Văn hóa – Di sản

Nghề làm chiếu Cà Hom trở thành di sản quốc gia

Việt Thương 08:30 12/04/2025

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 2321/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghề thủ công truyền thống.

chieucahom6.jpg
Nghệ nhân Diệp Thị Som (áo trắng) hướng dẫn du khách dệt chiếu Cà Hom (ảnh: travinh.gov.vn)

Ngày 10/4, UBND huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ VHTT&DL công nhận nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh cho biết, dệt chiếu là một trong những nghề truyền thống lâu đời của đồng bào Khmer.

Đây là loại hình nghề truyền thống lâu đời với sản phẩm chiếu lác đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa của người Khmer tại ấp Cà Hom, ấp Chợ và Bến Bạ, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú.

Ngày 09/8/2024, Bộ VH-TT-DL ban hành Quyết định số 2321/QĐ-BVHTTDL, đưa Nghề thủ công truyền thống nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là loại hình nghề truyền thống đầu tiên của Trà Vinh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là nghề thủ công truyền thống gắn bó lâu đời với đời sống của đồng bào dân tộc Khmer. Làng nghề dệt chiếu Cà Hom có khoảng 91 hộ dệt thủ công đang thực hành di sản và trao truyền cho các thế hệ con cháu tiếp nối. Hàng năm, Làng nghề đưa ra thị trường hơn 32.800 sản phẩm chiếu các loại và được tiêu thụ rộng rãi tại các địa phương, các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Vĩnh Long và số ít sang nước Campuchia.

Với những sản phẩm chất lượng được cung ứng ra thị trường, nghề làm chiếu Cà Hom đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con Khmer trên địa bàn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo cơ hội cho hoạt động dịch vụ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện đề nghị các sở, ngành tỉnh cùng với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức trong nội bộ cán bộ, đảng viên và các đoàn thể, quần chúng nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị di sản văn hóa nói chung trong đó nghề dệt chiếu Cà Hom.

Đến nay, Trà Vinh có 08 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: nghệ thuật Chầm riêng chà pây của đồng bào Khmer; Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer ở Trà Vinh; nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”; Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; Nghệ thuật Rô-băm người Khmer tỉnh Trà Vinh; Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè và Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer; nghề dệt chiếu Cà Hom của người Khmer xã Hàm Tân./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghề làm chiếu Cà Hom trở thành di sản quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO