Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Huy Cận

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn| 31/05/2019 09:14

Từ bốn năm trước khi in tập thơ Lửa thiêng (NXB Đời nay, Hà Nội, 1940), Huy Cận đã có thơ trên các báo Tràng An, Sông Hương (bút danh Hán Quỳ) và báo Đời nay. Ngay đương thời, thơ Huy Cận đã sớm được chào đón, ghi nhận, đánh giá cao. Các bài giới thiệu chân dung, tựa, đọc sách, phê bình, nhận định của Xuân Diệu, Lương An, Lương Đức Thiệp, Hoài Thanh - Hoài Chân, Diệu Anh (Đinh Gia Trinh), Vũ Bội Liêu, Trương Chính, Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế… đã đi sâu phân tích những phương diện cơ bản nhất về hồn thơ, n

Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Huy Cận

Cái “mạnh thầm” đặc biệt

Vào năm trước, người bạn thơ đàn anh Xuân Diệu đang nổi tiếng trên thi đàn với tập Thơ thơ (1938) và nhiều bài luận sắc sảo trên báo Ngày nay thì đến năm sau (1939) lại nồng nhiệt giới thiệu Huy Cận với công chúng yêu thơ. Thi nhân 23 tuổi Xuân Diệu trân trọng vinh danh chàng thơ 20 tuổi qua bài viết Thơ Huy Cận: “Đã giáp một năm nay, Huy Cận đi tới giữa chúng ta với những bài thơ đặc biệt, với một tâm hồn có nhiều hương vị, một kho tàng tuy đương hỗn tạp nhưng thực là giàu.

Bổn phận của chúng ta đối với văn chương Nam Việt, chẳng phải là ráng thấu hiểu để yêu mến những văn tài mới lên hay sao? Thơ Huy Cận cũng thuộc về hạng thơ vừa xem qua thì dường như khó khăn, nhưng kỳ thực không có gì bí hiểm. Huy Cận cũng là "một người của đời, một người ở giữa loài người", ông không đi với lối thơ phù phiếm, mộng mơ.

Ông chỉ nói lòng người của ông, hồn người của ông, và thơ ông càng đẹp, càng xinh, khi chứa đầy hương vị của đời, của sự sống” (Ngày nay, số 151, ra ngày 4/3/1939, tr.9+21)...

Xuân Diệu tinh tế cảm nhận và đặc biệt đề cao các đặc tính hương vị - màu sắc - cảm giác của hồn thơ Huy Cận: “Huy Cận đa tình, tâm hồn ông là một cô gái xưa rón rén ung dung, trông rất nết na dè dặt, kỳ thực hay liếc trộm và ưa viết thư tình. Ông thu hợp cái rụt rè của Á Đông và cái tươi đậm của Âu Tây, để làm nên cái "mạnh thầm" đặc biệt của Huy Cận. Ông yêu biết bao, yêu mãnh liệt, nhưng hay giấu, rồi khi "tình mất", ông ngồi trách mình sao đã quá rụt rè. Huy Cận góp bao nhiêu đẹp tốt của Á Đông, nhất là cái lửa tro nồng ấm ở bên trong, và cái xa vắng mênh mông của thời cũ”...

Xuân Diệu nhấn mạnh chất thơ với “nỗi buồn mênh mang của thời gian”, “một cái hay rất mênh mông” và “bao nhiêu bâng khuâng thương nhớ” trong thơ Huy Cận: “Với những câu thơ cổ kính, phảng phất một linh hồn Đường thi, Huy Cận thành thực nhớ và ngơ ngẩn yêu những cái vu vơ mờ mịt. Ông gợi cảnh cũ, không biết rõ là cảnh Tàu hay Việt Nam, chỉ thấy xưa, thấy xa, thấy vắng lặng: đó là cả nỗi buồn mênh mang của thời gian:

Buồn gieo theo gió veo hồ,
Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa.
Đồn xa quằn quại bóng cờ,
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về.
(Chiều xưa)

Nói sao hết, nói sao rõ được cái man mác rất thiết thực và rất vẩn vơ trong thơ Huy Cận? Đó chẳng phải là đáy sâu thẳm của linh hồn ta ư?”

Rồi Xuân Diệu đi đến khái quát tầm thời đại - phẩm chất tinh thần thời đại của thơ Huy Cận trong sợi dây liên lạc với truyền thống và mối quan hệ Đông - Tây: “Ông thân mật, ông ái ân, nhưng bao giờ cũng có cái vụng về, cái thầm kín của ông, cái ngậm ngùi vô cớ. Huy Cận!

Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài, hay nói nhỏ và hay làm thinh, để cho men lòng càng rạo rực hơn nữa; một tâm hồn hãy lặng yên để nước mắt chảy, không biết khóc vì cái gì; vừa mạnh, vừa yếu, rất mới và rất xưa, rất Âu Tây và rất Á Đông: nghĩa là cả con người, con người phức tạp của muôn thuở”...

Vào tháng 6/1940, khi đang làm việc ở Nha Thương chính tỉnh Mỹ Tho, Xuân Diệu đã kịp viết lời tựa cho tập Lửa thiêng của Huy Cận và xuất bản ngay trong năm này ở Hà Nội. Đồng cảm và đọc kỹ, hiểu sâu Lửa thiêng, Xuân Diệu thấu suốt tâm thế của một “linh hồn trời đất”, “hồn xưa”, “cái sầu của vũ trụ”, “cái thương vô hạn… cái tủi vô cùng” – những phương diện mà ngày nay chúng ta định danh là thi pháp thời gian, không gian, giọng điệu nghệ thuật:

“Linh hồn Huy Cận là một linh hồn trời đất; nói thế không sai đâu! Xem suốt tập Lửa thiêng, cái cảm giác trội nhất của ta là một cảm giác không gian: tự nghe xa vắng quanh mình; trên thiên văn đài của linh hồn, nhìn cõi bát ngát; một cái buồn vời vợi dàn ra cho đến hư vô. Huy Cận quá cảm nghe cái mênh mông, thì giọng thơ của người cũng lây cái sầu của vũ trụ. Những bài thơ đôi khi vắng vẻ quá: "Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa", "Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người", hay là "Sầu thu lên vút song song"; chỉ có trời đất ngơ ngẩn với nhau.

(…) Chàng than nỗi tháng ngày vùn vụt, bảo rằng hoa xuân không đậu, đời thoảng mùi ôi, trong khi mình chưa sống hết tuổi xuân, đang còn ở giữa độ măng trẻ của đời người! Cái tiếc sớm, cái thương ngừa ấy chẳng qua là sự trá hình của lòng ham đời, là cái tật dĩ nhiên của kẻ yêu sự sống. Không yêu sự sống hay sao, một người thường có những cái nghiêng tai kỳ diệu: khi mùa xuân cựa mình, khi những ý tươi lên rún rẩy trong cổ chim, khi "nhạc vươn lên trời"... lòng ông cũng theo hăng hái; và thơ ông mang ngầm sinh lực như men ủ nắng, tưởng chừng câu thơ có nhựa, sắp nứt ra như một cái mầm căng”...

Từ đây, Xuân Diệu đưa ra những cách hình dung khác nhau về thơ Huy Cận, phác họa những cách đọc, cách tiếp nhận và mối liên hệ từ người đọc trở lại tác phẩm - tác giả - đời sống tinh thần xã hội: “Huy Cận nói hộ cho ta đó; những giọt nước mắt thường đến quanh mí rồi ngừng, Huy Cận đã vì ta để rơi xuống má; cái linh hồn ấy bơ vơ không kể hết, kiếp người lang thang, đất trời trôi nổi, lạnh lắm, nhân gian ôi!

Ta thấy người thơ đi trốn cô đơn; trốn ở đâu bây giờ? Hồn bọn thi nhân thường là một món hàng ế; bán thì người ta không biết giá, mà cho, họ nhận cũng chẳng ra tuồng"…

Tập thơ in ra vừa kịp để Mộc Khuê Kiều Thanh Quế ghi danh vào cuộc tổng kiểm kê Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941) dẫu chỉ với một dòng chơi chữ bông lơn: “– Huy Cận trịnh trọng đốt Lửa thiêng (1940)”…

Chất thơ “sầu vạn cổ”

Trong bài giới thiệu Lửa thiêng trên báo Tràng An (số 12, tháng 3-1941), nhà thơ đồng thời là nhà phê bình Lương An trước hết đặt tiếng thơ trữ tình Huy Cận trong tương quan với thời cuộc và cả một thế hệ thi nhân: “Chàng cũng yêu tất cả, nhớ tất cả. Tâm hồn chàng là một khu vườn cũng theo mùa mà nở hoa hoặc hiu quạnh.

Tâm hồn chàng bây giờ là đối tượng của những hiện tượng của thời tiết. Một điều đáng chú ý là cái nhớ của chàng rất đỗi mênh mông và ôm trùm cả vũ trụ”…; từ đây Lương An đi sâu cắt nghĩa, lý giải chất thơ “sầu vạn cổ” và theo đó là vẻ đẹp hình thức, câu chữ làm nên chất lượng thơ Huy Cận: “Tả một phong cảnh tráng lệ biết bao.

Mây đùn núi bạc, chim nghiêng cánh nhỏ, nhẹ nhẹ ánh chiều sa, tưởng ngần ấy cũng đã đầy đủ như một bức tranh của một họa sĩ tài hoa. Chính thi nhân cũng nhận rằng cái cảnh tràng giang ấy đã làm cho mình ca tụng và mê mẩn. Ta hãy nghe thi nhân nói cảm giác của mình: 
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Thơ Huy Cận nhờ thế mà trong như thủy tinh và đẹp như ngọc thạch. Đọc Xuân Diệu thấy trong người sôi nổi ngọn trào lòng rào rạt; đọc Huy Cận thấy trong người lâng lâng, tâm hồn khoan khoái. Trí phán đoán sáng suốt, mắt nhận xét tinh vi, cách dùng chữ thần tình. Đó là ba đặc điểm của Huy Cận... 

Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Huy Cận
Đừng thấy chàng buồn buồn mà cho chàng là người lạnh nhạt hững hờ; đừng thấy văn chàng chạm trổ quá mà cho là mất vẻ tự nhiên. Huy Cận viết văn rất điêu luyện; song không bao giờ để rơi những ý niệm của mình. Bởi vậy khi đọc thơ Huy Cận ta thấy trong người nhẹ nhàng nhu khoái. Đã lâu lắm từ ngày Thơ thơ ra đời đến nay mới lại có một tập thơ đã khiến người phải đọc đến mà sinh vô hạn cảm tình với tác giả”...

Tại Phần II - Thơ Việt Nam hiện đại trong chuyên khảo Việt Nam thi ca luận (Khuê Văn xuất bản cục, H., 1942), Lương Đức Thiệp đi sâu phân tích thơ Huy Cận và chú trọng đặt trong tương quan với nhiều thi nhân khác: “Với ông Huy Cận, trường “Thơ mới” tiến vượt lên một bậc nữa. Qua những bài thơ, những bài “lục bát” đặc sắc (…).

Ta thấy tâm hồn thi sĩ rung động. Một tâm hồn phiền toái hơn tâm hồn ông Thế Lữ và Xuân Diệu, một tâm hồn có nhuốm màu thần bí… Muốn dập thơ theo kiểu Tây phương, muốn theo hình thức của thơ Pháp, những hộ tinh xoay quanh ba ngôi định tinh đang lúc chói lòa (Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận) cũng a dua đả phá niêm luật, đả phá âm hưởng. Họ có ngờ đàn ba ngôi “sao” ấy đã từng hiểu biết, mới có ý định cải cách, có ý định phá bỏ lề luật của người xưa”...

Đến công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942…), Hoài Thanh – Hoài Chân chọn in thơ Huy Cận 11 bài (đồng hạng Nhì với kiện tướng Lưu Trọng Lư), chỉ xếp sau Xuân Diệu (15 bài).

Trong phần lời dẫn, hai ông nhấn mạnh chất trữ tình và những giá trị nhân văn, nhân tính, những buồn vui muôn thuở trong hồn người cùng một lối nói, một điệu thơ Huy Cận không thể trộn lẫn: “Huy Cận đi lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não.

Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc (…). Nhưng con đường về quá khứ đi càng xa, càng cô tịch; tứ bề càng vắng lặng, mênh mông.

Có lẽ thi nhân trong cuộc viễn du đã có lần nhác thấy cái xa thẳm của thời gian và không gian, có lẽ người đã nghe trong hồn hơi gió lạnh buốt từ vô cùng đưa đến. Một Pascal hay một Hugo trong lúc đó sẽ rùng mình, sẽ hốt hoảng. Với cái điềm đạm của người phương Đông thời trước, Huy Cận chỉ lặng lẽ buồn:

Một chiếc linh hồn nhỏ:
Mang mang thiên cổ sầu.

Vừa sau khi Hoài Thanh – Hoài Chân xuất bản Thi nhân Việt Nam, Diệu Anh (Đinh Gia Trinh) đã có ngay bài giới thiệu Nói chuyện thơ nhân quyển Thi nhân Việt Nam, 1932-1941 in trên tạp chí Thanh nghị (số 19, ra ngày 16/8/1942) và nhấn mạnh sắc thái thơ Pháp trong thơ Huy Cận (và cả Xuân Diệu nữa):

… “Người ta đua nhau nói thơ của Xuân Diệu và Huy Cận có tính cách “Tây”. Huy Cận mang vào một niềm buồn gần như có tính cách siêu lý”...

Khi bàn chuyên sâu về vấn đề nhạc điệu trong thơ, Vũ Bội Liêu trong mục bài Mỹ từ pháp trong văn chương Pháp và Việt Nam in trên tạp chí Thanh nghị (số 24, ra ngày 1/11/1942) đã phân tích điệu thơ Huy Cận qua một bài thơ cụ thể: “Huy Cận trong bài Buồn đêm mưa dưới đây cũng dùng gần như cùng một lối: ta thấy rất nhiều tính từ ghép, lập thành do một tiếng lặp lại như: nằng nặc, buồn buồn, dìu dịu, rời rạc, lẻ loi, hiu hắt, v.v… và những tiếng để liền nhau, cùng bắt đầu bằng một chữ như: nương nước, rơi rơi, bốn bề, v.v… Cách ấy khiến ta cảm được hết sự chán nản tràn ngập tâm hồn tác giả những khi giời mưa cứ đều đều và thánh thót từng giọt một trong lòng thi sĩ (…).

Ta lại còn thấy rằng Huy Cận đã dùng lối “nghĩ âm hòa điệu” (harmonie imitative): rơi rơi… dịu dịu, rơi rơi…; có phải như nghe được tiếng những giọt mưa đang tí tách bên thềm. Đọc bài này, ta không thể không nhớ đến bài Sương rơi của Nguyễn Vỹ viết theo một tiết điệu mới lạ”…

Cũng chính ở tạp chí Thanh nghị cùng số trên (số 24, ra ngày 1/11/1942), nhà phê bình Trương Chính trong bài Đọc Lửa thiêng của Huy Cận gồm bốn phần đã đi sâu phân tích khá toàn diện các đặc điểm nội dung và bút pháp nghệ thuật thơ Huy Cận. Thứ nhất, về cội nguồn những nỗi sầu mênh mang: “Cũng là vẩn vơ, nỗi buồn của Huy Cận không hẳn là nỗi buồn của tuổi hai mươi. Lòng ông quạnh hiu, vũ trụ bao la, phải đâu chỉ vì ông chưa hề “đón được tí hương ân ái”.

Huy Cận buồn những nỗi buồn chung của nhân thế: buồn tiễn đưa, buồn nhớ bạn, buồn nhớ nhà, buồn chuyện đời quanh quẩn…” Thứ hai, Trương Chính đi sâu phân tích thơ Huy Cận thiên về tâm trạng thê lương, nhìn đời theo cảm giác nên đã thi vị cả những mối sầu tình và tôn giáo: “Huy Cận sống bằng cảm giác. Ông suy xét việc đời theo cảm giác. Thơ ông vì vậy dễ xúc động lòng ta. Tuy nhiên, có hai địa hạt ấy không thể dùng cảm giác mà đạt tới được: Tình yêu và tôn giáo.”(…)

Thứ ba, Trương Chính nhấn mạnh cốt cách Á Đông của Huy Cận và tinh tế luận bình cả những thành công và hạn chế trong cách chọn chữ, dùng chữ: “Điều đáng để ý là về nghệ thuật, Huy Cận tuy hưởng thụ nền học vấn phương Tây mà lại có một cốt cách rất Á Đông. Thơ ông bao la, vắng vẻ như những bức tranh Tầu, trong đó trời, mây, sông, núi choán cả phần chính. Huy Cận chú ý đến linh hồn hơn là nét vẽ và màu sắc, nên tranh ông thanh đạm lặng lẽ lạ thường. Thơ ông lại súc tích, kết đọng như thơ cổ. Nhất là về thể lục bát. Ý thơ như dồn thúc lại”...

Thứ tư, nhà phê bình Trương Chính đi đến xác quyết rằng thơ Huy Cận đã tạo nên một bút pháp riêng nhưng cũng đã tự lặp lại mình và cần lắm một sự vận động, đổi thay, vượt lên chính mình: “Huy Cận có một tâm hồn thi sĩ. Ông lại biết bỏ óc phân tích Âu Tây mà trở về nghệ thuật hàm súc Á Đông.

Những bài Buồn đêm mưa, Chiều xưa, Đẹp xưa, Tràng giang, Thuyền đi, Vạn lý tình, Dấu chân trên đường, Nhớ hờ, Trò chuyện, Thu rừng, Mai sau… Có điều khi nhận thấy những bài đó đều do một đề hứng cả và chỉ gây được mỗi một cảm giác, người ta tự hỏi, tác giả Lửa thiêng có một tình ý nào sâu sắc nữa không và tâm hồn ông có thể rung động được rộng rãi hơn nữa không? Bởi vì không có cảnh nào buồn bằng cảnh một thi sĩ đến lúc phải tự mình bắt chước lấy mình”…
Đến mục tác gia Huy Cận trong sách Nhà văn hiện đại, Quyển ba (NXB Tân dân, H., 1943), Vũ Ngọc Phan nhấn mạnh những khác biệt giữa thơ Huy Cận với Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu:

“Tác giả Lửa thiêng (Đời Nay – Hà Nội, 1940) thật đã không giống Xuân Diệu và cũng đã khác hẳn Lưu Trọng Lư. Ở Huy Cận, ta không thấy những tiếng kêu ầm ỹ, nóng nẩy như ở tác giả Thơ thơ và ta cũng không thấy cái buồn vơ vẩn và nhẹ nhàng như ở tác giả Tiếng thu. Huy Cận than thân thì ít mà góp tiếng khóc với đời thì nhiều.

Cái giọng nhớ hờ, thương hão của ông đôi khi có hơi giống Tản Đà, nhưng ông lại khác Tản Đà ở chỗ có lòng tin tưởng ở đấng tối cao. (…) Huy Cận hơn Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu ở sự chọn chữ, lựa câu, ở sự hiểu cái ma lực của mỗi chữ (…) nhưng lại thua Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu về thành thực”...

Sau tất cả các bài viết và ý kiến trên, đến lượt Kiều Thanh Quế - nhà phê bình số một của miền Nam đương thời - đã lên tiếng đánh giá về nền thơ đương đại qua bài đọc sách thực sự công phu Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân (tạp chí Tri tân, số 134, tháng 3/1944); trong đó có trao đổi, tranh luận, phản biện, lý giải theo một cách riêng về hiện tượng thơ Huy Cận:

“Quyển sách dày dặn cố ghi lại một thời đại thi ca Việt Nam chẵn mười năm 1932-1942… Tôi không bảo thơ Xuân Diệu, Huy Cận vô giá trị. Tôi cũng nhận thấy trong đó một hơi hớm của tuổi hai mươi bồng bột, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là những lời thơ để đọc trong một thời. (…) Tôi không cho thơ Xuân Diệu, Huy Cận hoàn toàn tối nghĩa, nhưng cũng có lắm câu không được sáng sủa như: Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh (Xuân Diệu), Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng (Huy Cận). Hai động từ trong hai câu thơ ấy “mới” quá, ta chỉ nên dùng trong văn xuôi, đừng nên vội dùng trong văn vần. (…)

Tôi cũng không bảo thơ Xuân Diệu, Huy Cận thiếu hẳn nhạc điệu. Nhưng nhạc điệu của thơ hai ông, tôi thấy nó làm sao ấy! Ta chỉ thích nghe nhạc điệu ấy trong một thời thôi. Rồi thì sao ta cũng phải thích nhạc điệu của hơi thơ Đường hơn. Vì lẽ ấy mà tôi trọng cái nhạc điệu trong thơ Quách Tấn, Thái Can, Leiba, Tchya hơn nhạc điệu trong thơ hai ông”...

Lời kết

So với nhiều tác giả Thơ mới, thơ Huy Cận được người đương thời chào đón nồng nhiệt và thống nhất trong chiều hướng đánh giá, khẳng định, vinh danh. Về cơ bản, những điểm đặc sắc trong thế giới nghệ thuật, lối cảm, lối nghĩ, nội dung và hình thức câu thơ Huy Cận đều đã được khai thác sâu sắc.

Điều này cho thấy sự đồng cảm cũng như khả năng tiếp nhận của bạn đọc và giới phê bình đương thời Thơ mới thực sự khách quan, đạt tới trình độ cao trong việc thẩm định các giá trị thơ Huy Cận…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khán giả Thủ đô hào hứng đón xem vở chèo cổ "Trinh Nguyên" do NSND Trần Quốc Chiêm phục dựng
    Tối 19/5, tại Rạp Đại Nam, đông đảo khán giả Thủ đô đã đến xem buổi tổng duyệt vở chèo cổ "Trinh Nguyên". Vở chèo được dàn dựng công phu từ sự tôn kính nghề và sự tâm huyết với chèo cổ của NSND Trần Quốc Chiêm.
  • Đẩy mạnh phân cấp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch; báo chí, phát thanh và truyền hình; thông tấn; xuất bản, in, phát hành, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp”.
  • Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã ra mắt Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó đáng chú ý có cuốn sách “Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh” của tác giả - nhà văn Lê Xuân Đức (1939 – 2022) giúp người yêu thơ ca của Bác thêm thấu hiểu và cảm nhận rõ nét hơn tinh hoa trong từng câu chữ mà Người để lại, rút ra những chiêm nghiệm cho riêng mình và trên hết là những bài học lớn, sâu sắc về tư tưởng, về đầu tranh chính trị, về đạo lý làm người cho hôm nay và mai sau.
  • [Podcast] Chả ốc – món ngon “mê hoặc” thực khách
    Hà Nội ngàn năm tuổi luôn có những món ăn ngon, thức quà vặt gắn với 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Nếu có một món ăn nào đó khiến người ta cảm nhận được Thủ đô của Việt Nam không chỉ bằng vị giác, mà còn bằng ký ức, thì đó hẳn là chả ốc Tây Hồ. Một chiều mùa hạ, khi những cơn gió từ mặt nước hồ Tây thổi vào phố nhỏ, ngõ nhỏ, cùng với hương hoa sen, ta còn bắt gặp mùi thơm rất riêng – ngai ngái, cay nồng, béo ngậy – từ những hàng quán bình dân ven đường. Đó là mùi của chả ốc – món ăn dân dã nhưng lại mang trong mình phong vị rất “người Hà Nội”: thâm trầm, sâu sắc mà không vội vàng.
  • Hà Nội tiên phong tích hợp thủ tục hành chính trong Đảng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia
    Các thủ tục hành chính trong Đảng đã được số hóa và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đây là bước đi đột phá, thể hiện tinh thần tiên phong, gương mẫu của Thành phố Hà Nội trong triển khai chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số trong toàn hệ thống chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Huy Cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO