Nhà báo Đào Tùng với các đồng nghiệp quốc tế. Ảnh tư liệu
Nhìn lại cuộc đời 65 năm phấn đấu không mệt mỏi của ông, không thể không nghĩ rằng, quả thật, con người ấy sinh ra là để làm công tác thông tấn - báo chí của cách mạng. Từ người đoàn viên thanh niên cứu quốc 20 tuổi viết báo Chi Lăng trở thành một chiến sĩ cộng sản được giao nhiều trọng trách như Trưởng ty Thông tin tỉnh Bắc Giang, Chánh Văn phòng Nha thông tin - Tuyên truyền Văn nghệ và 24 năm cuối đời liên tục là người đứng đầu Thông tấn xã Việt Nam. Trong cuộc đời làm báo của mình, ngoài những trọng trách đã nói, ông còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia… thể hiện sự tin cậy của Đảng và Nhà nước ta đối với một nhà hoạt động quốc tế sôi nổi.
Đánh giá cao những cống hiến của ông, Nhà nước trao tặng ông Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hai mươi tư năm liền, từ năm 1966 cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào 8 giờ 10 phút ngày 15/9/1990, ông đã cùng Ban lãnh đạo TTXVN lãnh đạo toàn diện cơ quan xứng đáng là “tai, mắt của Trung ương”, cung cấp cho lãnh đạo những “nguồn tin chiến lược”, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng. Viết báo, viết tin, chụp ảnh… là công việc suốt đời của ông, nhưng đáng nói hơn cả, ông chính là nhà tổ chức và xây dựng một hãng thông tấn mạnh ngay từ trong chiến tranh. Điều kỳ diệu là ở chỗ, trong suốt cuộc chiến tranh ác liệt, TTXVN không một ngày nào, một phút nào ngừng hoạt động và chưa một địa bàn nào, mặt trận nào trên đất nước ta - dù bom rơi đạn nổ, dù gian lao, thử thách - vắng mặt phóng viên và kỹ thuật viên của TTXVN.
Bản thân nhà báo Đào Tùng là một người xông xáo, từng nhiều lần có mặt ở tuyến lửa, ở chiến trường, sát cánh cùng cán bộ của mình cung cấp những bản tin, những bức ảnh giá trị về cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân ta.
Nhà báo Đào Tùng là người rất có duyên với nhiếp ảnh. Có một điều còn ít ai biết, chính ông là người đã vinh dự được đồng chí Tố Hữu, phụ trách Nha thông tin Tuyên truyền - Văn nghệ cử đến Đồi Cọ (Bản Bắc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) để trao cho giới nhiếp ảnh, điện ảnh Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam số 147 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15/3/1953. Ngày đó, Đào Tùng đã hòa vào niềm vui chung của tất cả anh chị em nhiếp ảnh, điện ảnh trong cả nước vì với sắc lệnh này, một bộ phận non trẻ của đại gia đình văn nghệ Việt Nam được khẳng định và có hướng đi rõ rệt trong sự nghiệp phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Hơn một năm sau, tháng 7/1954, ông được cấp trên giao nhiệm vụ cùng một đồng chí nữa phụ trách đoàn báo chí của ta tại Hội nghị Trung Giã trong suốt 23 ngày (từ 4 đến 27/7/1954). Trong một bài viết về Hội nghị Trung Giã, Đại tướng Văn Tiến Dũng (lúc đó là Thiếu tướng), Trưởng đoàn đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tại hội nghị, cũng đã đề cập các hoạt động của Đào Tùng và các nhà báo Việt Nam. Ngày ấy, ông vừa tròn 29 tuổi, cái tuổi tràn đầy sinh lực.
Những ngày nhân dân cả nước đau buồn trước tang lớn của toàn dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần cũng là những ngày Tổng Biên tập TTXVN Đào Tùng thức trắng. Cho đến tận 2 giờ sáng ngày 6/9/1969 - ít giờ đồng hồ trước khi tiến hành lễ viếng vị lãnh tụ tối cao của dân tộc - ông đã cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long ra quảng trường Ba Đình nghiên cứu, chọn góc độ chụp ảnh Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn. Ngày 7/9, ông vinh dự được túc trực bên linh cữu Bác Hồ 5 phút, từ 8 giờ 30 đến 8 giờ 35 phút. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, tổ phóng viên đặc phái TTXVN đã tường thuật và chụp ảnh lễ viếng một cách xuất sắc, được Ban Bí thư khen ngợi.
Cũng xin nói đến việc ông được cử làm Tổng Chỉ huy chiến dịch thông tin - tuyên truyền cho chuyến bay lịch sử cách đây 41 năm (từ tinh mơ ngày 23 đến chạng vạng tối ngày 31 tháng 7 năm 1980) của Trung tá phi công - Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Tuân và phi công vũ trụ - Anh hùng Liên Xô Vích-to Go-rơ-bát-cô. Dịp ấy, phía Việt Nam chỉ được phép cử đến sân bay vũ trụ Baikonur 8 nhà báo, kể cả báo viết, báo nói, truyền hình Xưởng phim Quân đội. Trong số 8 nhà báo này có cả Thép Mới, Phó Tổng biên tập báo Nhân dân. Đào Tùng đã thao tác một cách linh hoạt, sôi nổi khi cùng các nhà báo được tới gần bệ phóng con tàu khoảng vài chục mét, để có thể quan sát và ghi lại hình ảnh chuyên chở tên lửa tới, đưa tên lửa vào bệ phóng và những công đoạn chuẩn bị tiếp theo.
Khi còn sống, Tổng Giám đốc Đào Tùng thường nhắc đến chuyến công tác mà ông cho là “lớn nhất”, “đáng ghi nhớ nhất”. Đó là chuyến dẫn đầu đoàn phóng viên, kỹ thuật viên vào Nam tăng cường cùng Thông tấn xã Giải phóng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ tháng 3 năm 1975 cho đến ngày toàn thắng, ông và đồng nghiệp đã làm việc không kể ngày đêm, bất chấp mọi khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Xe ông đã băng qua những nẻo đường Trường Sơn, khi lao trên đường cái lớn, khi len lỏi trong núi rừng, đi tới những cái đích cần đến của chiến dịch. Từ căn cứ Lộc Ninh, ông đã chỉ huy phóng viên theo các mũi tiến công, tranh thủ từng phút, từng giây đưa tin, ghi hình và cho phát đi kịp thời những dòng tin, bức ảnh lịch sử. Là người từng có mặt trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong không khí vui mừng của chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, ông cảm nhận đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn đất nước ta là chiến công huy hoàng nhất, vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Khi còn công tác ở TTXVN, nhất là trong thời gian thường trú tại Berlin, tôi đã may mắn một số lần được tham gia đoàn đại biểu TTXVN do ông dẫn đầu tại các hội nghị quốc tế. Ấn tượng sâu sắc mà tôi còn giữ mãi trong tâm trí mình là các bạn quốc tế rất kính trọng ông, luôn tìm nơi ông những ý kiến xác đáng, tin cậy. Cảm tình lớn lao này đối với nhà báo từng trải, nhà quản lý lão luyện, nhà hoạt động quốc tế sôi nổi trở thành một trong những thuận lợi của TTXVN trong việc xây dựng cơ sở kỹ thuật mạnh, đồng bộ với kỹ thuật thế giới, trong việc đào tạo và phát triển một đội ngũ cán bộ có khả năng khai thác tốt nhất các cơ sở kỹ thuật đó. Dường như lúc nào Tổng Giám đốc Đào Tùng cũng nghĩ đến sự tranh thủ hợp tác quốc tế rộng rãi, trên cơ sở những tình cảm của bầu bạn bốn phương. Ngày nay, nhìn cơ ngơi khang trang của hãng thông tấn nước nhà, không thể không nhớ tới công lao, nhiệt huyết của ông. Người ta càng nhớ tới ông, biết ơn ông vì tấm lòng trong sáng, vô tư của ông trong việc đào tạo không ngừng đội ngũ phóng viên và kỹ thuật viên ngày một giỏi giang để tiếp tục sự nghiệp thông tấn - báo chí mà ông từng là một trong những người khai phá.
Cách đây gần 20 năm, cũng nhân dịp kỷ niệm ngày mất của ông, tôi đã viết một bài với nhan đề: “Đào Tùng - người có công lớn trong việc nối liền đường dây thông tấn giữa Việt Nam và Đức”. Đó là bài đầu tiên trong loạt bài tôi viết về ông. Trong cái chung, tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về cuộc đời và sự nghiệp của nhà hoạt động thông tấn - báo chí đầy nhiệt huyết này. Cuộc đời và sự nghiệp ấy xứng đáng được thể hiện trong một quyển sách đầy đặn, không chỉ do một người mà nhiều người viết.
Ra đi ở tuổi 65, đó là cuộc ra đi quá đột ngột. Lẽ ra, ông còn sống đến hôm nay và còn cống hiến nhiều, nhiều nữa cho sự nghiệp thông tấn - báo chí của chúng ta. Là người thuộc thế hệ con em của ông, từng được ông dạy dỗ, dìu dắt, tôi luôn luôn nghĩ về ông, nhớ về ông với tấm lòng biết ơn và kính yêu sâu sắc. Những lời dạy của ông, tấm gương lao động quên mình của ông dường như lúc nào cũng hiển hiện trước mặt tôi, khi có thành tích cũng như khi yếu mềm, vấp ngã. Bởi vì ông, con người có tầm cao văn hóa và thấm đẫm chất nhân văn, lúc nào cũng nhìn chúng tôi với sự nghiêm khắc và bao dung; đòi hỏi và khích lệ. Có một lần, ông viết cho tôi, trong một lá thư dài đầy tình nghĩa của người thầy lớn, người anh lớn - mà lúc sinh thời ông, tôi vẫn gọi ông là “bác”:
“Đừng bao giờ lao vào cuộc sống tiêu thụ vật chất, hãy lao động bằng trí tuệ một cách kiên trì, luôn luôn hướng tới đỉnh cao của văn hóa. Trên đời này, không có gì quý giá và vĩnh cửu như sản phẩm trí tuệ, sản phẩm văn hóa”.
Tôi nghĩ rằng, toàn bộ cuộc đời Đào Tùng không mệt mỏi cống hiến cho sự nghiệp thông tấn - báo chí nước nhà cũng là cả một sự nghiệp lớn, một sản phẩm văn hóa vô giá, mãi mãi đáng được ghi nhớ và trân trọng.