứu toàn diện, sâu sắc và thú vị của Nguyễn Bá Thành - “Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945 - 1975” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016). Người ta hay nói đến chữ “thời” của mỗi người, thậm chí của một thế hệ. Có chăng sự đóng góp thực sự của những nhà thơ có tiếng tăm này cho công cuộc đổi mới thơ ca Việt Nam thời hậu chiến? Tôi chưa được tác giả thuyết phục, còn người khác thế nào chưa rõ. Nhóm thứ năm gồm những tên tuổi còn ít người biết đến như Tấn Phong, Đỗ Doãn Phương, Lãng Thanh, Đào Quốc Minh, Lê Anh Phong, Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Nhóm này dẫu đã có tác phẩm trình làng, dẫu có người được giải thưởng, nhưng cái vị thế của họ giữa làng thơ, nhất là trong bối cảnh đổi mới thơ ca, đã thực sự là những điển hình “tận hiến” cho thơ ca? Tôi nghĩ là còn non, còn “chín ép”. Cũng trong phần tuyển chọn và giới thiệu, đáng tiếc còn bỏ sót một số tác giả có nhiều đóng góp cho thơ ca đổi mới như Thạch Quỳ, Mai Quỳnh Nam, Đoàn Thị Lam Luyến, Đặng Huy Giang, Trương Đăng Dung, Văn Cầm Hải, Tuyết Nga, Phan Huyền Thư,… Dẫu cho tác giả có lời trần tình về việc mình có thể chưa kịp đưa vào sách một số gương mặt thơ xứng đáng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Thôi thì đành lòng vậy cầm lòng vậy. Dẫu còn những trồi sụt như đã chỉ ra ở trên, tuy nhiên “Thơ Việt Nam tìm tòi & cách tân” (1975 - 2015) Nguyễn Việt Chiến tuyển chọn và giới thiệu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016 - Giải thưởng Văn, học Nghệ thuật Thủ đô 2016, theo tôi, vẫn là một cuốn sách đáng đọc vì nó gợi cho văn giới một cảm hứng đối thoại tích cực. 
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • ‏Những ấn tượng khó quên từ chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Vì Tầm Vóc Việt
    Ngày 15/11, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập. Bên cạnh dấu ấn những thành tựu vì cộng đồng qua suốt một thập kỷ của Quỹ từ thiện xã hội này, người tham dự còn ấn tượng với chương trình nghệ thuật chào mừng đặc sắc. Điểm đặc biệt của chương trình là 12 tiết mục nghệ thuật đều có sự tham dự không kém phần chuyên nghiệp của các nghệ sĩ “nhí” đến từ trường TH School.‏
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO