Người gieo hy vọng cho trẻ khuyết tật

nhipsonghanoi| 26/07/2020 13:48

Nhiều năm qua, Trung tâm Hy Vọng ở số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã (quận Ba Đình) trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều bậc phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em mình bị khuyết tật đến để chăm sóc, phục hồi chức năng. Đồng hành, gắn bó với trẻ ở đây chính là bác sĩ, nhà giáo, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng Đỗ Thúy Nga - người được ví đã mang niềm tin và "gieo" hy vọng cho trẻ khuyết tật.


Người gieo hy vọng cho trẻ khuyết tật
Giám đốc Trung tâm Hy Vọng Đỗ Thúy Nga với các trẻ khuyết tật.

Chia sẻ yêu thương

Gần 80 tuổi, trong khi nhiều người đã nghỉ ngơi, nhưng bà Đỗ Thúy Nga vẫn miệt mài với công việc tại Trung tâm Hy Vọng, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 70 trẻ khuyết tật.

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, sau 10 năm làm bác sĩ nhi khoa, bác sĩ Đỗ Thúy Nga về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình. “Hồi làm công tác giáo dục, tôi thường xuyên đến kiểm tra các trường học trên địa bàn và nhận thấy có nhiều học sinh chậm chạp hơn bình thường. Từ đó, tôi luôn mong ước có một cơ sở nào đó tiếp nhận trẻ em bị khuyết tật, chăm sóc các em kỹ càng hơn, dạy dỗ các em những điều đơn giản hơn bình thường”, bà Đỗ Thúy Nga chia sẻ.

Năm 1998, khi về hưu, bà Đỗ Thúy Nga đã quyết tâm biến ước mơ của mình thành hiện thực. Trên mảnh đất (khoảng 60m2) mượn của cô con gái đã lập gia đình, tại số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã (quận Ba Đình), bà Nga đã xây dựng một căn nhà 4 tầng để làm trung tâm chăm sóc và dạy trẻ khuyết tật. Trẻ vào trung tâm đa phần là các cháu bị khuyết tật trí tuệ như di chứng viêm não, viêm màng não, bại não, động kinh, tăng động giảm chú ý... nên việc chăm sóc, dạy dỗ rất vất vả.

Những ngày đầu, trung tâm còn ít học sinh, với kinh nghiệm vừa là bác sĩ, vừa là nhà giáo, bà Nga không quản ngại khó khăn, trực tiếp cùng các cô giáo chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Đến nay, số học sinh tăng lên 70 em, chia làm 4 nhóm lớp theo độ tuổi và theo dạng khuyết tật. Các em được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo, từ cách phát âm đến những kỹ năng tự phục vụ bản thân như vệ sinh, ăn uống... "Sau một thời gian được dạy dỗ, chỉ bảo, các em đã có những tiến bộ bất ngờ. Chứng kiến những điều tưởng như bình thường đó, tôi và nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt...", bà Nga chia sẻ.

Tiếp tục cống hiến để các em hòa nhập cuộc sống

Đồng hành với bà Nga là 15 giáo viên và nhân viên của Trung tâm Hy Vọng, trong đó có những giáo viên đã gắn bó từ khi trung tâm thành lập đến nay. Là người có "thâm niên" ở trung tâm, chị Nguyễn Thị Quý nhớ rõ chặng đường đón nhận những đứa trẻ từ lúc còn bế ẵm đến khi trưởng thành. Chị Quý cho biết, điều níu kéo chị làm việc tại trung tâm từng đấy năm là những tin vui từ các em đã hòa nhập với cuộc sống, đi làm, lập gia đình như Đồng Đức Linh, Nguyễn Anh Phong, Hứa Trung Chính...

Bên cạnh những nỗ lực của cô trò trong trung tâm thì sự ủng hộ vật chất, tinh thần của các tổ chức đoàn thể như: Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội, chính quyền và các đoàn thể phường Kim Mã, Tổ chức Projects Abroad English, Tổ chức Unireach International (Mỹ), các tình nguyện viên trong và ngoài nước... là nguồn động viên khích lệ quý báu giúp các em vượt qua bệnh tật sớm hòa nhập cộng đồng.

Chị Phạm Mai Như, phụ huynh của cháu An Nguyên, cho biết: "Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi con đến học tại Trung tâm Hy Vọng, được các cô giáo yêu thương, dạy dỗ. Nhờ những người tâm huyết như bà Nga và các cô giáo ở trung tâm, con tôi và các cháu khuyết tật khác từng bước hòa nhập với cộng đồng”, chị Như chia sẻ.

Vượt qua những khó khăn của cơ sở tư thục tự hạch toán thu, chi với thu nhập của giáo viên, nhân viên chưa cao, nhưng bà Đỗ Thúy Nga vẫn thu xếp giảm học phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Trung bình học phí của mỗi trẻ là 4 triệu đồng/tháng, nhưng có trẻ được giảm học phí còn 1,5 triệu đồng/tháng do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không có công việc ổn định. Một số trẻ ở ngoại tỉnh đến học tại trung tâm còn được miễn giảm một phần học phí để hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ tại Hà Nội...

Phó Chủ tịch UBND phường Kim Mã Cao Hợp Thanh cho biết, Trung tâm Hy Vọng do bà Đỗ Thúy Nga làm giám đốc là cơ sở giáo dục đặc biệt. Vì vậy, UBND phường luôn quan tâm, thăm hỏi, tặng quà các em nhỏ vào dịp lễ, Tết với mong muốn chia sẻ, giúp các em vơi bớt thiệt thòi, đồng thời động viên các giáo viên vượt qua khó khăn, chăm sóc, giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng.

Sự kiên trì và cố gắng của tập thể giáo viên Trung tâm Hy Vọng không chỉ đem tình yêu thương đến cho những trẻ em thiệt thòi mà còn giúp phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi trẻ. Còn bà Đỗ Thúy Nga thì luôn tâm niệm, giúp trẻ bị khuyết tật tiến bộ, mang đến niềm vui, hy vọng cho mỗi trẻ và gia đình là hạnh phúc của bà.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Người gieo hy vọng cho trẻ khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO