Người lính Sài Gòn trong bộ ảnh “Hai người lính
Sáng ngày 19/5, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Hà Nội. Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành là một trong số tác giả vinh dự được nhận giải thưởng cao quý này với bộ ảnh “Hai người lính”. Tôi lại nhớ hồi tháng 4/2021, tôi có dịp đi cùng ông, nữ nhà báo Dương Phương Vinh, Báo Tiền Phong và tổ phóng viên VTV để gặp ông Bùi Trọng Nghĩa, người lính Sài Gòn trong bức ảnh.
Bùi Trọng Nghĩa và Nguyễn Huy Tạo là nhân vật trong bức ảnh “Hai người lính” và những ảnh liên quan tới ngày hòa bình đầu tiên trên đất Quảng Trị, năm 1973. Đó là cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại Việt Nam. Nhà báo Chu Chí Thành kể lại hồi đó dù chiến tranh chưa chấm dứt, quân lính hai bên đã có những cuộc gặp mặt và trò chuyện rất vui vẻ. Họ qua giao lưu, uống nước, uống trà, hút thuốc. Có một lính thủy quân phía Sài Gòn rất hồ hởi đến làm quen với các chiến sĩ Giải phóng, đó chính là ông Bùi Trọng Nghĩa. Ông đến bắt tay một nữ du kích là Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch và khoác vai một người lính giải phóng, làm nên bức ảnh “Tay bắt măt mừng” và “Hai người lính” mà ông Thành ghi lại.
Đó là những khoảnh khắc vàng mang khát vọng hòa bình và hòa hợp dân tộc. Thời gian đã trôi qua, dấu tích tan hoang của bom đạn không còn nữa, và người ta có thể quên đi mọi chuyện. Nhưng còn đó hình ảnh những con người đã từng lao vào khói lửa chết chóc, rồi bỗng nhiên được ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh yên bình với cánh chim hải âu lâng lâng trên biển Cửa Việt.
Thực ra không có bức ảnh “Hai người lính” của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành thì người ta không thể biết được Nguyễn Huy Tạo và Bùi Trọng Nghĩa là ai. Mãi đến năm 2015, chiến sĩ quân Giải phóng Nguyễn Huy Tạo mới xuất hiện trên báo chí, còn Bùi Trọng Nghĩa, sau cuộc xuất hiện của ông Tạo 2 năm mới bước ra công luận. Nguyễn Huy Tạo, người Hà Nội, đã về hưu với cấp bậc Thượng tá. Ông đang sống cuộc đời bình lặng bên gia đình, bạn bè.
Còn ông Nghĩa, lính Thủy quân lục chiến Sài Gòn bên thua trận, hiện cùng vợ con sống ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc chúng tôi đến thăm, ông Nghĩa nắm tay ông Thành thật chặt. Họ gặp nhau vui vẻ như những người thân quen.
Người lính Cộng hòa này năm xưa khá đĩnh đạc, đẹp trai. Hãy nhìn lại nụ cười của anh ta với mấy cô du kích Triệu Phong, một tay nắm bàn tay nhỏ nhắn của “đối phương”, còn tay kia kẹp điếu thuốc lá, áo rằn ri phanh ngực, đúng dáng dấp thanh niên trong tốp phong tình có hạng của Sài Gòn. Có lẽ thế nên tình duyên và hôn nhân của người lính này không tránh khỏi sóng gió.
Ông Nghĩa bảo, di chứng những năm bom đạn căng thẳng và rượu mạnh thời chiến đã khiến ông mắc chứng mất ngủ, thường bỏ bữa tối nên sức khỏe ngày một sút giảm đi. Kém ông Thành 10 tuổi, nhưng nhìn qua tưởng hai ông ngang tuổi nhau.
Ngôi nhà của gia đình ông Nghĩa ở cũng khá sáng sủa, khoảng hơn 30m2. Những năm trước dột nát lụp xụp lắm. Nhưng từ năm 2017, nhờ có tiền hỗ trợ của bạn đọc Báo Tiền Phong, và một số công ty tài trợ, ông Nghĩa đã nâng cấp căn nhà đẹp ngang các nhà trong ngõ xóm.
Được biết sau hiệp định Paris, ông Nghĩa vẫn đóng tại Quảng Trị, khi quân Giải phóng làm chủ tỉnh Quảng Trị, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Nghĩa chạy vào Đà Nẵng, ông bị bắt ở Mỹ Khê. Sau 4 tháng cải tạo, ông được về thành phố Hồ Chí Minh bước vào cuộc mưu sinh.
Là người năng nổ trong công việc nhưng ông không may, gặp nhiều thất bại. Mấy năm đầu tư nuôi cá trê phi, mất cả vốn lẫn lãi. Với hai bàn tay trắng, phải làm cả những việc thu nhập thấp như chở đồ, khuân vác... Nhưng ông không hề oán thán. Ngay khi nhiều người, kể cả nhà báo nước ngoài, biết ông là nhân vật trong ảnh “Hai người lính” muốn khai thác viết bài, quay phim, chụp ảnh ông đều từ chối. Vì ông ngại người ta viết mà thêm mắm muối, sai lệch sẽ gây phiền toái.
Chia sẻ về câu chuyện năm xưa ông Bùi Trọng Nghĩa trải lòng: “Đi lính là do thời thế bắt buộc. Đã làm người thì ai cũng muốn sống yên bình, chứ đâu muốn ra ngoài chiến trường chịu cái cực khổ, chết choc. Người lính nào cũng vậy, đều mong muốn yên ổn thôi.”
Về cuộc chiến vừa qua, ông bày tỏ: “Không có từ nào miêu tả nổi, đa số những người trải qua chiến tranh rồi thì đều sợ chiến tranh lắm. Không ai muốn huynh đệ tương tàn. Dù thế nào thì người lính Bắc, người lính Nam cũng đều là người Việt Nam mình.”
Ngồi bên nhau, ông Nghĩa nắm tay ông Thành nói rất vô tư và thoải mái: “Khi ra trận, mình cầm súng chỉ để bảo vệ mình thôi. Còn khi hết đánh nhau rồi, hòa bình rồi thì khác, không có bắn giết nhau, thì làm gì có thù hằn nữa. Mà thực ra người cầm súng hai bên có biết nhau đâu mà ghét hay thương”.
Ông bộc bạch: “Khi được tin hai bên sẽ ngưng chiến, mình cố tránh những chỗ có lửa đạn. Cố gắng tránh rủi ro để còn có thể về với gia đình. Lúc kết thúc chiến tranh là mừng lắm”.
Chính vì vậy, mà anh lính Cộng hòa này ngày ấy đã vô tư bá vai Nguyễn Huy Tạo, và bắt tay o Chinh, mà 45 năm sau ông mới biết o là bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch. Ngày ấy, hòa bình đối với trung sĩ Bùi Trọng Nghĩa là vô cùng ý nghĩa...
Hôm hai nhà báo Chu Chí Thành và Dương Phương Vinh đến thăm gia đình ông, ông vui ra mặt. Ông nói:
“Được đón tiếp và mời cơm anh Thành, cô Vinh tại nhà là em thấy quý lắm. So với lần đầu gặp gặp các anh chị ở Quảng Trị, thì lần gặp này tình cảm hơn nhiều. Lần trước thì vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, giờ thì có cơ hội để hiểu nhau nhiều hơn, gắn bó hơn”.
Ông Nghĩa đã đọc bài viết của nhà báo Dương Phương Vinh thuật lại cảm nghĩ của nhà văn Bảo Ninh, tác giả tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” về câu chuyện bức ảnh “Hai người lính”. Ông rất tâm đắc, ông thấy rằng khi hai bên hòa giải, không có thù hận, mà ai cũng cởi mở thì bức ảnh sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Nên ông cảm thấy mình rất may mắn khi là nhân vật trong những bức ảnh của nhà báo Chu Chí Thành./.