Ngày hội Gia đình Việt Nam: Những câu chuyện gần gũi, sống động

Theo kinhtedothi.vn | 27/06/2017 14:54

Ngày hội Gia đình Việt Nam cứ “đến hẹn lại lên” vào mỗi độ cuối tháng 6, nhưng cái hẹn năm nay tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư) vẫn cho người Hà Nội sự háo hức khi những câu chuyện gia đình được kể bằng tác phẩm hội họa, điêu khắc, ca dao, dân ca...

Làm mới
Ngày hội đã khai màn tối 24/6 bằng chương trình nghệ thuật tổng hợp “Bài ca hạnh phúc” rộn ràng, để mào đầu cho những hoạt động nối tiếp kéo dài đến hết 28/6. Vẫn biết mục tiêu của ngày hội năm nay cũng như những năm trước là tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, tạo cơ hội để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, không thể không ghi nhận nỗ lực của người tổ chức trong việc làm mới hình thức diễn đạt để truyền tải một thông điệp tưởng như rất lý thuyết này.
Thay vì các trưng bày bằng ảnh, báo chí, năm nay câu chuyện gia đình được kể bằng tranh, tượng, bằng ca dao, dân ca – những thứ nghệ thuật rất Việt Nam và gần với đời sống của người Việt truyền thống. Ở đó, triển lãm “Tình cảm gia đình trong ca dao, dân ca Việt Nam” trưng bày 60 tác phẩm là những câu ca dao, dân ca đậm đà tình cảm gia đình. Nào là lời ru của mẹ, lời dạy của cha, nào là ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bà để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt. Các tác phẩm được thể hiện bằng nghệ thuật thư pháp trên nhiều chất liệu: giấy điệp, giấy dó, giấy tuyên chỉ, trúc chỉ, mành tre, quạt lụa, quạt giấy, gốm thô, đá, gỗ, kính, sơn quang… Một số tác phẩm còn kèm tranh minh họa cho nội dung câu ca. Ở góc triển lãm “Tranh, tượng về gia đình, về vẻ đẹp của người phụ nữ” lại hội tụ 50 tác phẩm hội họa, điêu khắc tiêu biểu của họa sĩ Lê Công Thành, Bùi Trọng Dư và Phương Bình về chủ đề tình cảm gia đình và vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ Việt, được thể hiện trên chất liệu giấy dó, sơn mài; điêu khắc trên đá, thạch cao, kim loại…
Đúng là câu chuyện gia đình trong tâm khảm của bao nhiêu thế hệ không bao giờ cũ. Bằng chứng là những gì đã được “tường thuật” trong ngày hội này, từ thuở ca dao, dân ca cho đến các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Chúng còn được kết nối ăn ý với thực tế bằng một góc trưng bày riêng về công tác gia đình tại các tỉnh, TP trong cả nước - một lời kể về sự tiếp thu và phát huy truyền thống gia đình của người Việt trong thời hiện đại, đặc biệt là trong thời buổi hội nhập văn hóa thế giới diễn ra ngày càng sâu, rộng.
Không chỉ có triển lãm
Đan xen trong các không gian triển lãm, ngày hội năm nay còn hội tụ khá nhiều hoạt động giao lưu, văn hóa nghệ thuật khiến các câu chuyện gia đình thêm phần đặc sắc và sống động. Đó là cuộc giao lưu nghệ thuật “Gia đình yêu thương”, dạ hội “Vũ điệu hạnh phúc”… mở ra ngay tại sân khấu chính của ngày hội. Đặc biệt là sự kiện Ngày hội quốc tế Yoga với các màn đồng diễn, biểu diễn Yoga của các gia đình thuộc nhiều nhóm tuổi do Yoga Việt Nam - Hội Giáo viên tổ chức.
Tất nhiên, cuộc cổ vũ xây dựng và vun đắp cho gia đình này không thể bỏ qua những góc nhìn thực tế, sắc bén để truyền đi thông điệp chính của ngày hội. Thế nên, giữa không khí lễ hội kia, những người tổ chức vẫn khéo léo "cài" vào đó những hội nghị, hội thảo thiết thực. Như cuộc “Biểu dương các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi và văn hóa tiêu biểu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017”, Hội thảo “Gia đình và bình đẳng giới”, “Nâng cao chất lượng hôn nhân và gia đình ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Liên hoan “Tuyên truyền viên xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội”, Hội thi nấu ăn “Gia đình điểm 10” và Hội thi văn nghệ “Tài năng gia đình”…
Ngày hội dành cho gia đình vẫn đang rổn rang đón người Hà Nội tới Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Nỗ lực làm mới cách truyền tải thông điệp gia đình của người tổ chức thực sự đã mang lại màu sắc mới cho ngày hội "đến hẹn lại lên" này.
Bài liên quan
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khơi dậy giá trị di sản bị lãng quên từ quán Đạo giáo
    Trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, đình, chùa, đền, miếu từ lâu đã được nhận diện như những thiết chế tiêu biểu, in đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, có một loại hình di tích tôn giáo từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc nhưng dần bị lãng quên: đó là quán Đạo giáo. Cuốn sách "Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam" của TS. Nguyễn Thế Hùng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2025) là một chuyên khảo công phu nhằm lấp đầy khoảng trống
  • Phường Sơn Tây (mới) ngày đầu thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp: Vì Nhân dân phục vụ
    Từ ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, phường Sơn Tây (thị xã Sơn Tây cũ - thành phố Hà Nội) thực hiện hoạt động chính quyền 2 cấp. Từ đầu giờ sáng nay, 1/7, toàn bộ cán bộ, công chức Phục vụ hành chính công phường Sơn Tây đã có mặt đầy đủ, đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ.
  • Kỳ họp thứ Nhất HĐND phường Cửa Nam: Không để đứt gãy công việc khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
    Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 1/7, HĐND phường Cửa Nam (Thành phố Hà Nội) khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ nhất để xem xét, quyết định công tác nhân sự và thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Đây là kỳ họp đặc biệt của phường Cửa Nam để hoàn thiện tổ chức bộ máy, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp hiệu lực, hiệu quả góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
  • [Podcast] Phổ biến Nghị quyết thi hành Luật Thủ đô: Nghị quyết số 25/2024/NQ-HĐND
    Thực hiện khoản 1 Điều 15, điểm a khoản 3 Điều 52 Luật Thủ đô năm 2024, tại kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 25/2024/NQ-HĐND quy định biện pháp thực hiện việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm dự ra mắt 3 nền tảng số phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW
    Sáng nay 2/7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm.
Đừng bỏ lỡ
Ngày hội Gia đình Việt Nam: Những câu chuyện gần gũi, sống động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO