Tạo 42 màu sắc từ gạo rang
Dù chưa từng học qua trường lớp hội họa, nhưng chị Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1978) luôn cháy bỏng đam mê với những bức tranh được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như vỏ trứng, lá cây, cát… Thêm nữa, là cô giáo mầm non, thường vẽ tranh và làm đồ chơi cho các em nhỏ nên tình yêu nghệ thuật, yêu hội họa trong chị càng được nhân lên cùng những sân chơi sáng tạo. Năm 2015, chị Vân thực hiện bức tranh gạo đầu tiên - bức thư pháp chữ “Tâm” cho Trường Mầm non Phù Lỗ (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn), nơi chị công tác để đấu giá lấy kinh phí làm từ thiện. Bức tranh được nhiều người yêu thích đã thôi thúc niềm say mê sáng tạo trong chị. Sau đó chị Vân làm thêm nhiều sản phẩm tặng người thân.
Thấy những bức tranh gạo đẹp, độc đáo, nhiều người động viên chị Vân tạo ra sản phẩm thương mại để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2016, chị Vân cùng chồng mở xưởng sản xuất và chính thức đưa sản phẩm tranh gạo ra thị trường. Chị Vân cho biết: "Để bức tranh đẹp, có chiều sâu, đòi hỏi người thợ phải hội tụ sự cần cù, tỉ mỉ và tinh thần say mê sáng tạo. Còn gạo để làm tranh là loại gạo lài sữa có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam, hạt thon, dài lại chắc. Để tạo màu sắc cho tranh thì tùy vào ý muốn, tôi rang gạo với thời gian nhiều hay ít. Một mẻ gạo rang nhanh nhất là 30 phút, sẽ cho màu trắng ngả vàng; để có màu nâu đen, gạo phải được rang từ 5 đến 6 giờ. Mày mò, đúc rút kinh nghiệm qua những mẻ gạo rang, tôi đã tạo ra được 42 màu sắc khác nhau”.
Để tạo tranh, người thợ vẽ phác thảo nội dung trên tấm gỗ rồi bôi keo và xếp đặt các hạt gạo rang lên theo ý tưởng. Tùy chủ đề, bố cục mà người “họa sĩ” chọn tông màu rồi kiên nhẫn, tỉ mỉ đặt từng hạt gạo vào bức tranh sao cho có hồn, có chiều sâu, thể hiện được ý tưởng. Sau đó, bức tranh được phơi nắng, sơn bóng và phủ thuốc chống mối mọt để tăng tuổi thọ rồi đóng khung. “Để tranh gạo không bị ẩm mốc, ngoài việc rang khô, gạo còn được dán trên tấm gỗ dày 1cm có tác dụng hút ẩm. Tôi cũng tư vấn cho khách hàng nên treo ở vị trí khô, thoáng trong nhà để bảo đảm độ bền của tranh”, chị Vân chia sẻ.
Góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa
Cùng với nghề dạy học mầm non, chị Nguyễn Thị Vân luôn tranh thủ sớm tối để làm việc và hướng dẫn kỹ thuật cho những người thợ tranh. Hiện nay, mỗi tháng, xưởng tranh gạo của chị sản xuất từ 170 đến 200 bức tranh lớn - nhỏ, chủ yếu về đề tài phong cảnh quê hương như cánh đồng, cây đa, giếng nước hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng (Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột); tranh chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Tâm, Đức... Có những khách hàng còn đặt chị Vân “vẽ” tranh gạo chân dung người thân để tặng dịp sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới...
Tranh gạo của chị Vân không chỉ phong phú về đề tài mà còn có nhiều lựa chọn về mức giá. Những bức tranh nhỏ chỉ vài trăm nghìn đồng; còn những bức lớn, được làm công phu có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đặt mua tranh gạo của chị Vân để làm quà tặng cho các đối tác nước ngoài. Việc này đã góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đến với bạn bè quốc tế.
Dịp cuối năm cũng là thời điểm cơ sở sản xuất tranh gạo của chị Vân tất bật vào vụ. Không chỉ huy động tất cả thành viên trong gia đình, cơ sở sản xuất của chị Vân còn thu hút thêm 11 lao động địa phương. Mới đây, chị Vân đã đưa 4 sản phẩm tranh gạo dự thi đánh giá, phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội năm 2021 và được đánh giá cao. Chị Vân mong muốn, qua Chương trình OCOP, cơ sở sản xuất sẽ được hỗ trợ để nhận diện thương hiệu sản phẩm, bảo hộ độc quyền và quảng bá đến du khách, người tiêu dùng trên cả nước.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận xét, tranh gạo của chị Nguyễn Thị Vân là dòng sản phẩm hết sức độc đáo, được tạo ra từ ý tưởng sáng tạo và đôi tay tài hoa. Ngoài khía cạnh phát triển kinh tế nông thôn, tranh gạo còn là phương thức quảng bá văn hóa Việt Nam với nền văn minh lúa nước lâu đời đáng tự hào.
Niềm đam mê nghệ thuật và những ý tưởng sáng tạo của chị Nguyễn Thị Vân rất đáng trân trọng. Những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo như vậy là hết sức cần thiết để góp phần phát triển nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô và làm cho bức tranh kinh tế nông thôn của Hà Nội ngày càng đa sắc.