Thất bại không nản
Sinh ra và lớn lên tại miền quê thuần nông xã Đa Tốn, từ nhỏ đã gắn bó với công việc đồng áng nên hơn ai hết ông Trần Văn Thuận thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Cũng như mọi người, dù ông Thuận chăm chỉ làm lụng nhưng kinh tế gia đình cũng không thể khá giả...
Cơ duyên đã đến khi vào mùa hè năm 2017, ông Thuận cùng gia đình người con gái có dịp thăm thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Vốn sẵn niềm đam mê trồng trọt, khi vào tham quan Đà Lạt, ông bị cuốn hút mạnh mẽ bởi hệ thống nhà lưới, nhà màng trồng rau, củ, quả trải dài đẹp mắt... Ông Thuận nhớ lại: "Ngay lúc ấy, tôi đã có ý nghĩ sẽ quyết tâm học tập mô hình này và phát triển ở quê hương".
Ngay sau chuyến đi, về nhà ông Thuận đã bàn bạc với gia đình và quyết định dốc hết vốn liếng để thuê hơn 1ha đất của xã Đa Tốn xây dựng nhà màng trồng rau thủy canh, với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Thời gian đầu triển khai, ông Thuận lặn lội vào Đà Lạt nhiều lần để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và tìm nguồn giống cây, rau phù hợp. Sau khi công trình nhà màng rộng hơn 1ha hoàn thành, ông Thuận ươm trồng những loại rau ăn lá, rau gia vị theo công nghệ thủy canh. "Không có con đường thành công nào dễ dàng cả, tôi đã nếm trải thất bại bởi nhiều lứa rau ban đầu không đạt chất lượng như mong muốn. Nhưng đã làm rồi, tôi quyết đi cho đến cùng để đạt thành công...", ông Thuận chia sẻ.
Không nản lòng sau những thất bại ban đầu, với sự giúp sức của con gái là chị Trần Thị Thanh, ông Trần Văn Thuận đã từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện thành công mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng. Nhờ có phương pháp chăm sóc phù hợp, cây rau sinh trưởng, phát triển tốt và đến nay sản lượng thu hoạch hằng ngày lên đến hàng tạ rau an toàn. Sản phẩm rau thủy canh của ông Trần Văn Thuận dần có chỗ đứng vững trên thị trường Hà Nội. Chị Trần Thị Thanh cho biết: "Để bảo đảm tiếp cận người tiêu dùng một cách chuyên nghiệp, gia đình tôi cung ứng rau ra thị trường thông qua 8 cửa hàng, phân bố ở một số khu chung cư và hệ thống siêu thị Vinmart trên địa bàn Hà Nội với sản lượng 6-7 tạ rau/ngày".
Tuổi cao gương sáng
Điều đáng quý là ngoài việc phát triển kinh tế cho gia đình, ông Trần Văn Thuận còn chia sẻ kỹ thuật canh tác cho người dân trên địa bàn thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn. Nhờ vậy, nhiều gia đình ở thôn Ngọc Động đã bắt đầu chuyển sang chuyên canh những loại rau an toàn có năng suất và giá trị kinh tế cao hơn. Bà Cam Thị Vân, ở thôn Ngọc Động chia sẻ: "Nhờ ông Thuận "cầm tay chỉ việc", phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm nên hiện nay gia đình tôi đã chuyển sang trồng rau an toàn. Đặc biệt, sản phẩm rau còn được ông Thuận giúp làm cầu nối để tiêu thụ ổn định".
Cũng như gia đình bà Cam Thị Vân, các gia đình ông Lê Văn Kỳ, bà Lê Thị Lịch, ông Đặng Văn Phác... và nhiều hộ khác ở thôn Ngọc Động đã được ông Thuận tận tình giúp đỡ để chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang chuyên canh trồng rau an toàn. "Trồng rau theo mô hình mới vừa tăng năng suất, vừa làm ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Từ đó, thu nhập của chúng tôi cũng ổn định hơn, đạt bình quân 5-7 triệu đồng/người/ tháng", ông Lê Văn Kỳ nói.
Không chỉ mở hướng phát triển kinh tế cho người dân địa phương, ngay tại mô hình trồng rau thủy canh, ông Trần Văn Thuận đã tiếp rất nhiều người dân ở các địa phương khác đến tìm hiểu, học tập cách làm. Thậm chí, mô hình trồng rau thủy canh của ông đã trở thành lớp học thực tế sinh động cho nhiều sinh viên nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp. Anh Nguyễn Hữu Hiệp, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã từng nhiều lần đến đây để nghiên cứu mô hình, cho biết: "Tôi được bác Thuận giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể và được thực hành ngay tại nơi sản xuất. Việc này đã giúp tôi ứng dụng tối đa kiến thức được học vào thực tiễn. Đặc biệt, bác Thuận đã chia sẻ những kinh nghiệm rất hay trong sử dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đây là hành trang quý để tôi có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sau khi ra trường".
Chia sẻ về ông Trần Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn Đỗ Văn Kiên khẳng định: "Mô hình trồng rau an toàn của ông Thuận đã, đang được mở rộng hiệu quả ở xã Đa Tốn, qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn. Ông Thuận là người nông dân đi tiên phong, đã nêu cao tinh thần “Tuổi cao gương sáng” ở địa phương, xứng đáng với danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021 do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng".