Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thanh Oai cho biết, vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chỉ thị số 30) đến năm 2025 với các nội dung trọng yếu.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Oai căn cứ chức năng nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, tích cực, chủ động trong việc tham mưu, đề xuất với huyện, Thành phố các cơ chế chính sách và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch đề ra thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, khả thi, tránh hình thức. Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 30 của ngành GD&ĐT huyện Thanh Oai gồm các nội dung, cụ thể:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức, lao động hợp đồng của ngành GD&ĐT, từ đó lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, xây dựng người Thanh Oai, Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Tuyên truyền giáo dục, vận động người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, cổ súy cho lối sống, văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, truyền thống văn hiến của Thủ đô.
Đồng thời nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền đảm bảo thuyết phục, phù hợp với từng giới, ngành, rõ địa chỉ, rõ mô hình, cách làm và kinh nghiệm hay; truyền cảm hứng cho đội ngũ công chức, viên chức, lao động hợp đồng của ngành GD&ĐT, từ đó lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân hiểu, chia sẻ và trở thành chủ thể tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tôn trọng và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, các hương ước, quy ước cộng đồng, góp phần ngăn chặn đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống. Huyện Thanh Oai xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong thực hiện các nội dung nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị số 30, nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nội dung thứ hai, đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng phát triển văn hóa, xây dựng người Thanh Oai, Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó có việc xây dựng và phát huy hiệu quả “văn hóa trên môi trường số”, khai thác tốt các giá trị truyền thống, hướng tới mục tiêu xây dựng “công dân số”, “công dân toàn cầu”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản; quản lý các loại hình thông tin trên mạng internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho các đội ngũ công chức, viên chức, lao động hợp đồng của ngành GD&ĐT, từ đó lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các thanh - thiếu niên.
Tham gia các lớp đào tạo nâng cao công tác quản lý Nhà nước và nghiệp vụ chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, cán bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ huyện đến cơ sở nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ rõ tại Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Thứ ba, xây dựng người Thanh Oai, Hà Nội phát triển toàn diện, “Hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh” tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng người Hà Nội có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa gia đình truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, gắn với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại; xây dựng và phát huy lối sống “Môi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” xây dựng người Hà Nội có lối sống tôn trọng, chấp hành các quy định của pháp luật và các quy định của địa phương; tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, cái tích cực và cao thượng; nhân rộng các giá trị nhân văn cao đẹp của Thủ đô và đất nước.
Tập trung các điều kiện để đầu tư toàn diện cho con người với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa, phát triển văn hóa phải gắn với xây dựng con người, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và cộng đồng. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Hà Nội, gắn với giáo dục thể chất, với tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát triển, nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao quần chúng (thể thao học đường, công nhân viên chức - người lao động, thanh thiếu niên, phụ nữ...). Duy trì phong trào “Mỗi người dân thường xuyên luyện tập 1 môn thể thao tự chọn”, nâng cao chất lượng danh hiệu Gia đình thể thao; nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ thể dục thể thao từ thôn, xã, phường, thị trấn; các trường học tổ chức tốt chương trình thể thao chính khóa và ngoại khóa. Người lao động tổ chức tốt chương trình rèn luyện sức khỏe, tham gia hội thi thể thao ngành, thành phố, quốc gia tổ chức…
Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gồm: Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng môi trường văn hóa học đường; tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa; xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa ở cơ sở và hoàn thiện nâng cao chất lượng hiệu quả của các thiết chế văn hóa; Nâng cao chất lượng việc xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, gắn xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.
Đối với nội dung này, ngành GD&ĐT huyện Thanh Oai xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại, thông minh. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các mô hình thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử của UBND Thành phố Hà Nội. Phát triển sâu rộng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng…
Đẩy mạnh thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Xây dựng nếp sống người Hà Nội với các tiêu chí: chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp... ./.