Người phụ nữ nghèo, bất hạnh đầy nghị lực

Cao Thanh Nhàn| 11/10/2017 14:59

Chị Bùi Thị Giàu - hội viên Hội Phụ nữ phường Quang Trung, ngụ số nhà 513- Trần Nhân Tông - TP Kon Tum, là một tấm gương tiêu biểu cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn noi theo. Chị đã vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo và nuôi dạy con cái thành tài bằng chính nghị lực và ý chí của mình.

Người phụ nữ nghèo, bất hạnh đầy nghị lực
Chị Bùi Thị Giàu

Người phụ nữ gốc Phù Cát – Bình Đinh,không ngừng rơi nước mắt khi kể về cuộc đời mình. Vì gia cảnh nghèo, đông anh chị em, cơm không đủ ăn nên chị lên Kon Tum lập nghiệp. Đến năm 1982, chị lập gia đình và lần lượt sinh con. Hai vợ chồng luôn chí thú lao động chủ yếu thu mua rau củ trong làng đi bán rông tại Đăk Tô, làm thuê để sinh sống và nuôi con ăn học. Thế nhưng cái nghèo cứ đeo bám gia đình chị mãi, vì anh chị không nghề, không vốn, con còn nhỏ trong tuổi ăn học, kinh tế rất khó khăn, làm không đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Đã thế, tai họa còn giáng xuống cuộc đời chị khi chồng đột ngột qua đời do lâm bệnh hiểm nghèo, vào năm 2005. Anh đã để lại cho chị 3 đứa con thơ. “Anh là người đàn ông tốt, yêu thương vợ. Tôi thầm cảm ơn vì tuổi thơ khổ nên giờ trời thương, gặp người chồng tốt. Vậy mà… Đúng là ông trời cứ đùa cợt tôi”- Chị chia sẻ. Không kìm lòng được chị lại khóc nức nở. Nỗi đau như ùa về cào cấu con tim vốn đã cô đơn và đầy những vết sẹo. 

Vậy là bao nhiêu khó khăn chồng chất, đổ dồn lên đôi vai gầy của người phụ nữ tội nghiệp. Thời gian đầu, chị đã mấy lần nghĩ quẩn, định làm liều chết chung vì chị nghĩ làm sao mình có thể vực dậy bởi cú sốc về tinh thần này? Nỗi đau của người quá phụ? Một mình lang thang nơi đất khách quê người? Đó là cú sốc quá lớn, cộng thêm nữa là đời sống kinh tế hiện tại lại hết sức túng quẫn, ngoài mảnh đất, gia sản không còn gì, xa cha mẹ, bên chồng lại càng khó khăn, neo đơn khi bà mẹ chồng của chị cũng chịu cảnh nuôi con cho chồng.
Người phụ nữ nghèo, bất hạnh đầy nghị lực

Thành tích học tập của các con là niềm vui lớn nhất của chị


Sau khi lo xong hậu sự cho chồng, chị chính thức lao đầu vào công việc. Chị làm quên cả giờ giấc, như thể một con thiêu thân lao vào guồng quay của cuộc sống bần hàn. Ban đầu ai thuê gì làm đó, mỗi ngày kiếm khoảng 20 đến 30 nghìn đồng, để leo lắt bữa cơm bữa cháo qua ngày. Về sau, việc làm cũng ít đi, không thể tự xoay xở nuôi con. Chị mạnh dạn vay được một ít vốn để đi buôn ngô, mì trong các làng bản. Với đức tính cần cù, chịu khó, biết tằn tiện chắt chiu cùng với nghị lực và bằng cả tình thương vô bờ của người mẹ, chị đã cố gắng vượt qua nỗi đau. Sớm hôm “lên thác xuống ghềnh” lênh đênh bên chiếc xe đạp cũ nát. Dần dần chị cũng kiếm được tiền đủ nuôi con ăn học và  đã tìm lại chút niềm tin trong cuộc sống khi ngày ngày trông thấy 3 con khôn lớn và ngoan ngoãn, biết thương yêu, chia sẻ khó khăn cùng người mẹ bất hạnh.

Nhưng rồi thử thách vẫn chưa chịu dừng lại khi cầm trên tay bệnh án gai cột sống. Có lẽ thời gian qua chị đã bốc vác quá sức nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Lại một lần nữa chị đau đớn trong tuyệt vọng, sợ không biết bấu víu vào đâu để nuôi con, khi 3 con đang tuổi ăn, tuổi học. Chị tâm sự: “Lúc đó, tôi cứ khóc, van trời không thấu, đất không nghe, người ta nói: “sông có khúc, người có lúc”, mà sao cuộc đời tôi nó khổ dữ không biết. Sống với cha mẹ cũng nghèo khổ, lấy chồng còn khổ gấp bội”. Và rồi với nghị lực phi thường, chị lại mạnh dạn vay ngân hàng với số vốn 200 triệu, cùng sự giúp sức, ủng hộ của chị em phụ nữ để xây khu trọ ngay trên khu đất mà vợ chồng chị tích góp trước khi chồng mất. Cùng với công việc bán bánh mì, chị đã thoát khỏi cảnh hoang mang khi cái thiếu ăn cứ rình rập. Hàng tháng, chị thu tiền phòng, lãi từ bán bánh mì, chị đã nuôi được 3 đứa con thành đạt, trang trải cuộc sống qua ngày.

Đúng là khó khăn luôn thử thách lòng người, giờ đây mặc dù cuộc sống không mấy khá giả nhưng những đứa con ngoan của chị đã vượt qua được những khó khăn và trở thành người có ích cho xã hội. Chị tâm sự: “Bây giờ tôi thấy rất vui và phấn khởi, 3 đứa con tôi đã khơi dậy nguồn sống cho tôi. Trời thương, đứa nào cũng biết nghe lời mẹ, tự giác học hành, ngoan. Tại tôi quá khổ nên dù có chết tôi cũng không bao giờ để các con tôi bước theo dấu chân tôi. Mong chúng nó sung túc, sống tốt là tôi mừng lắm rồi”.

Một tay nuôi 3 đứa con ăn học, nay 2 đứa đầu đã yên bề gia thất. Cô con gái vừa tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng và làm việc cho một công ty du lịch với thu nhập rất khá. Giờ đây, ngày mưa như ngày nắng chị vẫn cần mẫn đẩy xe bánh mì đi bán đến 22, 23 giờ đêm mới về. Mồ hôi thấm mệt, lưng tê buốt nhưng dường như mọi mệt mỏi tan biến khi nghĩ về các con. Chị càng có thêm động lực khi người người hết lời khen ngợi tấm gương hiếu học vượt khó của con trai út. Em Trần Thanh Tùng hiện đang là sinh viên năm cuối Bác sĩ Đa khoa - Trường Đại học Y dược Huế. Được biết trong mấy năm học em đều đạt được thành tích cao trong học tập, dường như hoàn toàn không mất tiền học phí do em được trợ cấp tiền từ các giải thưởng và tiền học bổng em dành được. Em đã được Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao học bổng Sinh viên nghị lực: vượt khó, học giỏi.

Chị Hà Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Quang Trung cho biết: “Chị Bùi Thị Giàu thực sự là tấm gương tiêu biểu cho toàn thể chị em phụ nữ trong và ngoài phường học tập, noi theo. Chị đã vươn lên bằng chính đôi vai của mình. Chị đã vượt qua bao thử thách tưởng chừng như là không thể. Tôi rất mừng khi có hội viên như thế”.

Hạnh phúc đã trở lại với chị Bùi Thị Giàu dù niềm hạnh phúc ấy không thể trọn vẹn.

Nhưng nhìn sâu vào đôi mắt chị, thì không ai là không nhận ra được niềm hy vọng đang trỗi dậy khi chị đưa mắt hướng về tương lai của những đứa con. Đâu đây hương vị dịu êm của cuộc sống cứ vấn vương, lan tỏa như thể đang muốn gắn kết, níu giữ tâm hồn và nghị lực của những con người bất hạnh đã và đang tìm lại dư vị vốn có của cuộc sống tươi đẹp. Hi vọng rằng, mọi suy tư, phiền muộn sẽ dần tan biến, nhường chỗ cho niềm vui và hạnh phúc trong quãng đời còn lại. Vì chị là người đáng được hưởng niềm hạnh phúc ấy- người phụ nữ đầy nghị lực.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xúc động những câu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế
    Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909.
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Phát động bình chọn “Những bản hùng ca của đất nước”
    Với chủ đề "Những bản hùng ca đất nước", cuộc bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất chính thức được phát động ngày 18/5 tại Hà Nội.
  • Khánh thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô
    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Công an TP Hà Nội và 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, Công an TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình "Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô".
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ nghèo, bất hạnh đầy nghị lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO