Nghệ sĩ nhân dân Minh Gái: Vẫn ''giữ lửa'' đam mê nghệ thuật tuồng

HNM| 18/03/2022 06:47

Với giới mộ tuồng, sành tuồng, cái tên Minh Gái được nhắc đến với sự ngưỡng mộ. Trong chặng đường nghệ thuật hơn 40 năm, bà đã gắn bó với hàng trăm vai diễn và nhiều giải thưởng danh giá. Giờ đây, đã nghỉ hưu nhưng trong lòng người nghệ sĩ xứ Đoài vẫn không thôi day dứt, trăn trở về tương lai của nghệ thuật tuồng.

Nghệ sĩ nhân dân Minh Gái: Vẫn ''giữ lửa'' đam mê nghệ thuật tuồng

1. Nhắc đến Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Minh Gái là nhắc đến một nghệ sĩ tuồng không ngừng nỗ lực trong sự nghiệp biểu diễn, đào tạo. Bà đã giành 7 Huy chương Vàng tại các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 16 tuổi bắt đầu học tuồng chuyên nghiệp, 22 tuổi về công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, 29 tuổi có tấm Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp..., đó là những dấu mốc đáng tự hào mà bà bồi hồi nhớ lại trong câu chuyện với phóng viên trong cuộc trò chuyện đầu xuân.

Thực ra cho đến bây giờ nghệ sĩ Minh Gái vẫn tự nhận bản thân có nhiều thuận lợi, may mắn khi đến với nghệ thuật tuồng. Bà sinh ra ở làng Ngãi Cầu (nay thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - một trong những “cái nôi” của nghệ thuật truyền thống xứ Đoài. Trong ký ức của bà thì làng quê ấy có những người nông dân cần cù việc đồng áng nhưng cũng đam mê cháy bỏng với nghệ thuật dân tộc.

“Ngày đó tôi rất mê đọc truyện và nghe những câu ca điệu hát trên đài phát thanh. Khi xã lập đội tuồng, tôi được các cô chú chọn là “hạt giống” văn nghệ. Cuối những năm 1970, nhiều nghệ sĩ tuồng nổi tiếng như Mẫn Thu, Bạch Trà, Xuân Yến, Ngọc Bích, Văn Thành... về xã dạy hát tuồng và tôi đã chính thức gắn bó với tuồng từ đấy”, nghệ sĩ Minh Gái nhớ lại.

Thuận lợi là thế nhưng không phải con đường đến với nghệ thuật của Minh Gái “trải đầy hoa hồng”, bởi yêu cầu với người nghệ sĩ tuồng không chỉ là hát hay, múa đẹp mà còn có sức khỏe tốt. Thời gian học tập tại Đoàn Tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam), bà không chỉ học hát, múa mà còn học cả thể thao, nhào lộn, động tác hình thể... Thời khóa biểu hằng ngày luôn kín lịch từ 5h - 21h. Chính những tháng ngày học tập nghiêm túc ấy đã góp phần tạo ra nhiều gương mặt nghệ sĩ có đóng góp đáng kể cho nghệ thuật tuồng, cùng lứa với Minh Gái còn có Thu Hương, Hương Thơm, Bích Tần...

2. Trò chuyện với phóng viên về thành tựu của mình, NSND Minh Gái bắt đầu bằng cụm từ đầy sự hàm ơn: “Nhờ lộc tổ, nhờ sự nâng đỡ của các bậc tiền bối...”. Bà đã đóng vai chính trong nhiều vở, như “Huyền Trân công chúa”, “Đô đốc Bùi Thị Xuân”, “Không còn đường nào khác”...

Vai diễn để lại ấn tượng nhất trong lòng Minh Gái và làm nên “thương hiệu” của bà là vai Hồ Nguyệt Cô trong trích đoạn tuồng cổ “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, một vai diễn khó, văn pha võ, đòi hỏi người diễn phải hội tụ nhiều yếu tố, đặc biệt là khổ luyện không ngừng. Vai diễn đó đã mang lại cho bà Huy chương Vàng tại nhiều cuộc thi như Cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc năm 1991, Cuộc thi Tài năng trẻ Thủ đô năm 1991, Tuần lễ Văn hóa Nam Ninh (Trung Quốc) năm 2015...

Theo nghệ sĩ Minh Gái, đặc trưng thẩm mỹ của tuồng mang chất bi hùng và có thể nói đó là sân khấu của những người anh hùng. Trong những bối cảnh xung đột bạo liệt bi ai, các nhân vật chính diện của tuồng hành động một cách dũng cảm, trở thành tấm gương sáng, là bài học cho đời. Với kinh nghiệm đúc kết qua nhiều năm, bà thấy tuồng là môn nghệ thuật độc đáo, đặc sắc và thấm đẫm tính văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Khi còn công tác, bà đã biểu diễn tại Nhật Bản, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Bỉ... để giới thiệu, quảng bá nghệ thuật tuồng với bạn bè quốc tế. Bà và các đồng nghiệp còn thử nghiệm đưa tuồng vào các vở kịch hiện đại như “Romeo và Juliet”, “Giông tố”, Giấc mộng đêm hè”...

Bên cạnh công tác biểu diễn, NSND Minh Gái còn tham gia công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ tại Nhà hát Tuồng Việt Nam và nhiều đơn vị, trường học trên cả nước. Nhiều lứa học trò qua bàn tay dìu dắt, chỉ bảo tận tình của bà đã giành được huy chương trong các cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc như Quỳnh Liên, Kim Ngân, Đức Anh, Kim Thanh, Đỗ Quyên, Ngọc Huyền, Đỗ Nga...

Theo nghệ sĩ Minh Gái thì nghệ sĩ trẻ hiện nay có nhiều thuận lợi trong học tập vì có các thiết bị ghi âm, ghi hình để lưu lại những bài học còn thời của bà thì chỉ học truyền miệng. Tuy nhiên, theo bà thì thời nay, các nghệ sĩ trẻ cũng bị phân tâm bởi nhiều yếu tố, nhất là vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền”. “Với nghệ thuật tuồng thì không thể đào tạo ngày một, ngày hai là có thể đi biểu diễn kiếm tiền được. Trong khi đó, các em đều đến từ những vùng quê nghèo, gia đình hết sức khó khăn. Tôi rất thông cảm với các em và cũng mong muốn lãnh đạo ngành Văn hóa tiếp tục quan tâm hơn nữa để các em yên tâm học tập, công tác” - nữ nghệ sĩ tâm sự.

3. Để “giữ lửa” đam mê nghệ thuật tuồng, NSND Minh Gái luôn biết ơn người chồng của mình - nghệ sĩ Hoàng Long (hiện là Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam). Ông bà vốn công tác cùng một đoàn nhưng vì thương vợ, muốn vợ có nhiều thời gian với tuồng, nghệ sĩ Hoàng Long đã gác lại ước mơ để sang một đoàn khác phụ trách âm thanh. “Thực lòng tôi biết anh ấy rất đam mê biểu diễn tuồng nhưng đã hy sinh vì sự nghiệp của vợ. Chỉ cần nhớ lại những chuyện ấy, tôi không có lý do gì để phụ bạc tuồng hay sa vào cám dỗ nào cả” - NSND Minh Gái bộc bạch.

Là người có nhiều năm công tác cùng NSND Minh Gái tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngọc Khánh nhấn mạnh: “Minh Gái là nghệ sĩ tài năng, tâm huyết. Trong quá trình học tập và công tác, bà đã tích lũy được rất nhiều kiến thức chuyên môn của các nghệ nhân, nghệ sĩ truyền lại, nhất là ở những vai tuồng cổ. Bà cũng là người có nhiều sáng tạo trong kết hợp nghệ thuật tuồng với một số lĩnh vực khác”.

Còn NSƯT Hoàng Tùng (Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhìn nhận: “Bản thân tôi hồi nhỏ đã xem rất nhiều vở có nghệ sĩ Minh Gái biểu diễn. Bà có sức ảnh hưởng phần nào đó đến việc chọn nghề của tôi sau này. Bà là tấm gương lớn trong nghề về tình yêu nghệ thuật và nghị lực, bởi tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự đam mê, thực sự khổ luyện”.

Từ khi về hưu, để đỡ nhớ nghề, NSND Minh Gái tham gia nhóm “Đông Kinh cổ nhạc”, biểu diễn tại nhiều nơi. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều buổi biểu diễn phải tạm dừng nhưng không vì thế mà các nghệ sĩ trong nhóm không luyện tập, không thôi thai nghén ý tưởng mới mẻ tiếp theo. Trong sâu thẳm, bà mong muốn sân khấu nói chung và sân khấu tuồng nói riêng sẽ luôn sáng đèn để các nghệ sĩ được thể hiện tài năng, tâm huyết và cũng để khán giả, nhất là khán giả trẻ thêm hiểu, thêm tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - đó là vốn quý bất biến cùng thời gian.

(0) Bình luận
  • Khơi dậy giá trị di sản bị lãng quên từ quán Đạo giáo
    Trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, đình, chùa, đền, miếu từ lâu đã được nhận diện như những thiết chế tiêu biểu, in đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, có một loại hình di tích tôn giáo từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc nhưng dần bị lãng quên: đó là quán Đạo giáo. Cuốn sách "Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam" của TS. Nguyễn Thế Hùng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2025) là một chuyên khảo công phu nhằm lấp đầy khoảng trống
  • "Lời từ biệt bầu trời" – Tự sự của một cựu tiếp viên hàng không
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Lời từ biệt bầu trời" của tác giả Đinh Lê Hương – cựu tiếp viên Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Cuốn tự truyện mang đến những lát cắt chân thực, xúc động về nghề tiếp viên hàng không qua góc nhìn của người trong cuộc.
  • “Gặp tôi trong tương lai”: Khơi dậy ước mơ nghề nghiệp từ trang sách thiếu nhi
    Sáng 29/6/2025, tại Nhà xuất bản Kim Đồng, lễ khai mạc trưng bày “Gặp tôi trong tương lai” đã diễn ra, mở đầu cho chuỗi hoạt động tổng kết chương trình kêu gọi ý tưởng sáng tác sách thiếu nhi. Đây là một sáng kiến được khởi xướng bởi The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC), phối hợp thực hiện cùng ECUE VGEM và Nhà xuất bản Kim Đồng, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ chương trình Investing in Women, một sáng kiến của Chính phủ Australia.
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Ra mắt sách tranh song ngữ “Kể chuyện Bác Hồ”
    Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925 – 6/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách tranh "Kể chuyện Bác Hồ", ấn bản song ngữ Việt – Trung.
  • Chuyện kể về Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam
    Trong hành trình mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt Nam, các chúa Nguyễn hiện lên như những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, với các quyết sách chiến lược và nghệ thuật bang giao khôn khéo, đặc biệt trong quan hệ với triều đình Chân Lạp. Cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” của nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 6/2025, là một công trình giàu tư liệu và cảm hứng góp phần tái hiện sinh động giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhân dân Minh Gái: Vẫn ''giữ lửa'' đam mê nghệ thuật tuồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO