Nghệ sĩ nhân dân Kim Liên: ''Đóa sen hồng'' của nghệ thuật hát dân tộc

HNM| 23/01/2022 20:39

Nhắc đến Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Kim Liên - nguyên Phó Trưởng đoàn Chèo Nam Hà (cũ) là nhắc đến người sở hữu “giọng hát/ ngâm vàng” trong nghệ thuật hát văn, hát chèo, ngâm thơ và cũng là người đầu tiên đưa hát văn lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bà đã vinh dự 4 lần được hát/ ngâm cho Bác Hồ nghe và được cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy tặng bài thơ “Đóa sen hồng” với những câu thơ: “Kim Liên như đóa sen hồng/ Nam Hà như nước hồ trong mùa hè...”.
Nghệ sĩ nhân dân Kim Liên: ''Đóa sen hồng'' của nghệ thuật hát dân tộc
NSND Kim Liên cùng các nghệ sĩ biểu diễn.

1. Sinh năm 1942, mùa xuân này NSND Kim Liên bước vào tuổi 80, bà vẫn khỏe mạnh, vui tươi, yêu đời. Tai vẫn thính, mắt vẫn tinh, minh mẫn, đặc biệt giọng hát của bà vẫn rất ngọt ngào, sâu lắng, làm thổn thức người nghe. Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Sơn (Nhà hát Chèo Quân đội) từng kể, anh đến với nghệ thuật hát chèo, hát văn cũng từ cảm hứng được nghe NSND Kim Liên hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam khi anh còn nhỏ. Và tôi nghĩ không chỉ Ngọc Sơn, nhiều nghệ sĩ khác cũng nuôi dưỡng niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc từ giọng hát trời phú của NSND Kim Liên.

Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: “Chính từ giọng hát của nghệ sĩ Kim Liên trên Đài mà hát văn được phục dựng, nghệ thuật hát văn trong hầu bóng được công nhận. Có thể nói, cả cuộc đời bà luôn đau đáu với nghệ thuật dân tộc, bà có thể hát bất cứ lúc nào khi khán, thính giả yêu cầu. Giờ đây, bước vào tuổi 80 nhưng bà vẫn đam mê cháy bỏng với nghệ thuật dân tộc, vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Cống hiến của bà cho hát văn là vô giá. Bà xứng đáng là tấm gương về sự say nghề, luôn phấn đấu học hỏi, vươn lên, đạt được những thành tích xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật”.

Có được tận mắt chiêm ngưỡng những tấm bằng khen, giấy khen và các tấm huy chương tại các liên hoan, hội thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc trong phòng khách của gia đình bà mới thấy bà đã trải qua quá trình hoạt động nghệ thuật hăng say, sôi nổi và đạt nhiều thành tích nổi bật. Không quá lời khi nói bà là một trong những gương mặt nổi bật nhất của làng chèo, làng hát văn thành Nam. Chỉ tay lên tấm huy chương được treo trang trọng, bà bảo: “Đây là tấm huy chương đầu tiên của cuộc đời mình: Huy chương Bạc với vai Xuân Phương (tức Thị Phương) trong vở “Đôi ngọc lưu ly” tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962, khi ấy tôi mới 20 tuổi. Những ngày còn trẻ, lòng nhiệt huyết, đam mê đã dẫn tôi đi biểu diễn ở khắp nơi, từ trong chiến trường đến những làng quê. Nói chung cứ ở đâu có khán giả là chúng tôi đến, hát một cách say sưa, nhiệt thành”.

2. Từng biểu diễn ở trong nước và nước ngoài cho nhiều vị khách quan trọng, nhưng có lẽ việc được biểu diễn cho Bác Hồ xem để lại cho NSND Kim Liên cảm xúc đặc biệt nhất. Là người Việt Nam, được nhìn thấy Bác Hồ một lần bằng xương, bằng thịt là điều may mắn, còn NSND Kim Liên có tới 4 lần được gặp, trò chuyện, được hát/ ngâm thơ và ăn cơm cùng Bác thì đó quả là một niềm vinh dự hiếm có.

Giọng trầm ngâm, bà kể: “Lần đầu tiên là vào ngày 21-5-1963, khi Bác về thăm Nam Định. Tôi vào vai Tâm trong trích đoạn “Chị Tâm bến Cốc” (vở chèo “Cuộc đời theo Đảng” của tác giả Tào Mạt) diễn cho Bác và đoàn công tác xem. Lần thứ hai vào ngày 21-12-1968 tại Phủ Chủ tịch, khi ấy tôi đã ngâm các đoạn trích “Kiều gặp Kim Trọng”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích” cho Bác nghe. Lần thứ ba, may mắn hơn nữa là tôi lại được Bác chọn là người ngâm bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 của Người phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với lý do “giọng Kim Liên trong sáng, thể hiện đúng ý thơ của Bác”. Lần cuối cùng vào ngày 16-7-1969, tôi vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và được ăn cơm cùng với Bác”.

Rưng rưng với câu chuyện về Bác Hồ, nghệ sĩ Kim Liên cho biết, bà còn được Bác Hồ tặng chiếc thước kẻ gỗ có khắc 3 chữ “S-N-K” (Suy - Nghĩ - Kỹ) mà Người tự tay gọt đẽo. Khi tôi tỏ ý muốn xem chiếc thước ấy, bà bảo, sau khi giữ bên mình mấy chục năm thì đến năm 2008, bà đã tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ, bởi bà nghĩ kỷ vật này giờ đây đã là tài sản quốc gia chứ không phải của cá nhân mình nữa. “Lưu giữ chiếc thước bên người, tôi luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của Bác. Làm việc gì cũng phải suy nghĩ kỹ càng, thấu đáo và đưa ra quyết định một cách thận trọng, có tình, có lý. Nhất là trong nghệ thuật, tôi luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong cách diễn, những mong lột tả được tính cách của nhân vật, làm sao giọng hát phải thật tròn vành rõ chữ, ngọt ngào, tha thiết. Đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy văng vẳng bên tai lời dạy của Người, muốn truyền cho thế hệ con cháu học tập, noi theo”, NSND Kim Liên kể.

3. Giờ đây, dù đã bước vào tuổi 80 nhưng tình yêu với nghệ thuật hát chèo, hát văn, ngâm thơ vẫn cháy trong tâm hồn NSND Kim Liên. Bà vẫn tham gia Câu lạc bộ Thiên Trường với vai trò Trưởng ban Văn nghệ (gồm 32 nghệ sĩ cao tuổi), đi biểu diễn ở khắp trong và ngoài tỉnh, tạo nên sân chơi ý nghĩa, thiết thực, để sống vui - khỏe - có ích như tiêu chí mà Câu lạc bộ đặt ra.

Suốt gần 30 năm kể từ khi nghỉ hưu, bà luôn suy nghĩ rằng “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” nên bà rất quan tâm đến việc truyền dạy cho thế hệ con cháu và những ai có nhu cầu học hát, bởi "chính họ sẽ là cánh tay nối dài để nghệ thuật truyền thống được gìn giữ, lưu truyền và sống mãi trong đời sống hôm nay". Bà bảo, khi nhiều người dân còn chưa mặn mà với nghệ thuật hát dân tộc thì trách nhiệm của người nghệ sĩ là phải nắm chắc, nắm vững lối hát và đặc biệt là phải sáng tạo khi thể hiện sao cho gần gũi, dung dị, dễ đi vào lòng người.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, lòng nghệ sĩ Kim Liên lại náo nức, bồi hồi nhớ về những kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ về cái lần được ngâm bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 - bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ kính yêu. Văng vẳng trong không gian phòng khách giữa căn nhà ở thành phố Nam Định, tôi lại được một lần nữa nghe lại giọng ngâm của nữ nghệ sĩ tài danh của mảnh đất này: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Phải khẳng định rằng, tuổi tác - thứ mà làm nhiều người rất sợ phải đối diện, không làm giọng ngâm của NSND Kim Liên thôi ấm áp, nồng đượm và trữ tình.

Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên sinh năm 1942 tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Bà nguyên là Phó Trưởng Đoàn chèo Nam Hà. Trong sự nghiệp biểu diễn, bà đã để lại ấn tượng trong nhiều vai diễn, được nhiều giải thưởng, huy chương, như Giải Đặc biệt tại Hội thi giọng hát hay tuồng chèo toàn quốc lần thứ nhất năm 1981 với vai Đào Huế trong trích đoạn “Tuần Ty - Đào Huế”, Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 với vai diễn cô Tư Hồng trong vở “Người lái đò sông Vị”, giải Đặc biệt tại Liên hoan các trích đoạn chèo hay năm 1993 với vai diễn Mụ Quán trong vở “Súy Vân”... Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (năm 1988), Nghệ sĩ Nhân dân (năm 2015).

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhân dân Kim Liên: ''Đóa sen hồng'' của nghệ thuật hát dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO